Cửa Lò trước ánh bình minh…
Hè nào, gia đình tôi cũng về Cửa Lò như một thú vui cho kỳ nghỉ. Cô con gái tôi đồng ý với vẻ tự hào: “Con thấy chẳng ở đâu thích bằng về biển Cửa Lò quê mình. Biển đẹp, nước trong xanh, môi trường sạch sẽ. Về quê mình để bà nội, bà ngoại cũng được đi biển ăn hải sản bố ạ!”.
Mới 6 tháng đầu năm, Nghệ An đã đón 3,9 triệu lượt khách, trong đó có 70,8 ngàn lượt khách quốc tế |
Cuối tuần về Cửa Lò, bãi biển đông nghịt. Mới 6 tháng đầu năm, Nghệ An đã đón 3,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 70,8 ngàn lượt khách quốc tế. Họ đến Nghệ An, dĩ nhiên ít ai bỏ lỡ cơ hội về với biển Cửa Lò. Cuối mỗi ngày, hàng quán ven biển Cửa Lò ken kín khách. Theo đó, một lượng rác thải từ thức ăn, vỏ đồ uống cũng được xả ra. Các nhà hàng có trách nhiệm gom lại, còn chở rác thải đi đâu là chuyện của… Công ty CP Môi trường đô thị Cửa Lò.
Nhận thấy cơ hội quảng bá sản phẩm, một số công ty sản xuất, bánh kẹo cùng về Cửa Lò giới thiệu thương hiệu với du khách. Hồi tháng 5, hãng sản xuất bánh Richy nổi tiếng đã về đây quảng cáo sản phẩm “bánh trứng chà bông RUMO”. Họ tặng bánh cho khách miễn phí ngay trên bãi biển. Bánh ngon, nhưng cách quảng cáo này xem ra không ổn khi trong mấy ngày Richy xuất hiện, vỏ bánh RUMO vứt đầy ra bãi biển Cửa Lò, gió thổi bay tứ tung, lẫn vào trong cát. Các chị lao công đã vất vả lại càng vất vả thêm khi phải lầm lũi nhặt từng vỏ bánh trên cát, trong cát trước sự thờ ơ của người tặng và người ăn.
Với chiêu tiếp thị “tặng bánh trứng chà bông SUMO cho khách” hãng sản xuất bánh RiChy đã vô tình bôi bẩn bãi biển Cửa Lò |
Lo ngại trước hành vi “bôi bẩn” môi trường biển Cửa Lò, Tạp chí điện tử Hòa Nhập đã lên tiếng và gặp phải sự phản ứng không mấy hài lòng từ đại diện nhà sản xuất. Họ hứa sẽ chỉ đạo một bộ phận dọn sạch rác, nhưng thực tế chẳng thấy đâu. Vẫn lại là các chị lao công lặng lẽ, âm thầm nhặt rác dưới cả nắng trưa trên bãi biển Cửa Lò.
Anh Thắng, một du khách đến từ Đại học Công Đoàn Hà Nội phàn nàn: “Không chỉ ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi người dân chúng ta còn yếu mà ngay cả các doanh nghiệp cũng chỉ biết tới lợi ích của riêng mình. Cứ than trách ai ở đâu, chính trong mỗi chúng ta phải tự nhận ra trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường”.
Khác với những công nhân môi trường ở các khu đô thị, những lao công ở bãi biển Cửa Lò có lịch làm việc từ 21 giờ đêm hôm trước cho đến trước 5 giờ sáng hôm sau. Thời gian này, hầu hết du khách đã về phòng khách sạn nghỉ ngơi, tận hưởng những cảm giác hạnh phúc. Bên ngoài ô cửa sổ kia, những lao công của Công ty CP Môi trường đô thị Cửa Lò mỗi đêm phải gồng mình để giải phóng khoảng 70 tấn rác thải từ điểm du lịch biển này sau một ngày du khách “ăn chơi xả láng”, để trả lại môi trường “Xanh - Sạch - Đẹp” cho mỗi người sau mỗi sáng mai thức dậy.
Mỗi ngày, những lao công của thị xã Cửa Lò phải gồng mình giải phóng khoảng 70 tấn rác thải để trả lại môi trường “Xanh - Sạch - Đẹp” cho bãi biển này |
Vất vả là vậy, nhưng mỗi tháng, những công nhân ở đây chỉ nhận được khoảng 3,5 triệu đồng tiền lương. Trong số họ, có khoảng 50 người thuộc hợp đồng lao động mùa vụ, nghĩa là sau 4 tháng hè, họ lại mất việc làm.
Ông Hồ Công Nguyên- Phó Giám đốc công ty chia sẻ: “Mỗi năm, UBND thị xã Cửa Lò chỉ hỗ trợ cho công ty được 5,4 tỷ đồng từ ngân sách cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường, mới chỉ bằng 50% theo quy định của UBND tỉnh Nghệ An. Để có thêm nguồn thu, công ty phải “làm thêm” dịch vụ môi trường cho huyện Nghi Lộc và Khu công nghiệp Nam Cấm. Nhờ đó, mỗi năm Công ty CP Môi trường đô thị Cửa Lò có thêm khoảng 7,6 tỷ đồng nữa để trang trải cho các chi phí và trả lương thường xuyên cho 87 cán bộ, nhân viên làm việc theo biên chế quanh năm. Tôi không rành về cơ cấu tiền lương trong một doanh nghiệp, nhưng cảm giác có gì đó lăn tăn giữa 13 tỷ đồng doanh thu mỗi năm và 3,5 triệu đồng tiền lương cho mỗi công nhân mỗi tháng.
Chị Nguyễn Thị Hà tâm sự: “Mỗi tháng được 3,5 triệu đồng, chúng em không đủ tiền trang trải cho con ăn, học nhưng vẫn phải bám biển, bám việc, vì chúng em không có lựa chọn nào khác. Những lúc gia đình có người đau ốm, phải đi bệnh viện là cả một vấn đề cơ cực anh ạ. Chỉ mong sao người dân về đây nghỉ dưỡng, họ thương chúng em mà có ý thức bảo vệ môi trường, đừng vứt rác bừa bãi”.
Mỗi năm, với 13 tỷ đồng doanh thu, Công ty CP Môi trường đô thị Cửa Lò chỉ đủ trang trải chi phí và trả lương cho mỗi công nhân dọn rác 3,5 triệu đồng/tháng |
Chị Lê Thị Lan, một lao công được thuê dọn rác theo mùa vụ, chia sẻ: “Chồng em không có việc, chạy xe ôm kiếm tiền mỗi ngày. Em được công ty ký hợp đồng cho làm 4 tháng ở đây là may rồi. Anh đừng đưa em lên báo mà họ cắt hợp đồng của em đấy”.
Tôi trở lại bờ biển, nơi có hàng trăm du khách đang thưởng thức ẩm thực sau khi đã ngâm mình trong lòng biển trong xanh. Rác lại ngổn ngang dưới gầm các bàn ăn của thực khách. Bỗng thấy lòng thương gửi về nơi các chị lao công. Lại thêm một đêm nữa sau niềm vui của mọi người, là nỗi vất vả của những công nhân dọn rác. Ba triệu rưỡi mỗi tháng, có đủ cho một bữa vui sau của ai đó “Quẫy tưng bừng”…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.