Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người thực hiện xuất sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”

2024-12-07 23:26:54 0 Bình luận
Tạp chí điện tử Hòa Nhập xin giới thiệu bạn đọc công trình nghiên cứu sâu sắc của Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu về tư tưởng “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như vai trò to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc thực hiện xuất sắc tư tưởng này. Tạp chí điện tử Hòa Nhập trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết đến quý độc giả.

Quân đội ta do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp sáng lập, tổ chức, lãnh đạo và giáo dục, rèn luyện; là lực lượng vũ trang cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đảng ta luôn kiên định nguyên tắc: lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân. Đó là một nguyên tắc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, là nguyên lý cơ bản nhất trong học thuyết Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.

1. Xây dựng quân đội “lấy chính trị làm gốc”

Học thuyết Mác - Lê-nin chỉ ra rằng: Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là giành chính quyền. Giai cấp vô sản muốn giành chính quyền, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản thì phải tổ chức ra một quân đội kiểu mới, được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sức mạnh của quân đội cách mạng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật, cách đánh…; trong đó, chính trị - tinh thần là một yếu tố có ý nghĩa quyết định. Khi bàn về vấn đề này, V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”[1]. Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng đó vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấu triệt tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân là: “Người trước, súng sau”; nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị; “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”[2]. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Người chỉ rõ tính chất, nhiệm vụ của Đội là: “chính trị trọng hơn quân sự”[3]. Tư tưởng đó của Người thống nhất với quan điểm của Đảng ta, trở thành đường lối, nguyên tắc chỉ đạo, phương châm hành động xây dựng Quân đội vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là “Linh hồn, mạch sống của Quân đội cách mạng”.

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xây dựng Quân đội nhân dân trước hết phải thấu triệt quan điểm “vừa vũ trang cho quần chúng cách mạng, vừa xây dựng Quân đội nhân dân, kết hợp Quân đội nhân dân với lực lượng vũ trang quần chúng, lực lượng vũ trang quần chúng với Quân đội nhân dân”[4]. Đây là vấn đề thuộc về chiến lược quân sự của Đảng nhằm phát huy sức mạnh cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện để bảo vệ Tổ quốc.Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam mạnh trong sạch, vững mạnh về chính trị, chặt chẽ về tổ chức thực chất là xây dựng và giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc; đảm bảo cho Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là đội quân cách mạng của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Quán triệt tinh thần đó, Tám mươi năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân đội ta không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, thực sự là đội quân cách mạng, của dân, do nhân dân và vì nhân dân; xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân đã trao tặng và lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[5]. Gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Quân đội ta đã vượt qua muôn vàn thử thách, hy sinh, cùng nhân dân cả nước lập nên những chiến công vang dội: Tiến hành Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tiếp đó, thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; đánh thắng chiến tranh xâm lược biên giới ở hai đầu đất nước và tích cực tham gia sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa..v.v.

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại” không chỉ là hệ tư tưởng mà còn là ánh sáng soi đường cho quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Xuất phát từ tư tưởng đó, ngay từ rất sớm, quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp , Tổng Tư lệnh  đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của yếu tố chính trị, tinh thần, “lấy chính trị làm gốc” trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1944, trong Chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của yếu tố chính trị: chính trị trọng hơn quân sự. Tiếp đó, Người khẳng định: “Nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị”[6]. “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”[7]. Cùng với thời gian, quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vận dụng sáng tạo trong toàn bộ quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Người thực hiện xuất sắc tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ về đẩy nhanh việc tổ chức đội quân chủ lực đầu tiên với phương châm “chính trị trọng hơn quân sự”.

Sau 30 năm ra nước ngoài tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người lựa chọn địa điểm thuộc xã Nà Sác, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng làm căn cứ cách mạng để cùng với cơ quan Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng. Đầu tháng 10/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh để báo cáo tình hình phong trào cách mạng ở vùng Cao-Bắc-Lạng và cả nước.

Sau khi nhận định, đánh giá tình hình, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị: Thành lập đội vũ trang, lựa chọn các đội viên là những người kiên quyết, hăng hái trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc vào đội. Phải cân nhắc từng người một, các cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đội chủ yếu lấy trong số cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài về. Phải lựa chọn những người đã trải qua chiến đấu, ít nhiều biết về kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự, phải có đủ thành phần dân tộc, người địa phương nào cũng có, nhằm phục vụ cho hoạt động được thuận lợi. Thời gian thành lập chậm nhất là vào hạ tuần tháng 12/1944 và khi thành lập phải có những lời thề danh dự... Thành lập xong, ra quân hành động có tính chất quần chúng; trận đầu mặc dù đội quân mới thành lập còn non yếu nhưng phải chiến thắng.

Thực hiện chỉ dẫn của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Lê Quảng Ba họp bàn, khẩn trương xây dựng tổ chức biên chế đội vũ trang theo đúng yêu cầu của Người. Về tên gọi của đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cùng với các đồng chí chủ trì thống nhất lấy tên là “Ðội Việt Nam Giải phóng quân”. Sau khi báo cáo, lãnh tụ Hồ Chí Minh thêm hai từ “tuyên truyền” vào tên đội và duyệt danh sách cán bộ, đội viên của đội. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”[8]

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Sam Cao nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tuyên bố Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời chỉ có 34 đội viên, với các thành phần dân tộc trên địa bàn, vũ khí thô sơ, thiếu thốn về hậu cần, nhưng sau khi thành lập, Đội đã đánh thắng hai trận đầu tiên ở Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng). Sau hai trận này, quân số của Đội tăng lên thành đại đội, mở rộng các cơ sở cách mạng ở các khu vực khác như Hòa An, Nguyên Bình (Cao Bằng), Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn)...

Trong hơn 30 năm trên cương vị Tổng chỉ huy của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quán triệt và thực hiện xuất sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng chỉ đạo của Bác đối với mọi hoạt động của Quân đội là: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”, “người trước, súng sau”, phát triển rộng khắp cả hai lực lượng chính trị, quân sự và xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân. Kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với sự nổi dậy của quần chúng trên các địa bàn, cả miền núi, miền xuôi, thành thị, nông thôn để tiến tới tổng khởi nghĩa, điển hình là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; Phong trào Đồng khởi ở miền Nam năm 1960; Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, làm nên đại thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong giai đoạn cách mạng mới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vẫn là một nhiệm vụ chiến lược. Đó là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... giữ vững ổn định chính trị, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ.

2. Bài học kinh nghiệm xây dựng Quân đội về chính trị

Xây dựng quân đội về chính trị trong tình hình mới có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đứng trước những khó khăn, thách thức, đó là sự chống phá của các thế lực thù địch về chính trị, tư tưởng; sự thoái hóa về tư tưởng, đạo đức, lối sống; những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,... Bởi vậy, phải vận dụng một cách sáng tạo quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh: “Xây dựng quân đội về chính trị trong các giai đoạn lịch sử với những nội dung cụ thể sau:

Một là, giữ vững nguyên tắc xây dựng, tổ chức quân đội: “Phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật”[9]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nếu không có tổ chức chặt chẽ, nghiêm mật thì không phải là một đội quân cách mạng, không thể đánh thắng được kết cục sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ và tan rã. Bác chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xác định đúng đắn mối quan hệ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Vận dụng sáng tạo nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng vào xây dựng quân đội cách mạng, Người nêu rõ có tổ chức mạnh mới có con người mạnh. Con người mạnh làm cho tổ chức mạnh, Đảng bộ trong quân đội làm nòng cốt và hạt nhân lãnh đạo, vừa có hệ thống lãnh đạo, vừa có hệ thống chỉ huy, xác định rõ lãnh đạo là tập thể, chỉ huy là trách nhiệm cá nhân. Quân đội phải có kỷ luật sắt “quân lệnh như sơn” đi đôi với thực hiện dân chủ, phê bình, tự phê bình từ dưới lên, chống quan liêu, quân phiệt, độc đoán, chống tự do vô kỷ luật.

Hai là, trong xây dựng quân đội phải lấy việc bồi dưỡng xây dựng con người là chính. Bác nói: “Người trước súng sau”. Chiến lược “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một đội ngũ cán bộ quân đội trung thành, có trí tuệ, đáp ứng yêu cầu khắc nghiệt của đấu tranh và mọi thử thách của cách mạng. Người nói: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[10], “…cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[11]. Đối với cán bộ trong quân đội, Người yêu cầu phải có các phẩm chất: Trí, Dũng, Liêm, Trung. Người đặt “Trí” lên hàng đầu. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ quân sự trước hết phải là người có trí tuệ, không ngừng trau dồi trí thức, nâng cao trí tuệ, mới hoàn thành nhiệm vụ. Người cán bộ phải có giác ngộ chính trị hơn quần chúng, vì vậy phải có trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác- Lênin, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật quân sự; nắm vững đường lối chính sách của Đảng mới tự giác phấn đấu theo đường lối cách mạng mà Đảng đã vạch ra, có niềm tin thắng lợi, dựa vào căn cứ khoa học, có lý luận để thuyết phục quần chúng, có khả năng tổng kết thực tiễn, phát huy sức sáng tạo của quần chúng để góp phần cụ thể hoá, bổ sung đường lối chủ trương của Đảng.

Ba là, xây dựng quân đội nhân dân phải “lấy chính trị là gốc”, đó là kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Đảng lãnh đạo quân đội thông qua Cương lĩnh chính trị, đường lối, quan điểm, tư tưởng quân sự, quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và Quân đội nhân dân; thông qua công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách, cán bộ, với các nguyên tắc và phương thức thích hợp. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội thông qua Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hệ thống tổ chức Đảng các cấp trong quân đội từ Quân ủy Trung ương đến chi bộ.

Bốn là,xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam phải theo tư tưởng: “Quân sự phục tùng chính trị”, “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân. Có sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta luôn luôn lấy việc xây dựng Quân đội về chính trị, “lấy chính chị làm gốc” làm cơ sở để nâng cao sức mạnh chiến đấu tổng hợp, thường xuyên tăng cường hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị - linh hòn, mạch sống của Quân đội ta.

Như vậy, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo quan điểm của Hồ Chí Minh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Ngày nay, xây dựng Quân đội về chính, tổ chức tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc với Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống.

 

Thượng tướng Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Anh hùng LLVTND


[1] V.I. Lê-nin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến Bộ, M. 1977, tr.147.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr.217.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr.539.

[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, H. 1919.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H. 2000, tr.350.

[6] Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. QĐND, Hà Nội, 1995, tr.255.

[7] Hồ Chí Minh - Những bài nói và viết về quân sự, tập 2, Nxb. QĐND, Hà Nội, 1987, tr. 53.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.539.

[9]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb. CTQG, H.2011, tr.500.

[10]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, H.2011, tr.200.

[11]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, H.2011, tr.309.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Ngày Việt Nam tại Ả-rập Xê-út 2024: Hành trình quảng bá văn hóa Việt tại Trung Đông

Riyadh - thủ đô Ả-rập Xê-út, sẽ trở thành điểm dừng chân tiếp theo của chương trình "Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2024" diễn ra từ ngày 13-15/12. Đây là cơ hội đặc biệt để văn hóa Việt Nam lan tỏa sâu rộng tại khu vực Trung Đông, với chủ đề ý nghĩa: “Hội tụ tinh hoa ngàn năm văn hóa - Vươn mình trong kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng”.
2024-12-11 19:34:22

Khách hàng SHB cần bổ sung thông tin sinh trắc học trước ngày 31/12/2024

Chỉ còn khoảng 3 tuần, Thông tư 17 & 18 của Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức có hiệu lực, để các hoạt động giao dịch tài chính không bị gián đoạn, SHB một lần nữa khuyến nghị khách hàng nhanh chóng bổ sung thông tin sinh trắc học sớm nhất có thể và trước ngày 31/12/2024.
2024-12-11 18:08:17

Chính phủ luôn quan tâm, đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn

Ngày 10/12, tại Quảng Nam, phát biểu tại Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn.
2024-12-11 11:12:12

Bế mạc kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII

Sáng 11/12, kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung chức danh Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; thảo luận, thông qua nghị quyết và bế mạc.
2024-12-11 10:55:00

VPBank dẫn đầu xu hướng thanh toán 'một chạm' bằng tài khoản tại Việt Nam

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa mới tiên phong triển khai tính năng thanh toán “một chạm” bằng tài khoản (Pay by Account). Đây là tính năng được phát triển bởi VPBank và Tổ chức phát hành Mastercard, đón đầu xu hướng thanh toán “một chạm” mới nhất đang được triển khai rộng rãi tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Úc, Anh…
2024-12-11 10:35:28

Quảng Ninh: Ông Phạm Đức Ấn được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ngày 10/12 tại TP Hạ Long, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ. Thừa ủy quyền của Ban Bí thư, ông Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Tổ chức Trung ương, đã trao Quyết định số 1750-QĐNS/TW ngày 9/12/2024 của Ban Bí thư về việc điều động, chỉ định ông Phạm Đức Ấn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025.
2024-12-11 09:02:17
Đang tải...