Di chuyển bằng đầu gối suốt 25 năm, nữ sinh mơ ước trở thành giáo viên
Vừa chào đời, Thủy đã được các cô chú trong làng Hòa Bình (BV Từ Dũ) đón về chăm sóc bởi người mẹ bỏ rơi em. Thủy không giống như những đứa trẻ bình thường khác khi cơ thể của em gặp nhiều khiếm khuyết. Trong ký ức của Thủy, điều em có thể nhớ chính là những lần em bị bạn bè trêu chọc, đem ngoại hình khác lạ của mình ra bàn tán. Và cũng vì, em là đứa trẻ vô thừa nhận, chẳng có cha mẹ.
Ấn tượng đầu tin khi gặp là Thủy rất hay cười, nụ cười của niềm tin, hy vọng và cả những cố gắng không nghỉ
Thủy tâm sự: “Em rất muốn được đi học nhưng ngay ngày đầu tiên vào lớp 1, em bị các bạn kêu không cha không mẹ, đi bằng đầu gối kìa. Lúc đó em không muốn đi học nữa”.
Khoảng thời gian cấp 1, Thủy không thích và rất ghét cha mẹ, vì cha mẹ mà Thủy bị trêu chọc. “Ước gì cha mẹ đừng sinh ra ra em. Lúc đó em chỉ biết trách cha mẹ tại sao sinh ra em rồi để em như vậy, sau này lớn hơn, em mới hiểu ra dù cha mẹ có thế nào đi nữa vẫn là cha mẹ của em, có cha mẹ mới có em của ngày hôm nay. Em không cho phép mình đối xử tệ với cha mẹ"- Thủy nghẹn lời.
Bỏ ngoài tai những lời bàn tán từ bạn bè cùng rất nhiều ánh nhìn không thiện cảm, Thủy dần dần lớn lên trong vòng tay bảo bọc của các cô chú làng Hòa Bình, niềm khát khao được học, được phát triển của bản thân trong em lớn hơn bao giờ hết. Năm cấp 2, Thủy được chuyển vào trường chuyên biệt dành cho người khuyết tật, được gặp gỡ những người có hoàn cảnh giống như mình, Thủy đã dần lấy lại sự tự tin và cố gắng cho ước mơ của mình.
Đôi chân không bình thường khiến Thủy bị bố mẹ bỏ rơi, bạn bè xa lánh
Thủy kể, trước đây em luôn nghĩ em là người thiệt thòi và kém may mắn. Nhưng khi nhận ra được giá trị của bản thân, Thủy thấy mình đặc biệt. Đặc biệt vì em có nét riêng của mình, luôn có một năng lượng tích cực và Thủy cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.
Bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ, tốt nghiệp cấp ba, Thủy đã trúng tuyển vào ngành Giáo dục đặc biệt, trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Cuộc sống của em bước qua một trang mới, nhiều cảm xúc hơn.
Là một cô gái năng động, Thủy dần được mọi người yêu quý và đồng cảm
Đeo chiếc ba lô nhỏ trên người, Thủy thoăn thoắt dùng 2 đầu gối của mình để di chuyển về phía dãy hành lang tự học của ĐH Sư phạm TP.HCM. Suốt 4 năm đại học, cô nữ sinh năm 4, khoa Giáo dục đặc biệt đã đến trường bằng đầu gối và nuôi dưỡng ước mơ cho bản thân mình.
“Ngày bước chân vào giảng đường đại học, không có cha mẹ bên cạnh, chiếc xe lăn là bạn đồng hành cùng em. Thời gian đầu vì di chuyển quá nhiều bằng 2 đầu gối, em bị viêm khớp nặng, sưng tấy khiến em đau lăm!”- Thủy rưng rưng nhớ lại.
Trên chiếc xe đặc biệt của mình, hàng ngày Thủy đến trường với khao khát sẽ trở thành giáo viên có ích
Chỉ vào “đôi giày đặc biệt” của mình, Thủy cho biết ban đầu em toàn dùng đầu gối để di chuyển trên đất nên rất đau. Chính các cô ở làng Hòa Bình đã thiết kế đôi giày dành riêng cho Thủy, em đã bật khóc khi nhận món quà đặc biệt này.
Để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo, Thủy cho biết em ngoài việc học tập trên giảng đường, em cũng tham gia các hoạt động cộng đồng, bắt đầu xin việc ở các trung tâm, dạy thêm cho trẻ đặc biệt.
Thủy trong khuôn viên trường Đại học
Nhắc về cha mẹ, Thủy không giấu nổi cảm xúc, em mong muốn tìm lại cha mẹ, được âu yếm và sống trong tình yêu thương gia đình. Thủy nhắn nhủ “Con chỉ muốn nói với cha mẹ là, con yêu cha mẹ rất là nhiều, dù cha mẹ đang ở đâu, con chỉ mong cha mẹ giữ sức khỏe và hãy chờ con, con sẽ đi tìm cha mẹ".
Hy vọng một ngày không xa, những ước mơ của cô gái khiếm khuyết ấy sẽ thành hiện thực. Thủy sẽ trở thành người giáo viên yêu thương học sinh, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, giúp ích cho cộng đồng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.