Doanh nhân khuyết tật kinh doanh vải vụn, tạo kế sinh nhai cho người cùng cảnh
Anh Lê Việt Cường (sinh năm 1976), quê Phú Thọ, là một người khuyết tật bị liệt nửa người bên trái gây ra do dịch sốt bại liệt từ khi còn nhỏ. Trải qua 10 cuộc phẫu thuật trong vòng 8 năm để 2 chân bằng nhau, anh mới có thể đi được giày dép.
(Ảnh: Lao động thủ đô)
Năm 1998, sau khi tốt nghiệp đại học, về công tác tại Viện Châm cứu trung ương, anh Lê Việt Cường tiếp xúc với nhiều người khuyết tật đến điều trị. Quá trình làm việc tại đây giúp anh Cường nhận thấy, điều trị bằng y học giúp người khuyết tật phục hồi chức năng, kích thích sự sáng tạo, nhưng khi chưa có việc làm, thu nhập để làm chủ cuộc sống, thì họ vẫn thiếu tự tin để hòa nhập xã hội. Từ đó, anh Cường nung nấu ý tưởng tạo việc làm cho người khuyết tật.
Năm 2013, anh Cường và một số người khuyết tật cùng chí hướng thành lập Công ty Kym Việt, chuyên sản xuất thú nhồi bông, tạo việc làm cho hàng chục lao động khuyết tật. Từ thành công của Kym Việt, anh Cường mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Vụn Art, làm tranh bằng vải vụn.
(Ảnh: Lao động thủ đô)
Để có nguồn nhân lực phù hợp, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường tổ chức các lớp dạy nghề cho người khuyết tật, rồi nhận họ vào làm việc. Sau 5 năm đi vào hoạt động, Vụn Art đã tạo việc làm, mang đến cơ hội hòa nhập cho hơn 20 lao động.
Tại đây, tùy vào nhận thức, khả năng của mình, từng học viên sẽ được dạy làm những công việc phù hợp như tạo mẫu tranh, cắt các chi tiết nhỏ rồi ghép... Sau khi làm được nghề, các học viên được nhận vào làm việc tại Hợp tác xã.
Nguyên liệu làm là những mảnh vải vụn bỏ đi của các nhà may tại làng lụa Vạn Phúc. Tận dụng các mảnh vải vụn này, bằng sự khéo léo, cần cù, sáng tạo, những người thợ khuyết tật tạo nên những bức tranh nghệ thuật mang đậm văn hóa, bản sắc dân tộc.
(Ảnh: Lao động thủ đô)
Năm 2019, Vụn được Unesco đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững, vừa sáng tạo về văn hoá, phát triển sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc, vừa bền vững về việc làm cho nhóm yếu thế. Vụn cũng vượt qua các kiểm định khắt khe để đã đạt chứng chỉ OCOP 4 sao (chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và ý tưởng, chỉ thiếu khâu đóng gói (packing) để đạt 5 sao.
(Ảnh: Lao động thủ đô)
Do Covid19, các doanh nghiệp chuyển sang làm việc online và không còn nhu cầu mua hàng, Vụn Art chật vật trụ được trong năm 2020, nhưng đến năm ngoái, dòng tiền cạn sạch mặc dù chi phí cố định hàng tháng vẫn lên đến 150 triệu đồng/tháng.
Đến nay khi tình hình dịch bệnh đã dần ổn định, ngoài việc quyết tâm nghiên cứu để cơ cấu lại mô hình kinh doanh của mình, tính toán lại thu-chi, anh Cường cũng bày tỏ mong muốn có nhiều chính sách tốt hơn để vực dậy các công ty siêu nhỏ như Vụn Art có thể tiếp tục được hoạt động, những nhân viên lại có cơ hội được nâng cao tay nghề và tiếp tục được cống hiến cho xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.