Cụ ông bán bút dạo nuôi chị gái già yếu và cháu bị chất độc da cam
Đó là cụ ông Đinh Văn Diệp (SN 1954, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội). Dù đã gần 70 tuổi, ông Diệp vẫn phải hằng ngày rong ruổi trên các con phố Hà Nội, đi bán bút bi dạo để mưu sinh bất kể mưa nắng.
Gần đây, ông bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội Tiktok. Được biết, một nhóm bạn trẻ đã bắt gặp cụ Diệp bán bút bi dạo trên đường phố Khâm Thiên – Tôn Đức Thắng, Hà Nội và cuộc trò chuyện thú vị với ông.
Ông Diệp cho biết, bố mẹ ông vốn người gốc Nam Định lên Hà Nội lập nghiệp rồi sinh bảy người con. Năm 1974, vừa học hết cấp 3, ông xung phong vào chiến trường miền Nam. Một năm sau đất nước giải phóng, ông xuất ngũ. Năm 1978, ông Diệp ra Hà Nội, sống cùng vợ chồng anh chị ruột trên phố Tôn Đức Thắng. Bị di chứng chiến tranh nên ông không làm được việc nặng, mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo và nhận nuôi cháu gái ruột, con của em trai, mà không lấy vợ.
Hiện nay ông Diệp sống cùng người chị và đứa cháu gái khờ dại trong căn nhà sập xệ, nhiều mảng tường bị bong tróc, ngói dột nát ở một con ngõ nhỏ gần phố Khâm Thiên. Ông nói, hai chị em cao tuổi không biết khi nào về đất mẹ, chỉ lo cháu gái đã 40 tuổi chậm phát triển trí tuệ nên 500.000 đồng tiền hỗ trợ của nhà nước cho cháu, ông cất riêng còn tiền sinh hoạt trong gia đình ông gánh.
Thời gian đầu, trung bình mỗi ngày ông Diệp bán được 150 chiếc bút, nhưng từ ngày "nổi tiếng" trên mạng xã hội, doanh số của ông tăng hơn gấp đôi. Mỗi cây bút bi ông bán ra có giá 2.000 đồng, lãi được 800 đồng. Có người còn khuyên tăng giá cho có lãi, nhưng ông tự nhận "giá như vậy không quá rẻ, chỉ là giảm chút ít so với mặt bằng chung, để học sinh và người khó khăn có thể mua".
Bất kỳ ai có dịp tiếp xúc, chuyện trò với cụ ông Đinh Văn Diệp đều có thể cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực đến từ tinh thần lạc quan của ông. Ông thường lẩm nhẩm câu thơ: "Chung tay xây dựng tương lai, mua cây bút đẹp học tài làm nên. Trời xanh mây trắng nắng vàng, mua cây bút đẹp lại càng giỏi hơn…" để mời mọi người mua hàng.
"Mình tôi làm nuôi chị gái và cháu bị chất độc màu da cam, nghĩ cũng khổ thân, nhà thì dột hết rồi, xây từ năm 1982 đến bây giờ cơ. Nhưng tôi khổ nhất mà cũng vui nhất xã hội này, cả ngày tôi cứ hát suốt ấy mà", ông Diệp tâm sự.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.