Cựu chiến binh đặc công viết tự truyện 'Cuốn theo cuộc chiến' (Bài 1)

2021-11-29 07:30:00 0 Bình luận
"Cuốn theo cuộc chiến" là tự đề cuốn tự truyện của Cựu chiến binh Vũ Quang Đồng. Cựu chiến binh quê ở xã Đạo Đức (nay là thị trấn Đạo Đức), huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông nguyên là chiến sĩ đơn vị E14, D2, Lữ đoàn 305, Binh chủng Đặc công, Phân khu I, Bắc Sài Gòn - Gia Định.

Ngày đầu nhập ngũ

Năm 1968, tròn 18 tuổi, tôi học xong lớp 10/10 và thi đỗ tốt nghiệp cấp 3 (bây giờ gọi là tốt nghiệp Phổ thông Trung học)!

Nghỉ hè được nửa tháng, từ Ủy ban nhân dân xã, ông anh họ làm Xã đội trưởng về tận nhà trao cho tôi hai tờ giấy, một là gọi nhập ngũ và một là giấy gọi nhập học Trường Đại học nông nghiệp I, Trâu Quỳ, Hà Nội. Anh tôi bảo: "Chú tự lựa chọn và quyết định!" rồi đi ngay.

Thanh niên chúng tôi thời đó luôn đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là đi bộ đội, bước vào con đường gian khổ, thậm chí hi sinh và sự lựa chọn còn lại là đi học, sẽ có tương lai tươi sáng hơn… Giữa hai con đường đó, ai mà không vấn vương, không tâm tư, không lưỡng lự. Gần một tháng sau đó, gia đình lại nhận được giấy gọi tôi đi học ở Liên Xô - đúng là số tôi không được xuất ngoại! Nhưng, cũng như các trai làng bấy giờ, tôi chọn con đường: Đi bộ đội! 

Đợt tuyển quân tháng Bảy, năm 1968, cả huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) rất nhiều thanh niên nhập ngũ, nhưng chỉ có 7 anh em chúng tôi được chọn vào Binh chủng Đặc công, gồm: Anh Nguyễn Văn Hồng, xã Thanh Lãng; Trần Văn Lăng, Bùi Văn Thong, xã Tân Phong; Nguyễn Văn Oanh, xã Bá Hiến; Lê Đình Úc, Nguyễn Văn Đào và tôi, xã Đạo Đức. Anh Hồng lớn tuổi nhất, là cán bộ có bằng Trung cấp Thủy sản, đã có vợ và con. Tôi và Úc cùng ở lớp 10B, trường cấp 3 Bến Tre, thị xã Phúc Yên. Đào và Thong tốt nghiệp cấp 3 năm trước. Lăng đã là cán bộ Đoàn thanh niên xã. Chỉ có Oanh là học hết lớp 7 ở nhà làm ruộng.

Chiến sĩ đặc công Vũ Quang Đồng năm 1970.

Ngày nhập ngũ 23/7. Sáng, đúng 7h, chúng tôi lên Huyện đội tập trung. Đủ quân, lập tức hành quân bộ về xã Phú Cường, huyện Kim Anh, Vĩnh Phú, nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ở địa điểm tạm trú đó, anh em cùng nhập ngũ từ nhiều tỉnh lần lượt đến họp mặt. Sau khi chúng tôi nhận quân trang, phân công biên chế và sắp xếp chỗ ở xong thì trời tối. 

Đêm xa nhà đầu tiên ai cũng mất ngủ. Tôi cũng vậy! Cảm giác bâng khuâng rất lạ. Nhưng rồi cũng thiếp đi lúc nào không biết.

Sáng hôm sau, tất cả đi kiểm tra lại sức khỏe, gần hai mươi người bị loại. Lê Đình Úc thừa cân (68kg), thừa chiều cao (1m72) nằm trong danh sách bị trả về địa phương, nhưng hắn lấy kim khâu chích vào đầu ngón tay lấy máu viết thư tình nguyện, thế là được ở lại. Hơn mười người khác cũng viết thư tình nguyện bằng máu nhưng chỉ có tám người được chấp nhận không phải về.

Cấp trên thông báo được trú lại 3 ngày để đợi anh em các tỉnh khác đến hội đủ quân mới về nơi huấn luyện. Tranh thủ lúc chưa có lệnh di chuyển, 7 anh em Bình Xuyên xin phép tranh thủ về nhà để liên hoan chia tay người thân và được chỉ huy đồng ý. Vì khác tiểu đội, Úc và Đào nhanh chân hơn gọi được người nhà đến đón, còn tôi, một mình ra đường đi bộ về.

Có lẽ nhờ bộ quần áo bộ đội mới toanh nên tôi được một bác (chắc là cán bộ vì có đeo xà cột) cho đi nhờ xe đạp. Về đến làng Mây, thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Mê Linh, Hà Nội) tôi vào nhà cô bạn học (là vợ tôi bây giờ) mượn chiếc xe thiếu nhi Liên Xô để đạp về nhà. 

Hơi mệt, nhưng vừa về đến cổng liền bị bố tôi tra hỏi có phải "đào ngũ" không? Tôi giải thích thế nào Cụ vẫn không tin. Chỉ khi Đào và Úc cùng viên sỹ quan nhận quân đến làm chứng, bố tôi mới tin! Tôi thầm nghĩ làm cha, người nào cũng vậy, con đi bộ đội cũng đều rất lo! Thời chiến, bố tôi với cương vị là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy mà con trai lại đào ngũ thì ông còn mặt mũi nào với dân với Đảng. Ông sẽ khó mở miệng khi kêu gọi, động viên những cán bộ, đảng viên khác cho con ra mặt trận… Sau này tôi mới biết, năm 1971, ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy - "Cha đẻ của khoán hộ" Vĩnh Phúc cũng cho con trai là Kim Nam đi bộ đội. Kim Nam cũng vào Nam, ở Đoàn đặc công 429 -miền Đông Nam Bộ và năm 1976 mới ra Bắc…Vĩnh Phúc đúng là vùng đất có rất nhiều chuyện lạ! 

Cả nhà ăn bữa cơm sum họp. Trên mâm có món thịt ngan sản phẩm chăn nuôi của tôi, canh bí ngô mẹ tôi trồng và cơm độn ngô (nói cho oai chứ thực ra là ngô độn cơm). Bữa ăn cực ngon! Bây giờ tôi vẫn nhớ miếng thịt ngan bố tôi gắp cho…

Buổi chiều hôm đó, có hai nhà báo là ông Nguyễn Tạo, Tổng biên tập Báo Vĩnh Phú và anh Lại Hữu Diệu, phóng viên ảnh đến nhà. Và thế là cả gia đình được chụp một vài tấm ảnh kỷ niệm. Nếu chẳng may tôi làm sao, chắc chỉ có những tấm ảnh đó đặt lên bàn thờ…

Giấy gọi nhập ngũ của bọn tôi là vào Lữ đoàn Dù - Đặc công 305. Thế nhưng, vị sĩ quan đi cùng Úc và Đào về nhà lại bảo với bố tôi rằng: "Tân binh phải tham gia huấn luyện bộ binh 2 tháng (ngày ấy Bộ binh huấn luyện 3 tháng là vào Nam). Đơn vị huấn luyện ở Sơn Dương, Tuyên Quang!".

Sau ba ngày ở xã Phú Cường, chúng tôi được ngồi ô tô quân sự ngược lên Tuyên Quang, về với  C2, D2, Trung đoàn 246. Đường đất Tuyên Quang gập ghềnh, rừng núi âm u, lau sậy rậm rạp, thỉnh thoảng có tiếng con Tắc kè kêu và thấp thoáng mới có một mái nhà sàn… Dân cư ở đây rất thưa thớt. Dọc đường, chúng tôi gặp nhiều tốp bộ đội hành quân bộ đi ngược hướng xe. Những người lính đeo ba lô nặng, súng K44, tiểu liên K43 băng tròn, cuốc chim, xẻng buộc dưới đáy ba lô và... khăn mặt vắt vai, quần xắn trên gối… Người nào cũng cầm cây gậy phòng đường trơn… Họ đang hành quân dã ngoại! 

Doanh trại chúng tôi là những ngôi nhà nứa nằm tút hút trong khu rừng rậm. Chuối rừng rất nhiều, quả bóc ra thơm phức, rất lắm hột nhưng ngọt lừ. Rừng nứa đan xen cây gỗ cao, vắt nhiều vô kể. 

Đêm đầu tiên ở rừng, nghe tiếng chim "bắt cô trói cột", tiếng tắc kè kêu ai oán… không mấy người ngủ được. Nhờ đó, chúng tôi có thời gian hỏi chuyện, bắt quen, tìm hiểu về nhau. Từ những người xa lạ, chúng tôi trở thành đồng đội - anh em một nhà thân thiết. Chỉ đến khi chỉ huy giục đi ngủ thì anh em mới trật tự và chợp mắt được một lúc thì còi lệnh báo sáng.

Chúng tôi ở Sơn Dương một tháng thì chuyển sang Đại Từ (Bắc Thái), đóng quân tại xã Phú Cường - sống chung với bà con dân tộc Tày. Nơi đây trồng rất nhiều củ đậu. Bữa cơm nào chúng tôi cũng có món củ đậu xào, hoặc ăn sống. Cũng như ở Sơn Dương, chúng tôi có món măng nứa, xào, luộc, nấu canh, ngâm muối ớt chua đều rất ngon. Sau này vào Nam, có món măng le cũng ngon không kém! Bà con dân tộc ở đây làm bánh cuốn chấm tương rất hấp dẫn. Thỉnh thoảng Trung đội lại đặt hàng nhờ bà con làm bánh cho để liên hoan...

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 thành phố Nam Định tổ chức Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2024-2029

Sáng 18/3, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) đã long trọng tổ chức Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2024-2029. Tham dự đại hội có 120 cán bộ, hội viên đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
2024-03-19 09:17:10

Giải mã sức hút của VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chỉ còn chưa đầy một tháng lễ hội thể thao âm nhạc đẳng cấp VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ chính thức diễn ra. Với mức giá siêu hấp dẫn, làn sóng săn lùng BIB của giải đã nhanh chóng lan rộng.
2024-03-18 15:23:48

TH School Happiness Day - “Rất nhiều nụ cười, cái bắt tay, cái ôm chia sẻ ấm áp… ở ngôi trường hạnh phúc”

Hơn 1.600 học sinh, phụ huynh và người dân Hà Nội trải nghiệm Lễ hội Hạnh phúc - TH School Happiness Day 2024 tại không gian xanh mát, hiện đại chuẩn quốc tế của ngôi trường hạnh phúc TH school cơ sở Hòa Lạc.
2024-03-18 15:15:00

Hoa Kỳ và Việt Nam khởi động dự án mới đối phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Ngày 15-3, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức lễ khởi động Dự án Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển ĐBSCL.
2024-03-18 11:15:41

Quốc hội dành 1 ngày chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, ngoại giao

Sáng 18/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
2024-03-18 10:40:59

Hoa Kỳ mở rộng chương trình hỗ trợ người khuyết tật tới tỉnh Bạc Liêu

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, ngày 14/3/2024, tại tỉnh Bạc Liêu, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ khởi động một dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-03-18 08:28:00
Đang tải...