Đi lễ chùa Thầy cẩn trọng kẻo mất tiền oan
Vào vai du khách đi lễ dịp đầu năm mới, PV đi theo Đại lộ Thăng Long khoảng 20 km tính từ trung tâm Hà Nội để đến được chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai). Mặc dù vào đúng ngày Rằm tháng Giêng, nhưng lượng khách thập phương đến chùa Thầy khá thưa thớt, không giống như thường lệ.
Gần chục chiếc bàn hướng dẫn kiểu này được bày ra hai dãy nhà mới ngay khi bước vào đền Trình. Đây là nơi để những người làm dịch vụ “ép lễ” du khách mới đến chùa Thầy lần đầu.
Vừa lấy vé gửi xe xong, đã có một người đàn ông ngoài 40 tuổi theo sát PV từ cửa vào khu di tích chùa Thầy. Khi vào đến đền Trình, người đàn ông này liên tiếp chào mời PV: “Vào đây, tôi hướng dẫn đường đi nước bước cho không thì không biết đường nào mà đi. Yên tâm, toàn người nhà chùa cả không mất tiền đâu mà sợ”.
Bước vào dãy nhà mới được xây dựng ngay sau cổng đền Trình là khoảng bốn chiếc bàn đã được bày biện sẵn đồ lễ cùng bản đồ khu di tích chùa Thầy y hệt nhau, treo trên tường. Người đàn ông nhanh chóng mời PV ngồi xuống ghế và đọc vanh vách về tiểu sử, ý nghĩa cũng như những địa điểm nổi tiếng nằm trong chùa Thầy…
Mặc dù khu di tích rất rộng và phần lớn nằm trên núi cao và hang sâu, nhưng phần mô tả của người đàn ông này chỉ hết có… năm phút. Ngay sau đó, ông ta nhanh nhẹn đi vào “phần chính” khi quảng cáo giá tiền của mỗi lễ để dâng đền Trình kèm với lời khẳng định chắc nịch: “Đến đây rồi mà không sắp lễ thì phải tội mất”.
Mỗi gói chè lam giá 25.000đ, cành lộc vàng giá 10.000đ, lễ tiền vàng giá 5.000đ… hẳn khiến nhiều khách thập phương thấy ưng ý mà chấp nhận để cho người đàn ông này nhanh chóng thu sắp lễ dâng lên đền Trình. Còn nếu ai đã mang theo lễ từ nhà đi, người đàn ông này vẫn dùng mọi cách để mời họ mua đồ của mình.
Nhưng đây cũng là lúc mà du khách “sập bẫy” của ông ta. Rất nhanh nhẹn vì đã quá thạo việc, người đàn ông này sắp ra một lễ gồm có: ba hộp chè lam, ba cành lộc vàng, ba lễ tiền vàng cục, một thỏi vàng giả có giá 140.000đ. Mỗi lễ đi kèm với mỗi người khách đến lễ chùa Thầy và khi tỏ vẻ không chấp thuận, khách hàng cũng không được phép trả lại đồ vì đã chót “dâng lên ban Thánh rồi”.
Nhiều du khách đã bị “hớ” vì mẹo của những người làm dịch vụ sắp đồ lễ.
Theo quan sát của PV, mặc dù buổi sáng ngày Rằm tháng Giêng khá vắng vẻ, nhưng những người làm dịch vụ kiểu này cũng làm cho bốn, năm đoàn khách bị “hớ” mà không thể làm gì được. Đoàn của anh Quang (Sơn Tây, Hà Nội) gồm năm người, mới đến thăm chùa Thầy lần đầu, đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ khi chót nhẹ dạ cả tin mất đền gần cả triệu đồng cho những đồ lễ “bình dân”. “Mình cũng ậm ừ cho xong chuyện vì nghĩ mấy thứ đồ lễ này cũng không đáng là bao. Nhưng khi vào trong đền rồi mới ngớ người ra thì cũng không kịp nữa, bởi chẳng lẽ lại cự cãi ở nơi linh thiêng thế này”, anh Quang tỏ vẻ không hài lòng.
Còn về trường hợp của gia đình chị Nhung (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), mặc dù đã thẳng thừng từ chối nghe chuyện của những người làm dịch vụ, vì “nghe nhiều rồi không cần nữa”, nhưng vẫn phải mua lấy một lễ.
Khi PV đem chuyện này nói lại với Ban Tôn tạo di tích danh thắng chùa Thầy thì cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của các cụ lớn tuổi. Theo họ, những người này đã làm dịch vụ từ lâu tại chùa và du khách nên cẩn trọng hỏi kĩ càng giá cả xong mới mua hàng để tránh bị lừa.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.