Đình làng Lũ Phong, nơi một trong những chi bộ Đảng thành lập rất sớm
Nơi đây, Chi bộ Lũ Phong là tổ chức Đảng ra đời đầu tiên ở huyện Quảng Trạch và là một trong ba chi bộ đầu tiên ở các huyện Bắc Quảng Bình. Lúc này, chi bộ có 6 đảng viên gồm: Nguyễn Kim Tiều, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Quang Vĩ, Nguyễn Ngọc Trản, Lê Nguyên Phong và Trần Tình. Đây là sự kiện quan trọng, không những có ý nghĩa lịch sử đối với quần chúng nhân dân ở Lũ Phong mà còn tác động hết sức to lớn đến phong trào cách mạng trong khu vực. Sau hơn 91 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Chi bộ Lũ Phong, nay là Đảng bộ phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn ngày nay đã lớn mạnh, phát huy có hiệu quả truyền thống cách mạng, anh hùng để xây dựng bộ mặt quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đình làng Lũ Phong, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, là Chi bộ Đảng Lũ Phong là tổ chức Đảng ra đời đầu tiên
Đồng chí Nguyễn Kim Tiều được cử làm Bí thư chi bộ. Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã đề ra nhiệm vụ trước mắt là lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi chia lại ruộng đất của nông dân làng Lũ Phong. Thông qua đấu tranh nhằm phát triển và củng cố các hội quần chúng, tiếp tục tuyên truyền giác ngộ quần chúng và phát triển tổ chức Đảng về mọi mặt.
Theo đó, chi bộ đã trực tiếp lãnh đạo, tổ chức cuộc đấu tranh của nông dân làng Lũ Phong chống tệ cấy trước ruộng đất tốt cho kỳ hào, lý trưởng. Chi bộ đề ra khẩu hiệu “Chia đều ruộng đất cho nông dân” và nêu lên nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh để phá bỏ lệ “phụ thu, lạm bổ”, đấu tranh để phá bỏ việc cúng tế bằng “xôi bò” và tệ nạn đồi phong bại tục, mê tín dị đoan ma chay tốn kém, mua danh bán tước...
Từ đây, phong trào cách mạng ở Quảng Phong đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và thực tế đã chứng minh điều đó sau các đợt tập hợp lực lượng đấu tranh. Trước sự vận động khôn khéo, khoa học và với lý lẽ sắc bén của cán bộ, đảng viên; trước sức mạnh của quần chúng nhân dân và hệ thống chính quyền địa phương, phủ Quảng Trạch đã từng bước chấp nhận sự thất bại của mình trong việc phá bỏ lệ “Phì điền tiên cấp”, bọn hào lý không còn ngang nhiên và tùy tiện như trước đây nữa.
Đây là thắng lợi đầu tiên của tổ chức Đảng thôn Lũ Phong trong lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh. Mới nhìn vào tưởng chừng đây là một thắng lợi kinh tế bình thường, nhưng thực chất đây là thắng lợi lớn của Đảng đã dần chuyển hướng các cuộc đấu tranh từ mục tiêu kinh tế sang mục tiêu chính trị, bước đầu đã khẳng định vai trò và uy tín của Đảng đối với quần chúng nhân dân. Các đồng chí đảng viên Nguyễn Kim Tiều, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Quang Vĩ, Nguyễn Ngọc Trản... đã trở thành những người con ưu tú của quê hương, mở đầu cho những trang sử cách mạng chói lọi của con người và mảnh đất Quảng Phong.
Sau những thắng lợi của cuộc đấu tranh đòi chia lại công điền, công thổ do Chi bộ Lũ Phong lãnh đạo, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến đã nhận thấy sự nguy hiểm của những hạt giống đỏ tại mảnh đất Lũ Phong sát ngay nách của phủ Quảng Trạch. Bộ máy thực dân phong kiến tăng cường sự đàn áp, theo dõi mọi hoạt động của Chi bộ Lũ Phong.
Năm 1934, các đảng viên của Chi bộ Lũ Phong lần lượt bị thực dân Pháp bắt giam hoặc phải rút vào hoạt động bí mật ở những nơi khác, trong làng không còn chi bộ Đảng. Đến tháng 10 năm 1935, Chi bộ Lũ Phong được tái lập do đồng chí Nguyễn Ngọc Trản làm bí thư. Đầu năm 1936, chi bộ hoàn toàn mất liên lạc với tổ chức Đảng cấp trên, nhưng vai trò của các đảng viên trong chi bộ vẫn được phát huy. Các đảng viên Nguyễn Ngọc Trản, Nguyễn Văn Huyên đã mở rộng hoạt động ra các vùng xung quanh, đóng góp quan trọng vào xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong huyện.
Từ 1 chi bộ năm 1933, đến năm 1939 Quảng Trạch đã có 5 chi bộ là nền tảng để thành lập Phủ ủy lâm thời Quảng Trạch vào tháng 6 năm 1942. Ở thời điểm này, phong trào cách mạng trên toàn huyện Quảng Trạch phát triển một cách mạnh mẽ, tiến tới lật đổ chính quyền thực dân phong kiến. Tại Lũ Phong lúc này, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng, các hoạt động xây dựng và đấu tranh của mặt trận Việt Minh không ngừng được đẩy mạnh.
Năm 1945, quán triệt chỉ thị “Nhật -Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Nhật đầu hàng đồng minh, thời cơ khởi nghĩa đã đến, Đình Lũ Phong vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị cốt cán toàn huyện để thành lập ban khởi nghĩa của phủ và là một trong ba địa điểm tập hợp lực lượng chính. Ngày 23-8-1945, các điểm tập kết lực lượng nhất loạt tiến quân về phủ Quảng Trạch cướp chính quyền, lập nên chính quyền cách mạng.
Quảng Phong là một căn cứ cách mạng vững chắc, là một trong ít nơi vừa có vị trí chiến lược vừa có lực lượng quần chúng nhân dân đã được giác ngộ cách mạng cao trên địa bàn toàn huyện Quảng Trạch lúc bấy giờ. Năm 1947, Quảng Phong nằm trong vùng tạm chiến của thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, phải gánh chịu nhiều hy sinh mất mát, sự dã man của kẻ thù nhưng dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, người dân Quảng Phong vẫn đẩy mạnh phong trào kháng chiến, biến đau thương thành hành động cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, đánh thắng hoàn toàn thực dân Pháp xâm lược.
Hòa bình lập lại, hưởng ứng công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế -xã hội, tháng 1-1956, xã Quảng Phong được thành lập. Lúc này chi bộ Đảng và nhân dân xã nhà tập trung vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, khôi phục kinh tế, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
Đình làng Lũ Phong, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn
Trải qua hơn 91 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, kể từ khi chi bộ Lũ Phong ra đời cho đến nay Đảng bộ phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn đã phát triển toàn diện về các mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức. Đảng bộ và nhân dân phường Quảng Phong đã vận dụng một cách sáng tạo, đúng đắn các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ thị xã Ba Đồn vào điều kiện thực tế của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, đưa bộ mặt quê hương ngày càng khởi sắc.
Tin tưởng rằng, với một tổ chức Đảng có truyền thống, bề dày lịch sử hơn 91 năm và hiện tại là một cơ sở Đảng nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh, Đảng bộ và nhân dân phường Quảng Phong sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn cách mạng mới, đó là xây dựng quê hương phường Quảng Phong anh hùng vững bước tiến tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, xứng đáng là một trong những chiếc nôi cách mạng phía Bắc của tỉnh Quảng Bình.
Đình làng Quảng Phong được xây dựng vào năm 1542, thờ 5 vị thánh Thành hoàng có công khai khẩn, lập làng qua các thời kỳ. Năm 1962, đình Lũ Phong (Quảng Phong) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Đình làng Lũ Phong, phường Quảng Phong được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia
Ngày nay, để tưởng nhớ công lao của ông, cha và cầu cho làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, bình an. Cứ hàng năm, nhân dân phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn tổ chức lễ hội đình làng Lũ Phong. Lễ hội đình làng Lũ Phong mỗi năm được tổ chức 3 lần vào các ngày 18/1; 18/6; 18/1 Âm lịch. Tuy nhiên, ngày 18/1 hàng năm Lễ hội đình làng Lũ Phong là chính hội. Đình làng Lũ Phong là nơi tưởng nhớ công ơn Thành Hoàng Làng (những vị quan, tướng đầu tiên về khai khẩn sinh sống tại đây), đặc biệt hơn đình làng cũng ghi dấu ấn lịch sử Chi bộ đầu tiên được thành lập của huyện Quảng Trạch và phía Bắc Quảng Bình (10/1993).
Tưng bừng Lễ hội Đình làng Lũ Phong
Việc chuẩn bị cho lễ hội đình làng Lũ Phong được thực hiện rất công phu. Chiều ngày 17 tháng Giêng, người dân của 10 tổ dân phố của phường Quảng Phong đều bận rộn, chuẩn bị các mâm cỗ để cúng lễ cho sáng ngày hôm sau. Trong mâm cỗ cúng ngày lễ được chia làm hai loại: loại mâm cỗ thứ nhất gồm có hoa quả, vàng mã, hương, rượu,…; loại mâm cỗ thứ hai gồm xôi thịt. Lễ hội đình làng Lũ Phong được tổ chức từ 9 giờ sáng ngày 18 tháng Giêng khi các mâm cỗ của 10 tổ dân phố trong phường đã được trưng bày đầy đủ tại đình Lũ Phong.
Các cụ cao niên thực hiện nghi thức lễ tế
Các nghi lễ cúng do các bậc cụ lão lớn tuổi trong phường thực hiện. Qúa trình hình thành, phát triển của đình làng Lũ Phong, các truyền thống ông cha sẽ được đọc lại trong buổi lễ, nhằm giáo dục cho các thế hệ sau nhớ về cội nguồn. Đồng thời lễ hội Lũ Phong cũng nêu lên những thành tích mà phường Quảng Phong đã đạt được trong năm trước, cầu mong cho năm mới mọi điều thuận lợi, hướng thiện, cầu bình an, mọi người dân sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Kết thúc lễ hội người dân lần lượt vào đình thắp hương, cũng trong ngày diễn lễ hội các trò chơi dân gian như kéo co, thi hát sẽ được tổ chức tại các hội quán của từng tổ dân phố, từng khu xóm. Lễ hội đình làng Lũ Phong là dịp để bà con đi làm ăn xa quê có thể tề tựu, gặp mặt nhau, ghi nhớ công ơn, truyền thống hào hùng của dân tộc, quê hương và là dịp để con em phường Quảng Phong thắp một nén tâm nhang, hướng về tổ tiên, cội nguồn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.