Chủ tịch Giovanni Group: "Việt Nam sẽ không thay Trung Quốc sản xuất thương phẩm giá trị thấp, đánh đổi bằng ô nhiễm môi trường và sự bất công"

2020-06-10 15:45:00 0 Bình luận
"Với luồng dịch chuyển đang diễn ra, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt lên trở thành "xưởng chế tác sản phẩm cao cấp" của thế giới" - Ông Nguyễn Trọng Phi nói.

Trong cuộc trò chuyện với PV 9/6, ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch Giovanni Group, thương hiệu thời trang cao cấp của Việt Nam - nhiều lần nhắc đến tiềm năng của ngành dệt may – da giày trong làn sóng chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc sang quốc gia khác đang mạnh mẽ hơn ở đại dịch Covid-19, cùng đó là cơ hội mà ngành này được hưởng khi hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Ông nhấn mạnh, dù Việt Nam không thể thay thế và sẽ không trở thành công xưởng như Trung Quốc nhưng hoàn toàn có khả năng nâng vai trò trong chuỗi cung ứng nếu tận dụng tốt cơ hội.

"Việt Nam hoàn toàn có thể vượt lên, trở thành xưởng chế tác sản phẩm cao cấp của thế giới"

Việt Nam đang được cân nhắc là điểm đến trong chuỗi dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sau dịch Covid-19. Cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng này đối với ngành dệt may Việt Nam sẽ như thế nào, thưa ông?

Nền kinh tế tư bản luôn dạy nhau rằng: đừng bỏ hết trứng vào một giỏ, nhưng rồi chính họ lại bỏ hết vào 1 giỏ và "gửi trứng cho Trung Quốc".

Tuy nhiên, khi Hoa Kỳ đánh thuế dồn dập vào các sản phẩm từ Trung Quốc, gợi ý rằng các doanh nghiệp nếu muốn làm ăn với Mỹ thì đừng tiếp tục sản xuất ở Trung Quốc chỉ vì giá nhân công rẻ.

Cùng đó, dịch Covid-19 càng cho thấy cái lý của việc không nên đặt hết chuỗi cung ứng toàn cầu vào 1 quốc gia bởi nếu có biến cố xảy ra, chuỗi cung ứng sẽ gãy ngay ở chính giữa.

Vì lý đó, định hướng chia nhỏ chuỗi cung ứng và đặt ở nhiều quốc gia với những lợi thế cạnh tranh khác nhau trở thành bài toán vừa tình thế vừa dài hạn mà thế giới đang tính.

Với ngành dệt may Việt Nam, sự dịch chuyển đó đã manh nha diễn ra từ nhiều năm nay và tới giờ thì rất dồn dập. Sản phẩm thời trang "made in Vietnam" ở phân khúc phổ thông đã quá phổ biến.

Với phân khúc cao hơn, hàng "made in Vietnam" tuy không nhiều nhưng cũng không phải hiếm khi các nhà mốt của Mỹ, Đức hay Anh Quốc đã dần biến Việt Nam thành cơ sở sản xuất quan trọng của họ.

Nếu so sánh thì ở phân khúc hạng sang, "made in China" được xem là không đẹp mắt lắm trong tâm trí nhiều người. Ngay cả Apple vẫn hay bị chế nhạo vì sản phẩm của họ gắn với cơ sở sản xuất giam lỏng, có tỉ lệ công nhân tự tử cao.

Các nhà mốt sử dụng lông thú hoặc xưởng may ở Trung Quốc vẫn bị các tổ chức bảo vệ con người và môi trường lên án vì sử dụng nhân công rẻ, điều kiện lao động không tốt và ngược đãi động vật.

Do vậy, bên cạnh vươn lên, tiếp tục là một trung tâm sản xuất gia công cho thế giới, dệt may sẽ có cơ hội nắm bắt dần những vai trò cao hơn ở những khâu cung ứng có giá trị lớn hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Điều này có nên hiểu là Việt Nam sẽ là công xưởng thay thế Trung Quốc trong tương lai không, thưa ông?

Tôi nghĩ chúng ta sẽ không trở thành công xưởng như Trung Quốc. Việc đón làn sóng dịch chuyển này cũng không đơn thuần là Việt Nam sẽ thay Trung Quốc sản xuất những thương phẩm có giá trị thấp, đánh đổi bằng ô nhiễm môi trường và sự bất công.

Có 2 lý do:

Thứ nhất, thế giới cũng nhận thấy mô hình 1 quốc gia trở thành công xưởng cho cả thế giới là 1 bài toán quá rủi ro, nó giống như đặt hết trứng vào 1 giỏ.

Thứ hai, Trung Quốc từng trở thành công xưởng của thế giới nhờ họ có lợi thế nhân công đông và chi phí rẻ. Nhưng rồi khi kinh tế phát triển lên, giá nhân công cũng sẽ tăng dần và lợi thế đó sẽ biến mất.

Chưa kể, phát triển kinh tế bằng sức lao động thủ công của số đông là bài toán của các nước thế giới thứ 3 vào cuối thế kỷ 20, giờ đã sang thế kỷ 21, kinh tế thế giới vận hành bằng chất xám, bằng công nghệ tiên tiến 4.0 chứ không còn bằng cơ bắp như 40 năm về trước.

Trái lại, cơ hội của Việt Nam nằm ở cách thức chúng ta tạo thêm giá trị cho chuỗi cung ứng toàn cầu khi họ đặt ở Việt Nam. Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc nên chúng ta cũng dễ dàng nhận ra vấn đề này.

 

Thực tế, chúng ta có cách đi khá khác khi Chính phủ từ nhiều năm nay đã đề cao tới phát triển công nghệ cao, đưa công nghiệp 4.0 vào định hướng phát triển kinh tế.

Chính vì thế, cùng với luồng dịch chuyển đang diễn ra, Việt Nam có lợi thế mà chúng ta đang tận dụng rất tốt, đó là đón lấy những phân khúc có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển tại Việt Nam thay vì tiếp tục đón những phân khúc có giá trị thấp hơn chủ yếu khai thác sức nhân công giá rẻ.

Ở một viễn cảnh dài hơn, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt lên trở thành "xưởng chế tác sản phẩm cao cấp" của thế giới, là nơi các thương hiệu đề cao giá trị của thủ công, kỹ nghệ tinh xảo tìm đến để duy trì những di sản gắn liền với các nhà mốt hạng sang.

"Đường đua" đón làn sóng đầu tư hiện không chỉ có Việt Nam mà còn nhiều đối thủ nặng ký khác. Ấn Độ đã "nhanh chân" đưa một loạt ưu đãi để lôi kéo hơn 1.000 công ty Mỹ rời Trung Quốc. Thái Lan cũng "bật đèn xanh" bằng loạt chính sách thu hút đầu tư mới gồm các biện pháp về thuế, sửa đổi Luật Kinh doanh nhằm nới lỏng quy định với đầu tư nước ngoài. Vậy theo ông, nguy cơ hàng đầu của Việt Nam là ai?

Nguy cơ hàng đầu của Việt Nam, ngoài các quốc gia đang thu hút đầu tư, theo tôi, đó chính là bản thân các quốc gia đi đầu tư.

Ngày nay, xu thế kinh tế quốc gia dân tộc theo kiểu "America First" của Donald Trump đề cao bảo hộ hàng hóa nội địa. Nhiều quốc gia tự tin về chính sách bảo hộ bởi với công nghệ hiện đại 4.0, các doanh nghiệp không cần phải dùng đến lực lượng lao động đông đảo như trước. Chưa kể các cơ sở sản xuất hiện đại đảm bảo bài toán môi trường cũng như sản lượng, năng suất.

Việt Nam có 1 lợi thế bước đầu là có FTA với EU, nhưng đồng nghĩa với đó, chúng ta sẽ phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp EU hơn khi tham gia vào thị trường này.

Bản chất các FTA là ngăn không cho các quốc gia ngoài hiệp định được hưởng lợi. Một mặt, chúng ta bớt đi các đối thủ ngoài EVFTA nhưng mặt khác, chúng ta sẽ đối đầu với chính các đối thủ nằm trong EVFTA – chính là các doanh nghiệp của EU.

 Chủ tịch Giovanni Group: Việt Nam sẽ không thay Trung Quốc sản xuất thương phẩm giá trị thấp, đánh đổi bằng ô nhiễm môi trường và sự bất công - Ảnh 2.

Quốc hội chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA hôm 8/6.

EVFTA là cơ hội nhưng không phải cây đũa thần

Khi được thông qua, EVFTA mở ra cơ hội tiếp cận thị trường 18.000 tỉ USD cho doanh nghiệp Việt. Có ý kiến cho rằng, dệt may và da giày sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất do thuế áp lên khu vực này cao nhất (với thuế suất bình quân gia quyền là 9%). Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ rằng, EVFTA mở ra một viễn ảnh rất thuận lợi cho doanh nghiệp Việt nhờ việc tạo ra cơ hội xuất khẩu nhiều hơn nữa sang EU. Cùng với đó, luồng hàng hoá, dịch vụ và đầu tư từ EU cũng sẽ giúp người Việt được sử dụng các hàng công nghiệp của với EU giá cạnh tranh hơn.

Các luồng tư bản đầu tư giữa Việt Nam – EU cũng sẽ được thúc đẩy và hứa hẹn nhiều viễn cảnh tươi sáng cho các doanh nghiệp Việt cũng như thị trường tiêu dùng Việt Nam.

Tuy nhiên, EVFTA đưa ra cam kết cắt giảm thuế với hàng hóa Việt Nam, nhưng chúng ta cần hiểu rõ, đó là thuế quan – tức là thuế nhập khẩu hàng hóa (tariff) chứ hiệp định này không điều chỉnh các loại thuế nội địa (tax), phí của từng thị trường, từng quốc gia như thuế VAT.

Nói cách khác, EVFTA giúp hàng hóa Việt Nam có thể nhập khẩu vào thị trường Châu Âu với mức thuế nhập ưu đãi hơn, nhưng hàng hóa đó tiếp tục chịu các loại thuế, phí khác thì đây là câu chuyện khác.

Hơn nữa, EVFTA là một lợi thế, nhưng hiệp định này không phải cây đũa thần. Với việc cắt giảm thuế nhập vào EU, hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam sẽ rẻ đi tương đối, nhưng để bán được hay không thì đó lại là câu chuyện khác.

Nếu vậy, doanh nghiệp Việt Nam trong đó có doanh nghiệp dệt may – da giày cần làm gì để thực sự tận dụng cơ hội từ hiệp định EVFTA , thưa ông?

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn hưởng lợi từ hiệp định này thì ngoài việc nghiên cứu thỏa mãn các yêu cầu khắt khe của EVFTA thì phải tìm được lời giải: thị trường EU đang cần gì và doanh nghiệp Việt Nam sẽ bán thứ gì.

Tôi nghĩ, ngành dệt may cần chuẩn bị tốt khâu cung ứng nguyên phụ liệu bởi đây là đòi hỏi chính yếu để hưởng lợi từ EVFTA khi hiệp định này đề cao nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và nguyên phụ liệu cấu thành.

Bên cạnh đó, ngành dệt may cần có các kiến nghị với Chính phủ để có quy hoạch thành lập các khu công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, phát triển hẳn những vùng chuyên sản xuất các nguyên vật liệu chính yếu cho dệt may là sợi và vải cũng như cả những vật phẩm nhỏ hơn nhưng không thể thiếu chư chỉ, cúc, mếch – vốn những thứ Việt Nam xưa nay lệ thuộc vào Trung Quốc.

Công nghiệp phụ trợ cho dệt may vốn bị lo ngại vì vấn đề ô nhiễm môi trường nên các dự án đầu tư này cần sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đặc biệt là công nghệ của Châu Âu.

Chính vì thế, hình thức liên kết, liên doanh, hợp tác thu hút, chuyển giao công nghệ là hướng đi chính yếu của chiến lược này mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động.

Các hội chợ triển lãm về ngành may mặc cũng cần được tổ chức thường xuyên để quảng bá không chỉ tới cộng đồng doanh nghiệp trong nước mà còn thu hút bạn hàng quốc tế.

Chúng ta cần sớm quy hoạch những khu trung tâm triển lãm mang tầm quốc gia, thậm chí là tầm khu vực, quốc tế để có thể biến Việt Nam thành một trung tâm phát triển nguyên liệu ngành dệt may cũng như trung tâm dệt may có tên tuổi của thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38

“Hành trình khôi phục phòng Nam dược chuẩn Y khoa”

Ngay từ ngày đầu thành lập Y Dược Việt đã xác định rõ hướng đi cho mình là phát triển các sản phẩm từ thảo dược, dược liệu có sẵn của đất nước Việt Nam (Nam Dược).
2024-04-23 15:35:00

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14
Đang tải...