Cô gái khuyết tật dạy nghề may, thiết kế trang phục
Chị Phạm Thị Thắm luôn chăm chỉ trong công việc hàng ngày để thực hiện ước mơ của mình.
“Người bình thường còn khó làm được nghề này, huống gì một cô gái tàn tật”. Câu nói không làm chị Thắm mặc cảm, trái lại chính là động lực để chị Thắm chứng minh cho người ta thấy mình có thể làm được và làm tốt hơn rất nhiều.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đến năm 9 tuổi, Phạm Thị Thắm được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm tủy. Mặc dù bố mẹ đã cố gắng vay mượn chạy chữa khắp nơi nhưng số phận vẫn nghiệt ngã với chị, bắt chị phải gắn chặt cuộc đời trên chiếc xe lăn.
Dù gia cảnh khó khăn muôn vàn nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, cô gái luôn có nụ cười tươi tắn đã là nguồn truyền cảm hứng tới biết bao người khuyết tật và cả những người bình thường khác.
Không thể đi lại được nữa, Thắm bắt đầu định hướng con đường tương lai, làm một nghề gì đó để có thể tự nuôi bản thân. Và cơ duyên đã đưa Thắm đến với nghề may và thiết kế trang phục.
Từ những ngày bé, người bạn duy nhất đi theo Thắm là những con búp bê và vải vụn của những người chị cho. Thời gian đó, khi nằm bệnh viện, chị đã tự cắt vải vụn và khâu thành những bộ váy cho búp bê. Từ đó, ước mơ trở thành một thợ may đã nhen nhóm trong chị.
Quá trình thực hiện ươc mơ gặp không ít khó khăn vì chiếc máy may cần phải đạp chân ga mà chân mình thì không làm được. Phải mất một tuần để chị Thắm nghĩ ra cách sử dụng được chiếc máy may. Chị Thắm may bằng cách dùng cùi tay bên phải để nhấn ga và may bằng 10 đầu ngón tay như người bình thường.
Sự lỗ lực
Chị Thắm mua thêm sách dạy may về tự học, sau khi cảm thấy tự tin ở bản thân mình mới đi xin học việc. Hành trình đi xin việc không dễ dàng gì với một người khuyêt tật như chị Thắm. Đi 7, 8 nơi nhưng ai cũng từ chối và có một câu nói làm chị Thắm nhớ mãi “người ta bảo rằng người bình thường còn khó làm được nghề này, huống gì một cô gái ngồi xe lăn như cháu”. Chính câu nói này đã làm động lực để chị chứng minh cho người ta thấy mình có thể làm được và làm tốt hơn rất nhiều.
May mắn thay, chị Thắm vô tình gặp được người thầy của mình qua một lần trò chuyện trên Facebook. Cảm thông trước câu chuyện của cô gái, người thầy nhận lời dạy nghề cho chị và cuộc đời chị bước sang trang mới.
Sau 6 năm nỗ lực phấn đấu, hiện tại, chị Thắm đã có một cửa hàng may đo, thiết kế thời trang riêng. Bằng tay nghề của mình, chị Thắm đã có một lượng khách ổn định, khách hàng dần tin tưởng và đặt may những sản phẩm cao cấp như: áo dài, váy thiết kế,…
Chị Thắm đang hướng dẫn cho các học viên tại cơ sở may của mình.
Bên cạnh mở lớp dạy miễn phí, chị Thắm còn làm các clip trên youtube để dạy mọi người vì có rất nhiều người ở xa không thể đến trực tiếp được nên chị đã nghĩ ra cách này để chia sẻ trải nghiệm với mọi người về những cách may vá.
Chị Thắm chia sẻ: “Cả đời mình, mình nghĩ thứ chị theo đuổi duy nhất là sự công nhận của mọi người. Đến giờ thì mình đã làm được. Mình dạy người ta không phải vì tiền, thời gian đó mình có thể may đo thiết kế ra nhiều hơn. Nhưng mình muốn truyền cảm hứng lại cho những người có hoàn cảnh như mình. Phải lạc quan, phấn đấu, chưa chắc cuộc đời mình đến đó là hết. Mà có khi đó lại là bước khởi đầu mới"
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.