Đền Trần (Nam Định): Tổ chức lễ thường niên hàng năm đón chào Tết Nhâm Dần 2022
Đền Trần – Di tích quốc gia đặc biệt.
Đền Trần nằm trên địa bàn phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, nơi thờ 14 vị vua đời Trần. Từ xa xưa, trên mảnh đất địa linh nhân kiệt – kinh đô thứ hai của triều đại nhà Trần, các vua Trần đã khởi tục lệ khai ấn, được người đời xưa và nay đón nhận, truyền tụng như một nét văn hoá đặc sắc của dân tộc. Hàng năm, nhân dân địa phương nơi đây vẫn duy trì lễ hội khai ấn theo đúng nghi lễ cổ truyền để duy trì truyền thống quý báu ấy. Qua đó, tri ân công đức các vị vua Trần, cầu mong những điều tốt đẹp, phản ánh đầy đủ yếu tố tâm linh và đậm đà bản sắc văn hoá dân gian. Khu di tích Đền Trần đã được nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012, hệ thống di tích này vốn được xây dựng trên cương vực cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa thuộc hành cung Thiên Trường thời Trần thế kỷ XIII – XIV.
Buổi lễ vinh dự được đón tiếp lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định nói riêng cùng lãnh đạo các sở ban ngành trong thành phố, tỉnh Nam Định nói chung.
Tham gia buổi lễ có cụ ông Trần Huy Chiến – Trưởng từ đền Trần; ông Nguyễn Đức Bình – Trưởng Ban Quản lý di tích đền Trần, chùa Tháp; UBND tỉnh Nam Định cùng lãnh đạo sở ban ngành trong tỉnh; ông Trần Huy Tài - Chủ tịch phường Lộc Vượng và các bô lão đại diện thôn Tức Mạc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.
Lễ thượng cờ được tổ chức thường niên hàng năm tại đền Trần.
Không giống những ngôi đền khác, đền Trần tấp nập khách tham quan, chiêm bái quanh năm bạn có thể đến đây bất cứ thời điểm nào trong năm đều được. Tuy nhiên thời điểm lý tưởng nhất là vào Lễ khai ấn đền Trần đầu năm và lễ hội đền Trần vào tháng tám. Đây là hai thời điểm đền Trần đông đúc nhất, là nơi quy tụ của khách thập phương khắp cả nước. Đây cũng là thời điểm được mong đợi nhất trong năm đặc biệt là lễ Khai ấn.
Lễ thượng cờ được Ban quản lý khu di tích đền Trần tổ chức thường niên hàng năm với mong cầu đón một mùa xuân mới may mắn, hạnh phúc ấm no và bình an đến cho toàn thể nhân. Do tình hình dịch bệnh nên buổi lễ chỉ có thể được tổ chức trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, các nghi lễ vẫn được chuẩn bị rất chỉn chu và trang nghiêm.
Làm lễ ở giếng Rồng - giếng cổ trong Khu di tích đền Trần.
Theo như những năm về trước, lễ Khai ấn được tổ chức vào rạng sáng ngày 15 tháng giêng hàng năm. Tối ngày 14 diễn ra nghi thức rước hòm ấn từ nội cung đền Cổ Trạch đến đền Thiên Đường. Tại đây, đúng giờ Tý sẽ cử hành nghi thức khai ấn. Tiếp đó khách thập phương sẽ vào đền tế lễ và xin lá ấn.
Xưa kia lễ khai ấn chỉ được bó hẹp trong không gian, phạm vi làng Tức Mặc và dần trở thành lễ hội lớn của Nam Định. Chiếc ấn dùng để đóng ấn trong lễ hội đền Trần hiện nay là “Trần miếu tự điển”, có hình vuông, làm bằng gỗ, được chế tạo dưới thời nhà Nguyễn. Hai mặt Đông và Tây của viền ấn có khắc hình hai con rồng. Mặt Nam của viền ấn có khắc chìm 4 chữ “Tích phúc vô cương”. Bốn chữ “Tích phúc vô cương” có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đó là ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu và bách gia trăm họ phải biết giữ gìn những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, tích phúc, tích đức càng nhiều thì càng được hưởng lộc bền vững.
Người ta quan niệm rằng, nếu dành được ấn thì năm đó làm ăn thuận lợi, xua tan đen đủi, phúc trạch tràn đầy, luôn bình an, khỏe mạnh, thăng quan, tiến chức. Thực chất lễ hội này chỉ mang ý nghĩa tri ân công lao của 14 vị vua nhà Trần.
Lễ hội của đền Trần diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội rất náo nhiệt. Phần lễ bắt đầu với các lễ rước từ đình, đền xung quanh về dâng hương ở đền Thiên Trường. Phần hội bao gồm các hoạt động vui chơi dân gian như: đấu vật, chơi cờ thẻ, múa lân, diễn võ 5 thế, đi cầu kiều, múa bài bông, hát văn.
Trong những năm gần đây, lễ khai ấn cũng như lễ hội tại đền Trần bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, khi mùa lễ hội đến các nghi lễ vẫn được Ban quản lý khu di tích Đền Trần tổ chức rất đầy đủ và tôn nghiêm. Đền Trần là một trong những lễ hội truyền thống lớn, niềm tự hào của mỗi người dân Nam Định khi nhớ về cội nguồn dòng giống của các bậc đế vương và của dân tộc Việt Nam.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.