Gặp mặt truyền thống cựu chiến binh Hải quân tỉnh Nam Định
Đại diện Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng Hội truyền thống Hải quân tỉnh Nam Định lẵng hoa tươi thắm - Ảnh: Hồ Thanh
Ngày 3-5, tại Nhà Văn hóa trung tâm huyện Hải Hậu, Ban liên lạc CCB Hải quân tỉnh Nam Định (nay là Hội truyền thống Hải quân tỉnh Nam Định) đã tổ chức gặp mặt truyền thống kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2025), 50 năm ngày giải phóng Trường Sa - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), 25 năm ngày thành lập Ban liên lạc CCB Hải quân tỉnh Nam Định và 16 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về tuyên truyền biển đảo.
Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 Hải quân, Trưởng Ban liên lạc CCB Hải quân tỉnh Nam Định; đại diện Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân, lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc; đại diện cơ quan Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định, đại diện Hội CCB tỉnh Nam Định, đại diện lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường; đại diện các doanh nghiệp CCB, hội truyền thống cùng đông đảo cán bộ, hội viên Ban liên lạc Hội CCB Hải quân tỉnh Nam Định.
Các đại biểu về dự gặp mặt truyền thống CCB Hải quân tỉnh Nam Định - Ảnh: Hồ Thanh
Tại buổi gặp mặt, trong không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống 70 năm của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng. Ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng đã ra Nghị định số 284/NĐ-A về việc thành lập Cục Phòng thủ bờ bể. Ban đầu chỉ gồm 2 đơn vị là Trường Huấn luyện bờ bể và Xưởng 46 với 141 cán bộ, chiến sĩ; tiếp đó là 2 thủy đội Sông Lô, Bạch Đằng. Đây là những cơ quan, đơn vị giúp Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ, sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân, xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển. Từ đó ngày 7-5-1955 trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Đại diện con em quê hương tỉnh Nam Định công tác tại cơ quan Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tặng hoa, chúc mừng Hội truyền thống Hải quân tỉnh Nam Định - Ảnh: Hồ Thanh
Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh, hàng chục nghìn thương binh đã để lại một phần xương máu của mình trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Quân chủng Hải quân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND, tặng thưởng 2 Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Độc Lập, 3 Huân chương Quân công, 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 1 Huân chương Lao động cùng nhiều phần thưởng cao quý khác; 82 lượt tập thể và 58 cá nhân đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động…
Đặc công Trung đoàn 126 Hải quân giải phóng đảo Song Tử Tây ngày 14/4/1975 - Ảnh: Tư liệu.
Kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam là một sự kiện trọng đại đối với bộ đội Hải quân nói chung và cán bộ, hội viên Ban liên lạc CCB Hải quân tỉnh Nam Định nói riêng. Tự hào phát huy truyền thống vẻ vang, Ban liên lạc CCB Hải quân tỉnh Nam Định đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm hào hùng, không thể nào quên khi giải phóng Trường Sa cách đây 50 năm. Đồng thời đánh giá kết quả hoạt động trong 25 năm vừa qua của Ban liên lạc CCB Hải quân tỉnh Nam Định và 16 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về tuyên truyền biển đảo.
Tại buổi gặp mặt, CCB Trần Đăng Ninh, quê xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nguyên chiến sĩ Phân đội 1, Đội 1, Trung đoàn 126 Hải quân (nay là Lữ đoàn đặc công Hải quân 126), hội viên Câu lạc bộ CCB Hải quân thành phố Nam Định cho biết: Cách đây 50 năm, ở tuổi 20, tôi vinh dự cùng đồng đội tham gia giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là một ký ức hào hùng, đáng tự hào nhất, có ý nghĩa lớn nhất trong cuộc đời tôi. Những CCB từng tham gia giải phóng Trường Sa năm xưa đã nói với nhau rằng: “Chúng ta đã dựng cột buồm, đè sóng lớn đi đánh giặc”.
Văn nghệ chào mừng - Ảnh: Hồ Thanh
Tại buổi gặp mặt truyền thống, nhiều cán bộ, hội viên CCB Hải quân của tỉnh Nam Định đã được trao tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Nhân dịp này, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 Hải quân, Trưởng Ban liên lạc CCB Hải quân tỉnh Nam Định đã giới thiệu và trao tặng các đại biểu khách mời cùng các cán bộ, hội viên sách viết về biển đảo.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.