Chuyện tình vợ chống nạng đẩy chồng ngồi xe lăn đi bán vé số
Đó là cặp vợ chồng anh Đinh Văn Cảnh (38 tuổi, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và chị Võ Thị Mỹ Phúc (37 tuổi; quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Cả hai đều là người khuyết tật. Chị Phúcbị thiếu một chân từ khi sinh ra, cuộc sống gắn liền với cây nạng, tai lại không thể nghe một câu trọn vẹn do thính lực yếu, thậm chí như điếc đặc vào lúc sức khỏe yếu.
Anh Cảnh bị sinh ra với hình hài trọn vẹn nhưng khoảng 4 tháng tuổi, sau một trận sốt, người anh co rút và ngưng thở. May mắn, chốc lát anh thở lại. Nhưng trận sốt này chưa qua thì trận sốt khác đã đến. Rồi lại ngưng thở. Tiếp sau là những cơn động kinh. Cứ thế, những trận ốm đã bào mòn anh và từ đó thành co quắp.
Tình yêu của hai vợ chồng khiến nhiều người ngưỡng mộ
Năm 16 tuổi, anh Cảnh rời quê mưu sinh bằng nghề bán vé số. Anh lưu lạc xuống các tỉnh miền Tây Nam Bộ, lang thang Sài Gòn rồi dạt đến Đồng Nai, sau cùng anh tìm tới thị trấn Di Linh khi đã 30 tuổi. Anh Cảnh tin rằng ở đây anh đã được sống nhờ vào tấm lòng của bà con là chính chứ không phải nhờ vé số.
Bà con thấy anh đi đứng khó khăn, người không ra người nên thương tình mà mua. Thấy nắng, thấy mưa bà con đều mua giúp để anh về sớm. Đại lý vé số thấy anh không có sức đi lấy vé nên cứ 5 giờ chiều là mang vé số tới tận phòng trọ.
Cũng tại thành phố này, anh Cảnh gặp chị Phúc. Chuyện tình của 2 mảnh đời khiếm khuyết này dần dần cũng được người dân địa phương biết đến. Có người chúc phúc cho họ, cũng có người dè bỉu, trêu đùa. Thay vì buồn bã thì theo anh, điều đó đã tạo cho anh chị nghị lực mạnh mẽ để vươn lên. Anh quyết tâm cưới bằng được chị Phúc làm vợ, mặc dù gia đình đôi bên ngăn cản. "Hạnh phúc của bản thân mình không phải ai mang đến cho mà nó là sự nỗ lực quyết liệt mới có được. Không ai sống thay cho mình" - anh Cảnh tâm sự.
Vợ cụt đẩy chồng ngồi xe lăn đi bán vé số
Đêm 30 Tết Giáp Ngọ (năm 2014), khi những lao động nghèo cùng xóm trọ đã khăn gói về quê, mình anh Cảnh nằm co quắp trong căn phòng thì chị Phúc tìm đến.
Trong khoảnh khắc giao thừa, cô gái khuyết tật đã ngỏ ý về chung nhà với anh. Từ đó, Phúc "cụt" về sống với Cảnh "què" đã thành thời sự nóng râm ran khắp dân tình ở ngã 3 Tân Châu. Không có đám cưới như bao người khác, 2 vợ chồng khiếm khuyết cùng nhau rong ruổi khắp huyện Di Linh bán vé số để mưu sinh. Sau một năm dành dụm được ít tiền, 2 vợ chồng cùng đón xe đò về quê làm mâm cơm cúng tổ tiên và xin phép quay vào Di Linh sinh sống.
Thời gian trôi qua, vợ chồng anh Cảnh đã khiến người dân địa phương nể phục, không ai còn dè bỉu trêu chọc nữa vì cảm mến nghị lực của họ vươn lên trong cuộc sống. Dù nắng hay mưa, vợ chống nạng, chồng trên xe lăn, rong ruổi khắp nơi bán cho hết xấp vé số với mong ước tương lai sẽ có một ngôi nhà nhỏ và đứa con.
Sau khi có con, vợ chồng anh Cảnh được chị gái cho mượn 150 triệu đồng để mua một mảnh đất vườn dựng nhà.Thông qua anh Trần Anh Khoa ở Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Di Linh, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ vợ chồng anh Cảnh làm một căn nhà khoảng 50 m2, đủ để che nắng che mưa.
Tổ ấm 3 người vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày dù cuộc sống vẫn còn bao khó khăn, chông gai.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.