Chuyển đổi xanh – Giá trị bền vững
Những quy định mới trong chuỗi cung ứng, đặc biệt quy định từ các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam cùng với sự chuyển dịch chính sách trong nước hướng đến thực hiện cam kết “net-zero” tại COP-26 đã tạo ra những áp lực rất lớn, buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi. Doanh nghiệp Việt ngày càng có nhiều động lực hơn để bắt tay vào chuyển đổi xanh.
Gian hàng của Công ty Green Joy (chuyên về các sản phẩm thân thiện với môi trường tham dự triển lãm). Ảnh Trọng Triết
Giá trị bền vững
Ngày nay thế giới đang bước vào một thời kì mới, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng phát triển của nhiều quốc gia. Trước xu thế biến đổi khí hậu và bối cảnh toàn cầu mới, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta phải chuyển sang một giai đoạn mới, cần được đặt ở vị trí trung tâm, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu và được thực hiện hiệu quả, thực chất và minh bạch để thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị COP26. Do đó, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển. Nhằm hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050; các bộ, ngành liên quan tại Việt Nam đều đang xây dựng, hoàn thiện chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại hướng tới mục tiêu trên.
Việc thực hiện các thay đổi đối với cách thức kinh doanh hiện tại thường gây tốn kém trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí vận hành, giảm sự lãng phí về nguồn nước, tiết kiệm các nguyên vật liệu đầu vào, tối ưu chuỗi cung ứng, nhận diện được các lĩnh vực tiềm năng để thiết kế các dòng sản phẩm sinh thái... Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tránh được các loại thuế phí liên quan đến carbon và chất thải trong tương lai. Từ đó, tối ưu hoạt động và lợi nhuận.
Ví dụ về những giá trị doanh nghiệp đạt được khi chuyển đổi xanh, Điển hình như Lộc Trời là một tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với doanh thu năm 2021 đạt 10.244 tỉ đồng, bao gồm 16 công ty con với các hoạt động đa dạng và kí kết hợp tác lâu dài với 40 nghìn hộ nông dân. Bằng cách phát triển mô hình giao dịch “không giấy tờ” với nông dân và các hoạt động quản trị thông qua chuyển đổi số toàn diện, Lộc Trời đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí trong quá trình xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo phát thải thấp.
Bên cạnh đó, động lực để doanh nghiệp chuyển đổi xanh còn đến từ những giá trị về quản trị những rủi ro liên quan tới các biến động về cung, cầu, giá cả, xu hướng chuyển dịch chính sách và thuế carbon. Sự chuẩn bị từ bây giờ sẽ giúp doanh nghiệp sẵn sàng khi các yêu cầu pháp lí trở thành bắt buộc. Đồng thời nâng cao nhận diện thương hiệu, hình ảnh trước khách hàng, các nhà đầu tư, các tổ chức phát triển và Chính phủ về nỗ lực của doanh nghiệp gắn với phát triển bền vững.
Ngoài ra, tính minh bạch và công khai sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh và củng cố hình ảnh của các doanh nghiệp với tư cách là đối tác đáng tin cậy. Chuyển đổi xanh sẽ trở thành một phần bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn nhận vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sản phẩm của mình sang các quốc gia khác. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế muốn thiết lập quan hệ đối tác với các đối tác địa phương có cùng tầm nhìn về các giá trị bền vững lâu dài, có mức độ công bố thông tin trung thực cùng với tính minh bạch cao hơn.
Gian hàng trưng bày sản phẩm gạo hữu cơ. Ảnh Trọng Triết
“Đòn bẩy tín dụng xanh”
Với sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD), tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, nhận được nhiều sự quan tâm và hạn mức đầu tư ngày càng cao.
Sớm nhận thức được tầm quan trọng của ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn, những năm qua các ngân hàng đã rất tích cực triển khai cho vay các dự án xanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh, với lãi suất cho vay ưu đãi hơn.
Thống kê cho thấy, các chương trình tín dụng xanh nổi bật trong những năm gần đây có thể kể đến như: Dự án chuyển hóa cacbon thấp sang lĩnh vực tiết kiệm năng lượng được BIDV, ANZ triển khai với nguồn vốn do Chính phủ Đan Mạch tài trợ theo Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (GIF); Sản phẩm cho vay dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Vietcombank, BIDV, VietinBank, SHB, HDBank từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới; Sản phẩm cho vay dự án hiệu quả năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam do SHB là đơn vị thực hiện, cùng với sự tham gia của các ngân hàng khác như BIDV, TPBank, VietinBank, Vietcombank, ACB, Techcombank từ nguồn vốn Quỹ Khí hậu xanh của Ngân hàng Thế giới; Sản phẩm cho vay công trình xanh từ nguồn vốn của IFC tại VPBank; Sản phẩm cho vay lại để triển khai các dự án năng lượng tái tạo từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thông qua Vietcombank; Standard Chartered Việt Nam hợp tác với MB thu xếp vốn cho một số dự án điện gió tại Việt Nam…
Đến nay, nhiều TCTD đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội, tích hợp nội dung này vào quy trình thẩm định tín dụng xanh... Giữa tháng 2/2023 vừa qua, BIDV đã ban hành “Khung Khoản vay bền vững”. Khung khoản vay bền vững của BIDV được thiết kế nhằm cung cấp các sản phẩm cho vay bền vững phổ biến nhất trên thị trường toàn cầu hiện nay bao gồm khoản vay theo chủ đề và khoản vay liên kết bền vững.
Đến hết năm 2022, BIDV dẫn đầu thị trường về tài trợ xanh với hơn 1.386 khách hàng và dự án với tổng số vốn cam kết cấp tín dụng hơn 2,68 tỉ USD. Hay Agribank cũng đã ban hành một loạt văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đồng thời, tiên phong cùng ngành Ngân hàng thực hiện thành công các chiến lược quốc gia của Việt Nam về kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Không chỉ nhóm NHTM có vốn nhà nước, các NHTM cổ phần cũng tích cực tham gia tài trợ tín dụng xanh và ban hành các tiêu chuẩn/tiêu chí cho vay dự án xanh. Đơn cử như VPBank, từ năm 2020, ngân hàng này triển khai chương trình tín dụng xanh dành cho các khách hàng vay vốn với mục đích đầu tư cho các kế hoạch, dự án thân thiện với môi trường, có thể kể đến các ngành như: Năng lượng tái tạo; sản xuất điện hiệu quả và giảm phát thải carbon; sử dụng năng lượng hiệu quả; xử lý chất thải; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất bền vững; ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm;…
Phải có mã số vùng trồng, trái cây mới được xuất khẩu. Ảnh Trọng Triết
Sự vào cuộc tích cực của các TCTD trong những năm qua giúp các dòng vốn tín dụng xanh có nhiều chuyển biến tích cực, nhận được nhiều sự quan tâm và hạn mức đầu tư ngày càng cao. Số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho thấy, đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt 500,524 tỉ đồng, chiếm hơn 4,2 % tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 12,96% so với cuối năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm hơn 31% tổng dư nợ tín dụng xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch 46,7%. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.359 nghìn tỉ đồng, chiếm hơn 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 27,69% so với cuối năm 2021, với hơn 1,2 triệu món vay.
Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được xem là điểm mấu chốt để khơi thông dòng vốn xanh. Những bước đi này đang góp phần hoàn thiện tiêu chí và hành lang pháp lí cho các dự án xanh./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.