Dạy hòa nhập phải thương trẻ như con
Không dạy trường chuyên biệt, không được đào tạo bài bản về cách xử lý những tình huống “dở khóc dở cười” khi tiếp xúc với trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển, nhưng bằng tất cả tình thương và sự nỗ lực, nhiều giáo viên tiểu học đã giúp các học sinh đặc biệt hòa nhập tốt trong môi trường học tập và sinh hoạt như các bạn cùng trang lứa.
Rèn từng nét chữ, uốn từng âm đọc, bày cách cầm muỗng xúc ăn hay cách ra tín hiệu thông báo mỗi khi cần vào nhà vệ sinh… là phần việc quen thuộc của cô Phan Thị Cẩm Vân, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu ở quận Bình Thạnh, TPHCM suốt nhiều năm nay.
Ở lớp của cô giáo này chủ nhiệm, năm nào cũng có từ 2 đến 3 học sinh đặc biệt. Mỗi em một dạng khiếm khuyết nhưng có điểm chung là chưa thể nói, đọc, chưa thể tự lo sinh hoạt cá nhân và dễ cáu gắt, khó tiếp thu.
Cô Phan Thị Cẩm Vân đang hướng dẫn một học sinh hòa nhập cách ghép vần |
Ngày đầu phát hiện ra lớp mình có một học sinh không nói năng gì chỉ thích chạy nhảy khắp nơi và hét, hú mô phỏng âm thanh các loài vật, cô Vân sợ đến mất ngủ. Thế nhưng sau đêm đó, cô nghĩ mình phải tìm cách để giúp cậu học trò bé nhỏ này sớm hòa nhập cộng đồng.
Dạy trong lớp không được, nghỉ giữa giờ, cô dẫn học trò ra sân, vừa chơi vừa rèn chữ rèn âm. Thế rồi cô đi đâu, trò cũng đi theo, nhõng nhẽo cái này, đòi làm cái kia, cực lắm nhưng vui.
Tự tìm hiểu về các chứng tự kỷ qua sách vở, internet và đưa ra cách tiếp cận, hỗ trợ phù hợp với từng em, đến nay, cô Vân đã giúp nhiều học sinh đặc biệt hòa nhập cuộc sống, có nhiều tiến bộ trong học hành.
Mặc dù rất áp lực nhưng chưa bao giờ các giáo viên bỏ rơi học sinh hòa nhập. |
Cô Phan Thị Cẩm Vân trải lòng: “Trong một lớp mà có một học sinh tự kỷ thì giáo viên phải tập trung cho em đó nhiều hơn nhưng cũng phải có cách để quản các học sinh khác. Thế nhưng chưa bao giờ tôi có suy nghĩ sẽ chuyển các bé như vậy qua lớp khác. Khi gặp học sinh tự kỷ ở các dạng khác nhau cũng muốn thử thách bản thân xem nỗ lực và phương pháp giảng dạy của mình có hiệu quả hay không.”
Bị học trò cào cấu là chuyện thường ngày, có khi cô Nguyễn Thị Xuân Dung, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu còn bị xé áo dài, bẻ mắt kính.
Ban đầu cảm thấy sốc, nhưng thay vì tức giận, cô chọn cách giáo dục nhẹ nhàng với những học sinh đặc biệt của mình. Khi phát hiện trẻ bất thường, việc đầu tiên của cô Dung là trò chuyện với phụ huynh để tìm hiểu cặn kẽ mức độ khiếm khuyết cũng như hoàn cảnh gia đình của học sinh.
Tùy dạng khiếm khuyết, tùy khả năng tiếp thu của trẻ mà cô về tìm hiểu, thiết kế cách dạy riêng. Khi nghiêm khắc, lúc mềm mỏng, lúc lại tạo môi trường để các học sinh trong lớp cùng thấu hiểu và hỗ trợ bạn tiến bộ. Nhờ linh hoạt trong cách dạy, cách uốn nắn mà học trò đặc biệt của cô chuyển biến tốt mỗi ngày.
Với cô Nguyễn Thị Xuân Dung, niềm vui của người giáo viên chỉ đơn giản là thấy học sinh khỏe mạnh, tự chăm sóc được cho bản thân và thích đến trường.
“Có những cái bé không làm được thì mình cũng phải chấp nhận sự thật. Không yêu cầu bé làm nhiều mà chỉ cần bé mỗi ngày một tiến bộ, ngày hôm sau tiến bộ hơn ngày hôm trước, tháng sau tiến bộ hơn tháng trước và cuối năm tiến bộ hơn đầu năm là cô vui rồi. Chỉ mong trẻ hòa nhập và trở thành đứa trẻ bình thường là được", cô Dung nói.
Cô Nguyễn Thị Xuân Dung cùng cô học trò đặc biệt của mình. |
Sự nhẫn nại, sáng tạo của các giáo viên cuối cùng đã thu về kết quả như mong đợi. Sau một học kỳ, đa phần học sinh đặc biệt của trường đều có nhiều thay đổi tích cực.
Ngày thấy học trò có thể cầm muỗng ăn cơm dù tay vẫn run hay đã tự lên xuống cầu thang dù chân còn yếu, các cô mừng rơi nước mắt. Bữa nào trò vắng là thấy lòng buồn buồn, lo lo. Tình thương của thầy cô, bạn bè khiến cho những học sinh hòa nhập cảm thấy ấm áp mỗi khi đến trường.
Em Trần Hồng Nga, một học sinh học hòa nhập cho hay:“Học ở trường có nhiều bạn, con thấy rất vui. Mấy bạn chia sẻ đồ chơi cho con. Và ở trường cũng có nhiều thầy cô giáo nữa.”
Không phải trường chuyên biệt nhưng vài năm trở lại đây, Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu đã đón nhận rất nhiều "học sinh hòa nhập", tức là học sinh có khiếm khuyết so với độ tuổi. Biết là khi nhận học sinh đặc biệt vào, áp lực cho giáo viên là rất lớn vì sĩ số lớp bình thường đã rất đông, nhưng nhà trường vẫn làm vì muốn mở ra cơ hội hòa nhập tốt hơn cho trẻ khiếm khuyết.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Khi tiếp nhận những học sinh này, nhà trường chỉ suy nghĩ một điều là phải làm sao giúp cho các em có được nơi học tập tốt nhất. Nếu đưa những học sinh này vào các trường chuyên biệt thì các em sẽ có cảm giác mình bị phân biệt đối xử. Mức độ khiếm khuyết của các em ở đây không nặng như các em ở trường chuyên biệt do đó nhà trường tạo điều kiện để giúp các em có được tư tưởng tốt nhất.”.
Phối hợp tốt với phụ huynh, lắng nghe và cùng tháo gỡ những khó khăn với giáo viên lớp hòa nhập, dạy học sinh cách chia sẻ, thương yêu các bạn khiếm khuyết là những điều mà Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu đang làm để tạo môi trường tốt nhất cho học sinh đặc biệt phát triển.
Không chỉ trao tri thức, ngày ngày các thầy cô còn trao những vòng tay, ánh mắt thương yêu để giúp nhiều học sinh tiến bộ đến mức khó tin.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.