Chuyến xe đặc biệt của bà giáo ở Long Biên

2019-06-19 15:48:22 0 Bình luận
Đó là chuyến xe tự chế được bà Đặng Thị Hà (Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội) mỗi ngày đều đặn đưa đón lũ trẻ từ trường mầm non về nhà trông nom, lúc bố mẹ chúng chưa kịp về đón. Những đứa trẻ ở đây được bà chăm sóc cẩn thận, giành cho chúng tình yêu thương như con cháu trong nhà.

Mỗi ngày làm việc của bà Hà bắt đầu từ lúc 4 giờ 30 chiều, khi tiếng trống Trường Mầm non Bồ Đề báo hiệu giờ tan học vang lên, bà lại đẩy chiếc xe tự chế của mình đến trường đón lũ trẻ. Chúng gọi bà là “bà giáo”, hễ thấy bà đến là cứ nháo nhác cả lên, ôm vai, bá cổ đòi bà bế ẵm. Nhà bà chỉ cách trường một khúc cua vào con ngõ nhỏ, vì thế mà đứng ở nhà, không cần nhìn đồng hồ, bà vẫn có thể biết được giờ tan trường nhờ tiếng trống vọng sang.

Chiếc xe của bà được chế từ xe đẩy hàng, hàn thêm vách ngăn bốn xung quanh để lũ trẻ đứng vào bên trong có chỗ vịn, khỏi ngã. Bà bảo, nếu không có chiếc xe này thì phải cắp nách vài đứa một chuyến về nhà, đứa trước đứa sau lại khó kiểm soát, mà đứa về sau nó lại phải đợi mình. Thế nên vợ chồng bà đã nghĩ ra cách để có thể đón chúng về một lượt, chỉ cần cho những đứa nhỏ đứng vào, đứa lớn hơn thì có thể đi bộ 2 bên.
 


Đứa nào cũng thích được đứng lên xe để bà đẩy, nhưng vì chiếc xe khá nhỏ, chỉ đủ chỗ cho 7 đến 8 đứa. Lúc đầu, đứa nào cũng tranh nhau để được lên xe, thuyết phục mãi mấy đứa lớn hơn mới chịu nhường em để đi bộ bên cạnh, nhưng tay đứa nào cũng bám vào xe như muốn giúp bà đẩy chuyến xe đưa các em cùng về. Mỗi đoạn đường có chuyến xe của bà đi qua là cứ rộn rã, vui tươi hẳn lên bởi tiếng cười nói, tiếng lũ trẻ í ới gọi, rồi chào hỏi những người bán hàng bên đường.

Trước kia, bà cũng là giáo viên mầm non, đến tuổi, đủ năm công tác thì bà về nghỉ hưu. Dạo trước, khi mới nghỉ việc ở trường, bà cảm thấy buồn chân buồn tay, nhớ nghề, nhớ lũ trẻ. Một số người hàng xóm của bà có con nhỏ đang học mầm non dạo ấy lại thường đi làm về muộn, không thể đón con đúng giờ tan học. Vì vậy, bà nhận đón hộ về nhà chơi, lúc nào phụ huynh đi làm về thì ghé qua nhà bà để đón con. Cũng vì muốn làm việc cho khuây khỏa nên bà chỉ giúp chứ không lấy công. “Có chúng nó về đây chơi mình thấy đỡ buồn, nếu không trông lũ trẻ thì mình cũng chơi không chứ có làm gì đâu”. Vì nghĩ vậy nên bà chẳng nghĩ đến chuyện công sá làm gì.

Dần dà, nhiều người có nhu cầu gửi con ngoài giờ khi chưa kịp về, lại nhờ bà Hà đón về trông giúp. Bà cũng chỉ lấy tiền công ở mức vừa phải, đủ để thêm pha vào đồng lương hưu ít ỏi, trích một phần để mua đồ chơi cho các cháu, thỉnh thoảng mua cho chúng đồng quà, tấm bánh. Giờ đây, cứ mỗi buổi chiều về, trên chuyến xe đặc biệt của bà, từ trường về đến nhà, lúc nào cũng ríu rít tiếng nói, tiếng cười của hơn chục đứa trẻ. Đứa lớn nhất ở đây chừng 5 tuổi, bé hơn thì lên 2. Vì không cùng một lứa nên cách chăm sóc cũng khác nhau, đồ chơi cho bé gái cũng khác với đồ chơi cho bé trai, rồi tâm tính cũng khác. Nhưng nhờ có kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc trẻ nên bà luôn có trò chơi cho tất cả các bé.
 


Nói về những khó khăn khi chăm sóc các cháu, bà chia sẻ, “Sẽ có rất nhiều khó khăn nếu không hiểu tâm lý của từng lứa tuổi, nếu ở trường các cháu được xếp lớp theo độ tuổi, thì ở đây, một lớp chung cho tất cả. Chính vì thế mà mình phải để ý từng chi tiết nhỏ để không xảy ra xung đột giữa chúng”. Ở “lớp” của bà, những em lớn được bà kê bàn ghế cho ngồi vẽ, xếp hình, đọc sách, lứa nào đang tập viết chữ thì bà luyện cho viết chữ, học toán, nhỏ hơn thì có đồ chơi riêng cho từng cháu.

Mặc dù phân chia rồi nhưng nhiều khi chúng cũng tranh giành đồ chơi của nhau, bà phải hướng dẫn để những đứa lớn biết chơi, biết nhường nhịn, thậm chí biết chăm sóc các em nhỏ như em của mình. Đó là cách giáo dục để lớn lên chúng nó biết thương yêu gia đình, người thân, nếu không sẽ trở nên ích kỷ.

Những người nhờ bà đón con về trông thường là người lao động bình thường, có người cắt tóc gội đầu, người chạy xe ôm, công việc không có giờ giấc cụ thể nên thường về muộn. Người về sớm thì 6 đến 7 giờ, muộn thì 9 giờ tối. Bà kể, nhiều đứa còn nhỏ, lúc đầu cứ thấy các bạn được bố mẹ đón về trước mà mình chưa được đón thì khóc nức nở, phải tìm đủ mọi cách để thuyết phục, dỗ dành thì mới nín. Đã thế chúng lại hay khóc theo kiểu “dây chuyền”, hễ đứa này khóc là đứa kia cũng khóc theo. Nhiều hôm cứ như “dàn đồng ca”, phải mất một thời gian chúng mới dần quen và chơi ngoan hơn. Giờ đây, nhiều lúc mẹ đến đón mà có cháu còn cứ nán lại chơi thêm một lúc rồi mới ra về.

Giờ trông trẻ đúng vào giờ cơm chiều, hôm nào nhà bà cũng phải đợi phụ huynh đón lũ trẻ về, khoảng 7 giờ tối, bà mới bắt đầu vào bếp. Hai vợ chồng bà luôn phải túc trực để canh chừng lũ trẻ, bà ở trong nhà dạy học rồi chơi với chúng, rửa mặt mũi tay chân, thu xếp cặp sách, giầy dép gọn gàng, đưa chúng đi vệ sinh. Đôi lúc còn phải đứng ra phân xử khi có xảy ra “xung đột” tranh giành đồ chơi. Chồng bà thì kê ghế trước cửa nhà để ngồi trông chừng, không để chúng chạy ra đường. Cứ thế, hai ông bà “phân chia khu vực” để canh chừng lũ trẻ.

Chị Phạm Thu Hương (Long Biên, Hà Nội) gửi con tại nhà bà Hà đã hơn một năm chia sẻ: “Mình rất yên tâm khi gửi bà giáo đưa đón và trông con giúp. Bà là người rất tâm huyết với nghề từ khi còn công tác đến bây giờ, cẩn thận và đặc biệt là rất nhiệt tình. Nhiều lúc các phụ huynh bận việc không đón con đúng giờ được, bà đều trông nom, quan tâm hệt như con cháu trong nhà vậy.

Bà còn biết rõ đứa nào thích ăn cái gì, thế nên trước khi ra đón các cháu, thỉnh thoảng bà lại luộc sẵn nồi ngô, nồi khoai…để chúng về ăn. Những việc không tên ấy lại thêm vất vả cho bà nhưng bà chẳng màng chuyện thêm công sá. Bà bảo giúp được thì giúp, miễn là các cháu được an toàn, bố mẹ các cháu yên tâm gửi gắm. Vì thế nên bọn trẻ cũng như phụ huynh ở đây, ai cũng đều rất quý mến, tin tưởng và coi bà như người ruột thịt”.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng phát động thi sáng tác tranh Kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố

Sáng 5/5, TP.Hải Phòng tổ chức lễ phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thành phố (13/5/1955 - 13/5/2025).
2024-05-05 17:56:20

Phát hành bộ tem bưu chính Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Thông tin & Truyền Thông đã phát hành bộ tem bưu chính ‘Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 2024)’. Đây là bộ tem thứ tám của Bưu chính Việt Nam về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:45:10

Ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Hôm nay, 5/5, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hoá tỉnh Điện Biên ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:30:00

Tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 5/5, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, TP Điện Biên Phủ, Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước tổ chức tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 12:05:00

Nghệ An: Công diễn vở kịch hát 'Lời Người - Lời của nước non'

Hướng đến Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), tối 4/5, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An giới thiệu vở kịch hát “Lời Người - Lời của nước non” của tác giả Vũ Hải, đạo diễn NSND Hồng Lựu.
2024-05-04 22:35:00

HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 13 nghị quyết quan trọng

Sáng 4/5, HĐND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) đã họp bàn, xem xét và thông qua 13 nghị quyết quan trọng nhằm kịp thời xử lý các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
2024-05-04 17:05:00
Đang tải...