Doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn
Chính sách tiền tệ xoay chuyển
Chính sách tiền tệ được xoay chuyển từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang trạng thái “linh hoạt, nới lỏng”, tức vừa bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ không phải “chìa khóa vạn năng” để gỡ khó cho doanh nghiệp.
Sản xuất bao bì ở nhà máy bao bì An Giang. Ảnh Trọng Triết
Đáng chú ý, ngày 15/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2%), nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. Trước đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã 4 lần giảm từ 0,5-2% cho các mức lãi suất điều hành, từ đó đưa mức lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7-0,8%, lãi suất cho vay bình quân giảm từ 1-1,2% so với hồi cuối năm 2022. Vừa qua, NHNN cũng đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.
Với con số này, Công ty Chứng khoán Maybank IB (MSVN) ước tính, theo chỉ tiêu mới, quy mô tín dụng có thể giải ngân trong nửa cuối năm 2023 bình quân khoảng 180.000 tỷ đồng mỗi tháng, cao hơn so với con số 122.000 tỷ đồng nếu tính theo chỉ tiêu tăng trưởng 11% công bố trước đó. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn kỳ vọng NHNN sẽ còn ít nhất một đợt giảm lãi suất điều hành nữa từ nay đến cuối năm để hỗ trợ nền kinh tế.
Với những động thái này là rất kịp thời, “bắt đúng mạch và kê đơn đúng thuốc”, đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh và phù hợp với thực tiễn. Bởi lẽ, cả trong năm 2022, dòng vốn đối với doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có dòng vốn từ trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó đến bây giờ, hàng loạt khó khăn lại dồn dập đổ lên các doanh nghiệp từ thị trường thế giới, đó là đơn hàng giảm, nhiều hoạt động kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, vay vốn ngân hàng thì lãi suất rất cao…
Vốn ngân hàng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nền kinh tế. Ảnh Trọng Triết
Hiện cung tiền (M2) của cả nước mới tăng 2,7%, thấp hơn so với mức 3,8% cùng kỳ năm trước và thấp hơn rất nhiều mức 7% của năm 2019. Vòng quay tiền 6 tháng đầu năm của Việt Nam cũng chỉ đạt 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. Cùng với đó, tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng mới tăng 4,73%, trong khi mục tiêu cho cả năm được đề ra là 14-15%. Như vậy, dù đã hết nửa năm nhưng tín dụng mới chỉ đi được chưa đến 1/4 chặng đường, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu.
Từ thực tế này cho thấy, chính sách tiền tệ không phải “chìa khóa vạn năng” để giải quyết bài toán khó khăn của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Thậm chí, sẽ là rủi ro lớn nhất nếu quá dựa vào chính sách tiền tệ trong bối cảnh tổng cầu đang suy giảm, bởi sẽ làm chất lượng tài sản của hệ thống tài chính tiền tệ kém đi, đồng thời có thể lan truyền đến khu vực kinh tế thực, gây ra rủi ro về lạm phát. Muốn đa mục tiêu thì phải đa công cụ, nên chính sách tiền tệ dù quan trọng nhưng không phải là tất cả. Trong bối cảnh như vậy, việc phối hợp chính sách đã tiếp tục được nhấn mạnh từ những khuyến nghị của các chuyên gia cho đến chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Quốc hội. Phục hồi kinh tế cần kết hợp với nhiều chính sách như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đẩy mạnh đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu…
Thực tế cho thấy, việc lựa chọn, sử dụng công cụ nào nhiều hơn còn phụ thuộc vào từng thời điểm. Chẳng hạn ở thời điểm xây dựng Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội: Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội vào cuối năm 2021, gần như các hoạt động kinh tế xã hội ngừng trệ. Nên chính sách tiền tệ trong bối cảnh đó phát huy hiệu quả rất thấp, do vậy, chính sách tiền tệ thắt chặt và chính sách tài khóa nới lỏng là phù hợp. Còn trong giai đoạn hiện nay, sản xuất, kinh doanh đã phần nào phục hồi nhưng có thể thay đổi trạng thái và những khó khăn của doanh nghiệp về vốn, về dòng tiền là rất rõ, nên phải nới lỏng linh hoạt tiền tệ.
Ngoài ra, không ít doanh nghiệp đã nhấn mạnh, vấn đề quan trọng còn là sự hấp thụ khi phối hợp chính sách tiền tệ với các chính sách khác. Sự phối hợp chính sách còn phải tính đến việc khơi thông rào cản, đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính. Chính sách tiền tệ phải chú ý về “liều lượng” khi nới lỏng trước những tác động từ bối cảnh khi phải kiểm soát lạm phát, điều hành tỷ giá, an toàn hệ thống… Hơn nữa, linh hoạt, nới lỏng tiền tệ chứ không hạ chuẩn, phải kiểm soát không thể để dòng tiền “dễ dãi” chảy vào những lĩnh vực rủi ro.
Từ nay đến cuối năm, do yếu tố mùa vụ và kinh tế bớt những tiêu cực, lượng cung tiền được dự báo mạnh hơn, vòng quay tiền sẽ nhanh hơn. Câu chuyện lạm phát tại Việt Nam được nhận định là “yên tâm”, nên việc sử dụng các chính sách để phục hồi và kích thích tăng trưởng sẽ có thuận lợi. Hiện dòng vốn vẫn đang được cố gắng “bơm” ra nền kinh tế qua các gói tín dụng ưu đãi, cùng với đó là các chính sách về giảm thuế, phí đã được ban hành. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn độ trễ của chính sách để những hỗ trợ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần có những chuyển đổi, tái cơ cấu, tìm kiếm thị trường… để những hỗ trợ đạt hiệu quả và đi đúng hướng.
Agribank giảm lãi suất cho vay. Ảnh Trọng Triết
Doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn, nên đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách hỗ trợ khác.
Hiện nay chuẩn tín dụng rất cao khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn. Theo khảo sát nhanh của Hiệp hội vào tháng 6/2023 thì có tới hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết đang thiếu vốn và khó tiếp cận vốn. Vì thế, việc NHNN nới chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng, vận động ngân hàng giảm lãi suất là tín hiệu rất tích cực, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ quan tâm nhiều hơn đến các điều kiện vay vốn.
Hiện nay trên thị trường có 3 nhóm doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng, đó là:
Thứ nhất, là nhóm các doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện tổ chức tín dụng đưa ra, đây là nhóm có tỷ lệ rất cao. Nên họ sẽ quan tâm nhiều hơn tới điều kiện được vay vốn, rồi mới tới chuyện giảm lãi suất.
Thứ hai, là nhóm các doanh nghiệp vay vốn bằng phương án sản xuất kinh doanh, nhưng phía ngân hàng thương mại rất ít có khả năng đánh giá một phương án kinh doanh nào đó là khả thi hay không khả thi, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang chịu nhiều biến động khó lường. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại gặp thách thức về khả năng minh bạch dòng tiền, đa phần không có hệ thống tài chính, chuẩn mực kế toán theo quy định… nên cũng khó tiếp cận vốn.
Thứ ba, là khi đàm phán đánh giá tài sản, ngân hàng luôn ở thế thượng phong, khiến giá trị tài sản đảm bảo luôn bị đánh giá thấp hơn so với thực tế, trong khi ngân hàng chỉ cho vay khoảng 70% giá trị tài sản được định giá. Do đó, để tiếp cận vốn vay, nhóm doanh nghiệp này cần được nới thêm tỷ lệ cho vay.
Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào kênh ngân hàng thì sẽ làm khó cho cả phía ngân hàng và doanh nghiệp, bởi các TCTD ngoài trách nhiệm cung ứng tiền cho nền kinh tế, còn phải đảm bảo an ninh tiền tệ, bảo toàn nguồn vốn và kinh doanh có lãi vì họ cũng là doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần huy động vốn từ các quỹ hỗ trợ, quỹ tín dụng ở địa phương… đồng thời các cơ quan chức năng cần khuyến khích các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, để đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Các quỹ này sẽ phù hợp với năng lực cũng như điều kiện của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện Chính phủ đã chỉ đạo linh hoạt, nới lỏng chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa, đây là động thái chỉ đạo mang tính chiến lược, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi. Hiện bên cạnh việc khó tiếp cận vốn, kinh tế khó khăn còn dẫn đến việc các doanh nghiệp khó hấp thụ vốn. Nên vấn đề quan trọng hiện nay là cần nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Khi đó thì việc giảm lãi suất hay nới chỉ tiêu tín dụng của các ngân hàng mới phát huy hiệu quả thực sự trong việc giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Để làm được điều này, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách hỗ trợ khác. Trong đó, chính sách tài khóa cần thực hiện hiệu quả về giảm thuế, phí cho doanh nghiệp và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo hiệu ứng lan tỏa. Cùng với đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao giá trị, nâng cao kỹ năng quản trị điều hành, hiệu quả hoạt động kinh doanh… để vừa tăng sức chống chịu, vừa tăng khả năng tiếp cận vốn./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.