Cựu chiến binh Phạm Văn Hương làm kinh tế giỏi: Thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ chăn nuôi trồng cây ăn quả
Sinh ra từ vùng quê thuần nông xã Vĩnh Hưng huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá, năm 1982 bác Phạm Văn Hương lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 113 Bộ Tư lệnh đặc công. Sau 4 năm tham gia huấn luyện, bác Hương rời quân ngũ và trở về sinh sống cùng gia đình tại địa phương.
Cựu chiến binh Phạm Văn Hương (người bên trái) chia sẻ mô hình trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao cho gia đình
Là người năng động, nhanh nhẹn, hoạt bát nên khi về địa phương, bác Hương đã tham gia nhiều vị trí việc làm khác nhau như bí thư liên chi đoàn HTX nông nghiệp 3, Bí thư chi bộ rồi Chủ nhiệm HTX nông nghiệp 3, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Công an xã Vĩnh Hưng.
Năm 2004, bác Phạm Văn Hương đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng cho đến năm 2020 thì về nghỉ chế độ theo quy định. Trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, bác Phạm Văn Hương luôn phát huy tốt phẩm chất của người lính Cụ Hồ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bác Hương chia sẻ: “Xác định rõ nhiệm vụ tổ chức phân công, tôi luôn tích cực học tập, trau dồi kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn từng vị trí công tác phù hợp và hiệu quả. Đặc biệt, là người lính trưởng thành trong quân đội, tôi luôn suy nghĩ, áp dụng việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác vào công việc hằng ngày để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Từ khi còn là Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng, CCB Phạm Văn Hương đã gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Trước đây, gia đình CCB Phạm Văn Hương chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, năm 2017 bác quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi lợn của gia đình.
Bác Hương nuôi 35 con lợn nái để nhân giống nuôi lợn thịt. Hơn 5 năm qua, bình quân mỗi năm bác nuôi khoảng 300 con lợn thịt nhưng không mất tiền mua con giống. Để việc chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, gia đình bác đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, chia thành các khu vực nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt. Việc phân khu vừa bảo đảm cho đàn lợn được phát triển đồng đều, lại vừa thuận tiện trong việc cho ăn, dọn vệ sinh. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình bác luôn chú trọng phòng, chống dịch bệnh, nhất là khâu khử trùng, vệ sinh chuồng trại, giữ nhiệt độ phù hợp nên đàn lợn luôn sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu nhập cao.
Cùng với chăn nuôi, CCB Phạm Văn Hương còn đi tiên phong trong thực hiện chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Lộc về phát triển cây có múi. Từng được đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế ở nhiều nơi trong quá trình làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp 3 và Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng, năm 2018 CCB Phạm Văn Hương đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng cây mía trắng hiệu quả không cao sang trồng cây ăn quả với diện tích 1,5ha.
Năm 2019, bác tiếp tục vay vốn, nhận thầu đất đồi của xã để mở rộng mô hình lên 2,5ha. Vượt qua nhiều khó khăn về vốn, về kinh nghiệm trồng trọt ban đầu, đến nay mô hình của CCB Phạm Văn Hương có 600 cây bưởi da xanh, 250 cây bưởi Diễn, 200 cây mít Thái, 150 cây na cùng nhiều nhãn, ổi. Với công sức và đôi bàn tay lao động chăm chỉ, mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt của gia đình CCB Phạm Văn Hương đã cho quả ngọt với thu nhập bình quân hơn 600 triệu đồng/năm.
Vĩnh Hưng là xã miền núi của huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá, để giúp nhau phát triển kinh tế, Hội CCB xã Vĩnh Hưng đã thành lập câu lạc bộ “CCB giúp nhau phát triển kinh tế” với 7 thành viên là chủ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, chế biến gỗ...
CCB Phạm Văn Hương là một thành viên tham gia rất tích cực. Để hoạt động hiệu quả, hàng quý, CCB Phạm Văn Hương cùng các thành viên trong câu lạc bộ duy trì sinh hoạt đều đặn để trao đổi kiến thức khoa học - kỹ thuật, kiến thức kinh doanh, thông tin thị trường, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Mỗi thành viên sẽ đóng góp 5 triệu đồng/quý để cho nhau vay phát triển kinh tế.
CCB Phạm Văn Hương chia sẻ: “Sự ra đời và hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá rất cao, bởi không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động, các thành viên trong câu lạc bộ còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương, nhất là việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới”.
Ông Đỗ Đình Phán, Chủ tịch Hội CCB xã Vĩnh Hưng, cho biết: “CCB Phạm Văn Hương là một trong những hội viên năng động, sáng tạo, nhạy bén trong phát triển kinh tế.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, CCB Phạm Văn Hương đã vượt khó vươn lên, không chỉ xây dựng đời sống no đủ mà còn là tấm gương sáng cho nhiều hội viên trong xã học tập, noi theo. CCB Phạm Văn Hương, vươn lên làm giàu chính đáng không chỉ là đòi hỏi của cuộc sống mà còn là danh dự, phẩm chất của người lính Cụ Hồ trên mặt trận mới – mặt trận phát triển kinh tế”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.