Độc đáo lễ hội Tống Phong ở miệt sông nước miền Tây
Dịp rằm tháng Giêng hằng năm, tại khu vực Xóm Chài (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) đã diễn ra lễ hội Tống Phong, hay còn gọi là Tống Ôn, Tống Gió, Tống Tà ma.
Lễ hội mang ý nghĩa “tống khứ” tà ma, dịch bệnh, xui rủi, hoạn nạn của năm cũ, cầu chúc một năm mới ăn nên làm ra, mọi sự thuận hòa, thịnh vượng.
Từ thuở khai hoang lập ấp, vùng đất Nam Bộ còn rất hoang sơ, đầm lầy, môi trường khắc nghiệt, phát sinh nhiều dịch bệnh gây hại cho con người. Người Nam Bộ xưa tin rằng dịch bệnh là do ma quỷ, người âm làm ra. Thấy vậy, người dân mới tổ chức lễ hội Tống Ôn cầu mong gia đình, làng xóm được bình an.
Tống Ôn nghĩa là tống tiễn, xua đuổi những ôn dịch, tà khí gây dịch bệnh, gây hại cho con người. Lễ hội này đã trở thành chỗ dựa tâm linh của người dân. Họ tin tưởng rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, có cúng kiếng sẽ tống khứ đi hết những điều xui rủi và được bình an.
Tại TP Cần Thơ, hằng năm từ ngày 12-14 tháng Giêng, nhiều ngôi miếu trên địa bàn TP Cần Thơ tổ chức lễ hội Tống Phong – Tống Ôn. Một trong những nơi tổ chức quy mô nhất là Miếu Bà Xóm Chài (phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Lễ hội thu hút hàng trăm ghe, tàu, thuyền lớn nhỏ đi sau tàu chở bè tống ôn di chuyển quanh khu vực sông Cần Thơ diễu hành hơn 2 giờ rồi mới di chuyển ra giữa sông Hậu làm lễ hạ bè tống ôn.
Lễ hội này được tổ chức quy mô và đều đặn ở xóm Chài là vì nơi đây có nhiều người mưu sinh bằng nghề chài lưới, từ cả trăm năm trước. Vào những năm 50 của thế kỷ XX, xóm Chài vẫn còn nghề đánh bắt cá cháy, một loại cá đặc sản quý của vùng sông nước Hậu Giang”. Bên cạnh nghề chài lưới, cư dân ở khu vực này còn sống bằng nghề liên quan đến sông nước: giăng câu, thả lưới, thợ lặn…
Nghi thức của lễ hội gồm có: Lễ Cầu an, cúng Bà, cúng Thổ thần và người khuất mặt, thả bè ra sông lớn để xua đuổi tà ma và cầu an cho xóm làng.
Bà Nguyễn Thị Năm (70 tuổi) chia sẻ, những ngày lễ hội bà chuẩn bị mâm cúng kỹ càng để cầu bình an, may mắn. Vào ngày lễ chính, không khí Xóm Chài nhộn nhịp, sôi động, từ trẻ nhỏ đến người già, thanh thiếu niên tham gia ngày lễ trên sông vô cùng náo nhiệt.
“Từ những ngày trước lễ, bà con nơi đây đã chuẩn bị đầy đủ mâm cúng, đồ ăn, thức uống để cùng gia đình kéo nhau ra giữa sông Hậu tham gia lễ hội, vui đùa, nhảy múa, ca hát trên sông nhộn nhịp cả một đoạn sông dài, vui lắm. Năm nào, người dân cũng háo hức, trông ngóng đến lễ hội cầu may”, bà Năm vui mừng.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực sông Cần Thơ, cả trăm ghe, tàu, thuyền lớn nhỏ đi sau tàu chở bè tống phong diễu hành vòng quanh trên sông khoảng hơn một giờ đồng hồ, rồi sau đó di chuyển ra giữa sông Hậu làm lễ hạ bè tống phong.
Trên các ghe, tàu, thuyền, có rất đông người dân tham gia hò reo, hưởng ứng các hoạt động độc đáo của lễ hội, nào là té nước,…
Sau khi hạ bè, người dân múc nước tạt vào nhau, gọi là té nước đầu năm, lấy nước rửa tay, chân, mặt như để lấy lộc cầu may và cầu cho mưa thuận gió hòa trong năm mới.
Thanh niên trai tráng nhảy xuống sông tắm và đùa vui huyên náo, mang ý nghĩa tống tiễn những xui rủi, bệnh tật ra sông, ra biển…
Với những hoạt động nổi bật này, lễ Tống phong đã trở thành ngày hội độc đáo trên sông nước Cần Thơ.
Ông Trần Văn Lộc (63 tuổi, Trưởng Ban Tế tự Miếu Bà Xóm Chài) cho biết, từ năm 6 tuổi ông đã được biết đến lễ hội này và tham gia đều đặn mỗi năm, đây là lễ hội truyền thống xa xưa của dân chài lưới, với mong muốn cầu an cho dân làm ăn may mắn, “xuôi chèo mát mái”.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 12 – 14 tháng Giêng, với nhiều hoạt động bao gồm chuẩn bị thuyền, bè, cúng heo, gà,… Trong đó, phần quan trọng nhất là lễ Tống phong diễn ra trong ngày 14 tháng Giêng, mang ý nghĩa xua đuổi xui rủi, tà khí và bệnh tật.
Theo ông Lộc, xưa nay, người dân ở xóm chài này dù đi đâu, ở đâu nhưng cứ tới ngày này lại háo hức về quê để tham gia lễ hội. Không chỉ thế, dần dần nhiều đơn vị du lịch cũng đã tạo các tour để du khách tham gia cùng với đoàn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.