“Đảo Chè” Thanh Chương, điểm đến hấp dẫn !
Tại km 743 của tuyến đường Hồ Chí Minh, địa danh Đảo Chè được chỉ dẫn rất cụ thể bởi những người dân làm du lịch. |
Sáng 27/4, ánh bình minh của biển Cửa Lò như đánh thức mọi người dậy sớm. Biển ồn ào và nhộn nhịp. Sau khi tắm biển và ăn sáng, chúng tôi theo đoàn du khách đến từ Hà Nội, xuất phát tại Cửa Lò và hướng về Nam Đàn quê Bác. Trọn vẹn 1 buổi sáng cho chương trình thăm quan các điểm di tích lịch sử ở Nam Đàn như Đền Vua Mai, Khu mộ những người thân gia đình Bác Hồ (Cụ Hà Thị Hy, bà Hoàng Thị Loan, em ruột Bác là Nguyễn Sinh Xin) ở xã Nam Giang; thăm quê Nội và quê Ngoại của Người ở Làng Sen và làng Hoàng Trù (xã Kim Liên), thưởng thức món ẩm thực “Me Nam Nghĩa” cho bữa ăn trưa và tiếp tục cuộc hành trình đến với “Đảo Chè” Thanh Chương.
Từ Kim Liên về “Đảo Chè” theo quốc lộ 46A rẽ trái vào quốc lộ 46C, gặp đường Hồ Chí Minh... theo đúng chỉ dẫn của “Gu-gờ-máp”. Ngay tại cột mốc km743 trên truyến đường Hồ Chí Minh, biển chỉ dẫn vào “Đảo Chè” đã hiện ngay trước mặt. Chỉ Lan, chủ nhà thuyền, nhà hàng Tuấn Lan đón chúng tôi ngay đường vào “Đảo Chè”. Chị bảo: “Nhà em có 2 du thuyền, đủ cho cả đoàn khoảng bốn, năm chục người đi thăm quan “Đảo Chè” và tổ chức ăn uống tại đây”.
Gia đình anh Tuấn - chị Lan đã đầu tư 2 du thuyền và nhà hàng, đủ năng lực để phục vụ cho đoàn du khách đến thăm quan Đảo Chè với số lượng 50 người. |
Với giá vé 40 ngàn/người cho khách đi theo đoàn (và 50 ngàn/người cho khách đi lẻ), những chiếc du thuyền sẵn sàng phục vụ du khách đến với các “Đảo Chè” và “thả tâm hồn” trên mặt hồ cho khoảng thời gian 60 phút. Với thời gian này, du khách thỏa sức ngắm cảnh, quay video clip và chụp ảnh lưu niệm với “Đảo Chè”.
Đang từ trên cạn với “độ nóng” toát mồ hôi, chiếc du thuyền đưa du khách lướt nhẹ trên mặt nước hồ trong veo, mát lạnh. Một làn gió từ mặt hồ làm dịu hẳn cái nóng oi nồng, cho chúng tôi một cảm giác thật yên bình ngay trên du thuyền. Những chiếc du thuyền khác chở đầy khách chạy ngược xuôi như lễ hội. Nhiều du khách reo lên vì vẻ đẹp đến ngỡ ngàng của “Đào Chè” ở miền núi Nghệ An này.
Những du khách đến với hồ Cầu Cau, với Đảo Chè, sẽ rất ngỡ ngàng với vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho người dân xã Thanh An và xã Thanh Thịnh |
Cậu thanh niên tên Ngự, con trai đầu của anh Tuấn - chị Lan, chừng 30 tuổi, lái chiếc du thuyền rất lành nghề, lướt nhẹ trên mặt nước. Ngự bảo: “Có cả tháy 48 du thuyền của 46 gia đình là chủ đầu tư. Mỗi du thuyền như ri được đặt mua với giá 150 triệu đồng, họ chở đến tận “Đảo Chè”. Từ khi đưa du thuyền vô khai thác, xã Thanh An và huyện Thanh Chương chưa thu bất cứ khoản thuế, phí, lệ phí chi hết. Họ đang đang động viên, khuyến khích người dân đầu tư cho dịch vụ du lịch của Đảo Chè”.
Ngự nhẹ nhàng đưa du thuyền cập bến 1 hòn “Đảo” sau khi đã cho du khách “mãn nhãn” với khung cảnh thiên nhiên từ mặt hồ mênh mông có tên gọi là Cầu Cau này. Ngự căn dặn: “Các bác, các anh, các chị cứ thăm quan, chụp ảnh thoải mái đi, khi mô muốn về thì chỉ cần a lô cho cháu một tiếng vào số điện thoại đã được ghi trên vé, cháu sẽ quay ra đón ngay. Bây giờ cháu phải đưa đoàn khách khác quay về đã”. Du thuyền của Ngự nhẹ nhàng quay đầu, chở những du khách từ Đảo Chè về bến, lướt nhẹ trên mặt hồ.
Ở đây có rất nhiều “Đảo”. Gọi là “Đảo Chè” vì trên những “hòn đảo” này là những luống chè được người dân trồng và khai thác nhiều năm theo dự án. Chè được trồng theo luống nên có một vẻ đẹp rất tự nhiên. Khi những “Đảo Chè” trở thảnh các điểm thăm quan du lịch, người dân là những chủ đồi chè ở đây đã khéo léo hơn trong việc thu hái, cắt tỉa, dọn cỏ. Để tạo thêm sự hấp dẫn, trên mỗi đồi chè, người dân đã làm những ngôi nhà bằng lá, trông vừa dân dã, vừa đẹp mắt. Trên mỗi “Đào Chè”, người dân đã đầu tư những giàn âm thanh, rộn vang lên những điệu ví dặm nghe thật tha thiết, nồng nàn. Chủ của những đồi chè cũng chính là chủ nhân của “Đảo”, đã được nhà nước cấp “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” nên họ được quyền chủ động trong đầu tư, khai thác.
Du khách rất hào hứng với những bức ảnh được chụp từ Đảo Chè. |
Trên các “Đảo Chè”, người dân đã sáng tạo ra những mô hình để cho du khách chụp ảnh, sắm những bộ đồ theo trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam để du khách thuê, chụp hình lưu niệm. Sản vật ở Đảo Chè là những gói chè tươi, sạch để du khách chọn mua làm quà. Những bức ảnh từ “Đảo Chè”, ngay lập tức, được du khách “post” lên facebook, zalo. Những tiếng cười, tiếng reo vui của du khách làm xôn xao cả những đồi chè mà một thời ngủ quên trong mơ màng, nghèo đói...
Ông Nguyễn Cảnh Nam- Chủ tịch UBND xã Thanh An nói như đã thuộc lòng từng nội dung khi được nhà báo hỏi qua điện thoại: “Xã Thanh An hiện có 1.448 hộ với 5.500 nhân khẩu; diện tích trồng lúa của toàn xã chỉ còn 355ha, trong đó 205ha vụ đông xuân, 250ha vụ hè thu. Tổng diện tích trồng chè của xã Thanh An là 483ha, trong đó chỉ có 170ha chè được trồng trên các “Đảo”. Do vậy, thu nhập bình quân của xã Thanh An mới chỉ đạt 26,6 triệu đồng/nhân khẩu/năm. Thanh An vẫn là xã nghèo thuộc chính sách 135 nên vẫn chưa về đích nông thôn mới được vì còn 7 tiêu chí nữa đang phải phấn đấu”.
Sự hấp dẫn của Đảo Chè Thanh Chương chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách |
Về chủ trương đầu tư, khai thác du lịch “Đảo Chè”, ông Nam thẳng thắn: “Xã đang vận động, khuyến khích người dân phát huy nội lực vì chưa có nguồn đầu tư. Huyện Thanh Chương cũng chỉ đạo xã là chưa đặt ra bất cứ khoản thuế, phí, lệ phí nào để giúp dân đầu tư vào du lịch Đảo Chè. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch vẫn được đảm bảo tốt nhất”.
Có về “Đảo Chè” mới thấy được vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Thanh Chương nghèo đói này. Đi trên hồ Cầu Cau, khi du thuyền cập bến các “Đảo Chè”, du khách có cảm giác nơi đây tựa hồ như một “Vịnh Hạ Long” trên cạn. Nếu được đầu tư đúng hướng, chắc chắn “Đảo Chè Thanh Chương” sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn khi du khách đến với Nghệ An, về với quê hương Bác Hồ trong những lần nghỉ lễ!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.