Đào Đức Bang – Ông chủ khuyết tật của xưởng bánh đa nem
Bác Đào Đức Bang (bên trái) – người gắn bó với nghề làm bánh đa nem hơn 30 năm nay.
Bác Bang (sinh năm 1951) sinh ra và lớn lên là một người hoàn toàn lành lặn, cho đến khi vụ tai nạn vào năm 35 tuổi đã cướp đi vĩnh viễn một bên chân của bác. Chia sẻ với Hoanhap.vn, bác tâm sự rằng, cuộc sống bình yên của bác đã bị đảo lộn khi gặp phải tai nạn. May mắn sống sót nhưng bác bị mất đi đôi chân. Tai nạn đó đã biến bác thành người khuyết tật. Những ngày nằm trong bệnh viện là quãng thời gian bác chiến đấu với bệnh tật, nỗi đau khổ, chán chường vì thân thể không còn nguyên vẹn như trước. Hơn nữa là nỗi lo tiền chi phí chữa bệnh quá lớn mà gia đình còn khó khăn.
“Lúc ấy, bác còn là thanh niên trẻ, khỏe không can tâm trở thành người khuyết tật nên rất tuyệt vọng. Nhưng nhìn người vợ ngày một tiều tụy mà vẫn luôn ân cần, chăm sóc cho con cho chồng, không một lời kêu ca, bác lại phấn chấn tinh thần quyết tâm vực dậy bản thân”, bác Bang trải lòng.
Sau một thời gian dài kiên trì tập luyện để có thể đi lại, nhận thấy nghề sản xuất bánh đa nem bác có thể tự mình làm được. Trong khi đó, làng nghề còn chưa phát triển nghề sản xuất bánh đa, còn ít người biết đến.
Bằng nghị lực của chính bản thân, bác đã vươn lên quyết tâm mở xưởng sản xuất bánh đa nem cho riêng mình. Mới đầu, kinh phí hạn hẹp, nguồn lao động ít nên bác chỉ dám làm ăn nhỏ. Sản phẩm làm ra cũng phải đi giao tận nơi. Khi nguồn vốn được cải thiện, bác cũng mạnh dạn thuê thêm nhân công, mở rộng quy mô làm ăn. Bác chia sẻ: “Lúc trước, khi cở sở mới đi vào hoạt động, hàng ngày bác phải trở bánh đa đến từng nơi từng nhà để bán. Chứ không nhàn như bây giờ, chỉ cần ngồi làm ở nhà, sẽ có khách tự đến lấy”.
Hiện nay, xưởng của bác không chỉ tạo thu nhập cho gia đình, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều người khuyết tật có cùng hoàn cảnh khó khăn trong làng. Mỗi người sẽ làm một công việc khác nhau, phù hợp với sức lực của mình. Người nào khỏe làm việc nặng, người nào yếu làm việc nhẹ. Trả lương theo sản phẩm, làm nhiều hưởng nhiều làm ít hưởng ít.
Hỏi qua những người khuyết tật làm tại xưởng được biết, mỗi người một ngày làm được khoảng 70-80 nghìn. Cứ trung bình mỗi tháng, thu nhập khoảng 1 triệu rưỡi đến 2 triệu đồng một tháng, dần dần họ đã có cuộc sống ổn định hơn, đời sống tốt hơn. Mặc dù, khoản thu nhập không lớn nhưng đủ để họ trang trải một phần cuộc sống. Từ đó, xưởng bánh đa của bác Bang không chỉ là nơi giúp họ có thêm thu nhập mà còn là nơi để sẻ chia niềm vui nỗi buồn của gần chục người khuyết tật.
Bánh được tráng bột bằng những tấm phim nhựa và phơi khô, sau khi đưa vào dây truyền hấp chín bởi những người khuyết tật.
Chia sẻ về nghị lực vượt khó và giàu tình thương của bác Bang, ông Nguyễn Viết Tụng (Chủ tịch Hội người khuyết tật, huyện Mê Linh) cho biết: “Ngày xưa, cái thời mà chưa có xe ba bánh, bác Bang phải tập đi xe đạp bằng một chân. Có những hôm, Hội tổ chức vận động cho người khuyết tật, cách nhà bác 25 đến 30 cây số, không có tiền hỗ trợ gì cả mà bác vẫn nhiệt tình tham gia. Vừa rồi ủng hộ đồng bào miền trung bị lũ, bác cũng hỗ trợ hay xây dựng Quỹ vì người nghèo năm nào bác Bang cũng tham gia. Bác Bang đúng là tấm gương người khuyết tật nghị lực và sáng để nhiều người noi theo”.
Đã 35 năm kể từ ngày bác mất đi một phần chân trái, dù di chuyển khó khăn nhưng chưa khi nào bác để việc đó trở thành gánh nặng cho bản thân và gia đình. Thậm chí còn đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của làng nghề truyền thống.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.