Giá thủy, hải sản miền Trung tăng theo mùa nắng nóng
Giá bán tăng đột biến
So với chợ Quảng Ngãi, giá bán các loại thủy, hải sản tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở biển Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức) cao hơn 50.000 -100.000 đồng/kg. Theo chủ quán Kiều Diệu, nguyên nhân giá thủy, hải sản tăng là do nguồn cung khan hiếm. Nhất là các loại cá được người tiêu dùng ưa chuộng như cá mú, cá viễn, cá phèn hay ghẹ, cua biển thì luôn trong tình trạng “cháy” hàng.
Trong khi đó, tại bãi biển Mỹ Khê, xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) những ngày hè ken đặc du khách. Kéo theo, số lượng và giá bán các loại thủy, hải sản cũng cao hơn 1,5 - 2 lần. Lý giải điều này, chủ quán Mười cho rằng: “Đó là do nhu cầu của du khách!”.
Nếu như trước kia, du khách ưa chuộng các loại thủy, hải sản có trọng lượng lớn thì bây giờ, họ thường lựa chọn những loại cá, mực được đánh bắt gần bờ. Nhưng vì nhiều lý do, thủy, hải sản vùng biển gần bờ trong tỉnh đang suy giảm nên để có hàng phục vụ nhu cầu du khách, các chủ quán phải đặt mua từ các “vựa” thủy sản ở các tỉnh bạn. Do đó, dù giá bán khá cao nhưng chủ quán Mười cho rằng, những ngày hè quán của ông luôn trong tình trạng thiếu các loại cá mú, ghẹ, tôm và cua biển.
Tại chợ Quảng Ngãi, giá mực cơm, mực ống từ 120.000- 150.000 đồng/kg; các loại cá phèn, cá liệt, cá viễn... từ 150.000- 180.000 đồng/kg; cá mú, cua 250.000- 350.000 đồng/kg; ghẹ 80.000- 100.000 đồng/kg... So với thời điểm đầu mùa hè, giá các loại thủy, hải sản tăng từ 20.000- 50.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng ngại chất lượng
Thủy, hải sản là mặt hàng được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, nhưng cũng là loại bị tẩm nhiều loại hóa chất, chất kháng sinh nhất. Điều này khiến người tiêu dùng e ngại, nhất là những du khách. Chị Trần Thị Lan Anh, du khách đến từ tỉnh Quảng Trị bức xúc khi bị một chủ quán ở biển Mỹ Khê lừa bán cua biển kém chất lượng. “Tôi trực tiếp vào bể chọn 2kg cua biển với giá 400.000 đồng/kg, nhưng khi chế biến, chủ quán đã tráo 4 con cua chết. Vì khi sử dụng, tôi phát hiện chúng có mùi khó chịu. Thịt cua nhão chứ không thơm, chắc”, chị Lan Anh bày tỏ.
Nếu như du khách sợ bị chủ quán trá hàng “dỏm” trong lúc chế biến, thì người tiêu dùng cũng thấp thỏm lo mua phải hàng thủy, hải sản rởm được bán ngoài chợ hoặc các quầy di động. Nếu như trước kia, con tôm mới là đối tượng bị người tiêu dùng e ngại vì, người nuôi sử dụng quá nhiều loại chất tăng trọng, kháng sinh để tôm ăn khỏe chóng lớn thì hiện nay, một số loại thủy, hải sản như ghẹ, cua biển cũng được thương lái sử dụng hóa chất để đánh lừa người tiêu dùng. Nhất là mới đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản công bố, có đến 5,3% các mẫu thủy, hải sản chứa chất cấm, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, cao hơn rau (gần 4%) và thịt (1,3%).
Mặc dù Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Quảng Ngãi cho biết, đơn vị thường xuyên thu mẫu các loại thủy, hải sản để kiểm tra nhưng dường như hoạt động này chỉ như “muối bỏ bể”. Với nguồn lực mỏng, trong khi điểm mua bán thủy, hải sản rộng khắp thì việc “lọt sàng” những cửa hàng, quầy bán thủy, hải sản kém chất lượng cũng là điều dễ hiểu!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.