Cô gái 9x Thanh Hoá gác lại giấc mơ làm bác sĩ vì căn bệnh hiếm gặp
Mọi sinh hoạt hàng ngày của Dung đều phụ thuộc vào mẹ (ảnh NVCC)
Đến thăm gia đình bà Lường Thị Nhị, hộ nghèo ở thôn Phú Quý, xã Tân Thọ chúng tôi chứng kiến một căn nhà cấp 4 nằm im lìm, cô gái trẻ nằm trên giường nước xa xanh xao, chân tay co quắp vì bệnh tật. Bà Nhị đang chăm sóc cho con gái Lê Thị Dung sinh năm 1990 bị mắc căn bệnh xơ cứng bì hệ thống.
Trong thời gian đi học và chuẩn bị ra trường, cơ thể Dung bắt đầu mẩn đỏ, mắt thâm quầng, chân tay tê mỏi. Dung đến bệnh viện khám và được bác sĩ chẩn đoán bệnh xơ cứng bì hệ thống, ảnh hưởng nhiều nhất đến da và hệ cơ xương khớp. Hiện nay nguyên nhân gây bệnh xơ cứng bì hệ thống chưa được xác định nên không có khả năng điều trị khỏi.
Đến nay, Dung đã 7 năm sống với căn bệnh quái ác, cơ thể xanh xao, chân tay co quắp, miệng bị lệch. Mỗi tháng đều phải đến bệnh viện để khám, điều trị. Từ năm 2019 bệnh của Dung bắt đầu trở nặng, khi mắc bệnh xơ cứng bì hệ thống hệ miễn dịch trong cơ thể dần yếu đi, từ căn bệnh này có thể biến chứng sang các bệnh khác.
Từ 50 kg giờ đây Dung chỉ còn 38 kg, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào mẹ. Do căn bệnh làm cho miệng bị cứng dẫn đến lệch miệng nên việc ăn uống, nhất là nhai rất khó khăn. Ngày nào mẹ cũng kiên nhẫn cả tiếng đồng hồ để đút từng thìa cơm hoặc cháo cho Dung. Khi trở trời, xương khớp đau nhức.
Con gái mắc bệnh hiểm nghèo phụ thuộc vào bố, mẹ thì đến năm 2020 bố của Dung cũng mất mất. Dung chia sẻ: “2 năm đầu tiên khi phát hiện bị bệnh, em trở nên khép kín, mặc cảm, không muốn nhận sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người. Từ một người khỏe mạnh, ấp ủ bao nhiêu dự định bỗng chốc mất đi mọi thứ, em buồn và bi quan lắm. Hiện nay em đã chấp nhận bệnh tật, hòa nhập hơn, suy nghĩ tích cực, bởi có buồn cũng không thay đổi được gì chỉ khiến bố mẹ thêm buồn. Đặc biệt, từ khi bố mất, chỉ còn hai mẹ con nương tựa nhau nên em cũng xác định mình phải cố gắng để mẹ còn có chỗ dựa tinh thần”.
Dung tranh thủ đọc những cuốn sách hay để động viên tinh thần, tiếp tục chiến đấu với bệnh tật (Ảnh: NVCC)
Những lúc cơ thể đỡ mệt, Dung tranh thủ đọc sách, nhất là những cuốn sách của các bác sĩ viết về nghề y. Cuốn “Nhật kí COVID và những chuyện chưa kể”; “Để yên cho bác sĩ hiền” của Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai là 2 cuốn sách được Dung yêu thích.
Với những mắc bệnh hiếm gặp như Dung, ngoài đau đớn và mệt mỏi, họ còn phải học cách chung sống với nỗi sợ. Dung sợ những lần vô thuốc cả tuần liền không ăn uống được gì, sợ cơn nôn ói làm trời đất đảo lộn, cơ thể như bị hút cạn sinh lực
Nhưng điều khiến Dung sợ nhất là khi thấy giọt nước mắt của mẹ trong những đêm dài thao thức nơi phòng bệnh; là lúc trong nhà không còn thứ gì đáng giá để bán, mẹ phải ngửa tay vay mượn khắp nơi; là nỗi tủi thân của mẹ khi chồng mới mất.
“Lúc mới phát bệnh, mẹ nói em chỉ bị viêm da. Đêm đến, em phát hiện mẹ cứ ngồi nhìn mình khóc hoài thì em biết mình bị bệnh nặng. Để lo cho em, mẹ ngày đêm túc trực, vay mượn tiền khắp nơi. Em sống và điều trị bệnh nhờ tiền của các nhà hảo tâm, bà con chòm xóm gửi cho. Không có số tiền đó em cũng không biết mình sống sao nữa”, Dung nói mà như mếu.
Căn bệnh xơ cứng bì hệ thống khiến chân tay Dung co quắp, đau đớn, đi lại khó khăn (Ảnh: NVCC)
Không chỉ dặn lòng phải kiên cường để “bệnh tật không ăn hiếp” mình, từ tận cùng của khó khăn, Dung nhận ra: “Phải cố gắng, không được bỏ cuộc, dù cho còn một ngày cũng phải cố gắng. Cuộc sống còn nhiều điều tươi đẹp mà mình chưa được biết lắm!”.
Tâm sự về bệnh tình của con, bà Nhị nhiều lần bật khóc. Bà Nhị cho biết: Những lúc con gái nằm nghỉ, tôi lại tranh thủ ra ruộng mò cua, bắt ốc. Chỉ mong mình khỏe mạnh để được chăm sóc cho con gái. Nhà chỉ có 3 sào lúa, đến mùa thu hoạch, tôi bán đi một phần mua thuốc thang cho con, còn lại đủ ăn cho hai mẹ con. Tiền thuốc men chữa trị cho Dung lâu nay cũng nhờ sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè và tiền tích cóp tiết kiệm của cả nhà. Nhưng từ khi chồng mắc bệnh, mọi kinh phí dành chữa bệnh cho cả hai bố con nên càng khó khăn hơn.
Mọi sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm xin gửi về địa chỉ: Lê Thị Dung, thôn Phú Quý, xã Tân Thọ, huyện Nông Cống hoặc số tài khoản: 0411000984859 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mang tên Lê Thị Dung.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.