Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và bí mật ‘siêu vũ khí’ của Vua Quang Trung
Trăn trở với bí mật “siêu vũ khí”
Thật bất ngờ khi người viết bài này một lần nữa lại biết đến kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh, người đã phục chế thành công mô hình nỏ Thần An Dương Vương lại là người tìm ra vũ khí bí mật của Vua Quang Trung cách đây hơn 230 năm…
Trở về Việt Nam ăn Tết, chàng kỹ sư đang làm việc cho một tập đoàn hàng không vũ trụ của Nga đã có nhiều buổi tiếp kiến Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng để hai thầy trò cùng chia sẻ về những phát hiện xung quanh bí mật vũ khí của Vua Quang Trung.
Kỹ sư Vũ Đình Thanh (bên phải) trình bày với Tướng Hiệu về phát hiện vũ khí phốt pho của Vua Quang Trung (ảnh:NVCC)
Chia sẻ với PLVN, kỹ sư Vũ Đình Thanh cho biết, vào Tết cổ truyền cách đây 12 năm, anh dẫn các đồng nghiệp là chuyên gia nghiên cứu và sản xuất tên lửa số 1 châu Âu thăm Lễ hội gò Đống Đa và giới thiệu chiến công hiển hách của quân đội Việt do Vua Quang Trung chỉ huy khi quét sạch 29 vạn quân Thanh.
Khi thấy vũ khí của quân đội Việt trong lễ hội chỉ là gươm giáo, các chuyên gia vũ khí không khỏi băn khoăn khi sử sách ghi rõ “5.000 quân chết trong chốc lát, gần 14 vạn quân chết trong nửa ngày” thì không thể do gươm giáo. Họ khẳng định, khoảng thời gian ngắn gây nên cái chết của hàng nghìn quân, rồi trong nửa ngày xác chất thành gò đống chứng tỏ sự chết tức thời.
“Lần theo sử sách nhà Thanh, tôi thấy các ý kiến này hoàn toàn có cơ sở. Sử nhà Thanh chép: “Từ cửa ải Nam Quan trở về Bắc, trai gái già trẻ bồng bế dắt díu nhau chạy trốn, suốt vài trăm dặm, lặng ngắt không còn bóng người…”. Điều này chứng tỏ đội quân xâm lược nhà Thanh phải gặp một vũ khí gì đó thật khủng khiếp, bị thương vong cực lớn mới khiến hàng triệu người tại khu vực biên giới rộng lớn giữa Trung Quốc và Việt Nam sợ mất mật bồng bế nhau chạy như thế”- kỹ sư Thanh chia sẻ.
Anh cho biết, khi tìm hiểu thêm thì bóng dáng của vũ khí sát thương hàng loạt lại càng rõ nét. Khi hành quân ra Thọ Hạc (Thanh Hóa), Vua Quang Trung long trọng tổ chức lễ thệ sư. Người tuyên bố: “Bớ chư quân, phàm ai bằng lòng chiến đấu thì hãy vì ta giết sạch quân giặc. Nếu ai không muốn thì hãy xem ta giết vài vạn tên trong một trận, đó không phải là chuyện hiếm lạ đâu”.
Nguyên cớ đâu mà Vua Quang Trung lại tuyên bố có thể tiêu diệt “vài vạn tên”? Rồi tại lễ khao quân ăn Tết sớm, Vua tuyên bố: “Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến sang Xuân ngày mồng 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng thế không?”.
Tồn tại vũ khí sát thương hàng loạt hàng trăm năm trước?
Trăn trở đó được nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện sỹ Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu rất đồng tình và đề nghị kỹ sư Thanh, người trực tiếp tham gia sản xuất vũ khí cho những tập đoàn vũ khí nổi tiếng Đông Âu nghiên cứu tìm ra vũ khí bí mật của Vua Quang Trung.
Sau rất nhiều công phu nghiên cứu với sự trợ giúp và xác nhận của các chuyên gia vũ khí giỏi nhất thế giới, chuyên gia vũ khí Vũ Đình Thanh đã phát hiện ra một sự thật chấn động đó là quân đội Đại Việt dưới thời Vua Quang Trung đã sở hữu thứ vũ khí mà ngày nay chỉ đứng sau vũ khí nguyên tử, đó chính là vũ khí phốt pho.
Sử nhà Nguyễn chép: “Hoả hổ… khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu lập tức bốc cháy". Nghiên cứu kỹ lưỡng hỏa hổ Tây Sơn, kỹ sư Thanh cùng các chuyên gia vũ khí phỏng đoán, hỏa hổ Tây Sơn hoạt động như ống bắn pháo hoa ngày nay với khác biệt là đầu đạn là hỗn hợp nhựa thông trộn phốt pho khi bị tung ra sẽ tự bốc cháy vì có phốt pho, hoặc hỏa hổ là ống phóng pháo thăng thiên với đầu chứa nhựa thông trộn phốt pho.
Các hỏa cầu thời Vua Quang Trung trong bảo tàng có vỏ gang rất dày, hoàn toàn không bị vỡ ra như lựu đạn ngày nay.
“Quân Tây Sơn bắn đồng loạt cùng lúc nhiều hỏa hổ tạo ra biển lửa như lửa của rồng phun ra cực nóng, độc, không có oxy, dễ dàng đánh bại mọi quân đội chiến đấu theo lối cổ, tức là đội hình tập trung như quân chúa Nguyễn, chúa Trịnh và quân Thanh. Điều này khớp với ghi chép trong chính sử nhà Nguyễn: “Quân Tây Sơn lấy ống hỏa hổ tung ra, quân Trịnh đều tan vỡ, vứt gươm, bỏ giáo, xô nhau chạy trốn thể như núi đổ”- Kỹ sư Thanh hào hứng phân tích.
Cũng theo kỹ sư Thanh, sử sách ghi lại, vua tôi nhà Thanh hoàn toàn không bị bất ngờ mà có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với hỏa hổ nhưng đã gặp vũ khí phốt pho còn uy lực gấp nhiều lần hỏa hổ, thứ vũ khí mà ngày nay đang bị cấm theo công ước quốc tế.
Các hỏa cầu từ thời Vua Quang Trung trong bảo tàng có vỏ gang rất dày, hoàn toàn không bị vỡ ra như ở lựu đạn ngày nay. Điều này cho thấy, hỏa cầu của Tây Sơn được thiết kế với thành dày để khi nổ, quả cầu không vỡ, tạo áp suất tống một thứ hoá chất, như mô tả của quân Thanh: “Nó (chỉ hỏa hổ- hỏa cầu) nhanh như sấm chớp, nóng như thò tay vào vạc dầu. Quân có tinh nhuệ đến mấy cũng không thể nào tránh và chống đỡ được. Gặp vũ khí này thì gươm đao cũng thành vô hiệu, các dụng cụ công thành, khiên mác cũng hóa vô dụng”.
Chính vì quân Tây Sơn có vũ khí phốt pho nên khi vận chuyển phải bảo quản trong nước, mà người dân nhìn thấy khi hành quân cứ hai người lính khiêng một thuyền.
Với vũ khí uy lực này, theo sử nhà Thanh “chốc lát có 5.000 quân bị chết” đúng như Vua Quang Trung tuyên bố trước trận đánh “hãy xem ta giết vài vạn tên trong một trận”
Tướng Hiệu: Phát hiện này rất quan trọng!
Chia sẻ về “siêu vũ khí” của nghĩa quân Tây Sơn mà kỹ sư Vũ Đình Thanh đã nghiên cứu, phát hiện ra, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu quả quyết: “Phát hiện này là rất quan trọng và có sơ sở!”
Theo Tướng Hiệu, vũ khí mà kỹ sư Thanh phát hiện hoàn toàn trùng hợp với những hiện vật là hỏa hổ và hỏa cầu ở các bảo tàng trên khắp Việt Nam. “Hai vũ khí này chắc chắn phải rất uy lực thì Vua Quang Trung, vị Tư lệnh của chiến dịch, mới có thể lên kế hoạch sau đó thực hiện thành công kế hoạch đó trong thời gian rất ngắn với số quân ít hơn quân địch rất nhiều. Thêm nữa, quân địch lại phòng thủ trong đồn lũy kiên cố” – tướng Hiệu phân tích.
Mô phỏng “siêu vũ khí “của nghĩa quân Tây Sơn và hiện vật trưng bày tại bảo tàng (ảnh: NVCC).
Là một vị tướng trải qua chiến tranh từng đối phó với bom phốt pho của Mỹ ở chiến trường Quảng Trị, Tướng Hiệu cho rằng các thông tin mà sử sách nhà Thanh mô tả về vụ nổ hỏa cầu hoàn toàn trùng hợp với vụ nổ phốt pho. “Vết bỏng như thò tay vạc dầu là đặc trưng của bỏng phốt pho, rồi cái chết hoặc mất sức chiến đấu trong chốc lát của quân Thanh mà sử Thanh mô tả cũng trùng hợp với hiệu ứng không có ô xy của bom phốt pho mà chính tôi đã gặp phải trong chiến tranh”- ông quả quyết.
Nhấn mạnh các chi tiết mà sử sách ghi lại cùng những hiện vật trưng bày trong viện bảo tàng và những di tích còn lại, đặc biệt là di tích Gò Đống Đa, Tướng Hiệu cho biết, ông và nhiều tướng lĩnh hiểu rõ quân đội Đại Việt của Vua Quang Trung có một thứ vũ khí vô cùng đặc biệt, vô cùng uy lực để chiến thắng chóng vánh, dễ dàng, gây thương vong khủng khiếp mặc dù địch đã rất cẩn thận đề phòng …
“Đạo quân hùng hậu của vua Càn Long trong vòng 5 ngày chỉ còn lại 12 gò đống, người dân vùng biên hàng trăm dặm không một bóng người, vua Càn Long phải bỏ tục cống người, vàng, hạ mình cắt đất và gả công chúa…, chính là vì gặp vũ khí phốt pho, thứ vũ khí mà ngày nay chỉ đứng sau bom nguyên tử, vũ khí do chính người Việt chúng ta chế tạo ra thời đó ”- Tướng Hiệu nhấn mạnh.
“Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trước Quốc hội về nhu cầu cấp bách phải thực hiện việc nghiên cứu sản xuất vũ khí trong nước dù đòi hỏi đầu tư lớn và gắn với nhiều rủi ro. Đất nước ta có vị trí chiến lược đặc biệt và đã tồn tại được đến ngày nay chính là nhờ trong lịch sử chúng ta có những vũ khí uy lực vượt trội so với quân thù, với những nguyên lý bí mật mà tưởng chỉ có trong truyền thuyết như: Vũ khí của Thánh Gióng; Nỏ Thần An Dương Vương; Cọc Bạch Đằng; và gần nhất là vũ khí phốt pho của Hoàng đế Quang Trung. Đây đều là vũ khí “Made in Vietnam” vượt trội so với vũ khí của quân giặc khiến chúng chỉ có thua khi đối đấu với quân ta dù quân ta ít hơn rất nhiều… Nền công nghiệp quốc phòng của chúng ta phải học tập và có cảm hứng từ những “siêu vũ khí” hơn hẳn kẻ thù của chính cha ông chúng ta nghiên cứu và chế tạo ra, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, cũng như thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm các công ước, điều ước quốc tế, nghị định thư mà Việt Nam là thành viên”.
- Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.