Khai mạc hoạt động Giữ nghề xưa giữa lòng Phố cổ
Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024); 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) và hướng đến sự kiện UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được phê chuẩn danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 – 2024 (ghi nhận có công lao đóng góp, cống hiến cho nền y học của dân tộc Việt Nam), Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn, cá nhân tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa đặc sắc.
Tái hiện nghề xưa giữa lòng Phố cổ Hà Nội
Trong đó, hoạt động văn hóa nổi bật đâu tiên là sự kiện Khai mạc diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trung tâm nói trên cũng là một trong những điểm di tích của khu vực Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều chương trình văn hóa nhất dịp này.
Bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết: Nghề thủ công Việt Nam vốn có truyền thống từ lâu đời. Các làng nghề thủ công miền đồng bằng Bắc bộ gắn liền với khu Phố cổ Hà Nội, biểu hiện qua những làng nghề, phố nghề, những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, hoàn mỹ. Cùng với đó, Thăng Long – Hà Nội được biết đến là nơi hội tụ trăm nghề làm nên ba mươi sáu phố phường, với những phố “Hàng” nổi tiếng đất kinh kỳ. Quận Hoàn Kiếm – khu phố cổ Hà Nội chính là khu 36 phố phường xưa - nơi tập trung nhiều phố nghề với những ngôi đình thờ Tổ nghề còn tồn tại tới ngày nay, đây chính là nét đặc trưng của khu Phố cổ Hà Nội.
Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phát biểu
Trong quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội luôn chú trọng nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị và cá nhân nhằm bảo tồn các Nghề thủ công truyền thống, qua đó giữ gìn các phong tục tập quán, những nét đẹp văn hoá truyền thống của khu Phố cổ nói riêng và của thủ đô Hà Nội nói chung. Đặc biệt, thông qua các sự kiện, các hoạt động tại các điểm trong Phố cổ Hà Nội đã thu hút được rất nhiều các du khách trong và ngoài nước tới tham gia, tạo nên được nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm, cũng như góp phần phát triển chung cho ngành du lịch của Thủ đô Hà Nội.
Khu phố cổ Hà Nội là một trong những quần thể kiến trúc độc đáo, mang sắc thái đặc trưng của một khu dân cư sản xuất chủ yếu là nghề thủ công truyền thống. Trong đó nghề Đông y và buôn bán thuốc nam, thuốc bắc (thuốc y học cổ truyền) phát triển mạnh mẽ ở phố Lãn Ông. Con phố gần như chỉ chuyên doanh nghề Đông Nam dược, những tấm biển bằng gỗ, bằng đồng… ghi tên hiệu nhà thuốc đã tồn tại trên dưới 100 năm nay vẫn còn đó.
Ban Tổ chức tặng hoa các cá nhân, tổ chức tham dự chương trình
Trải qua thời gian, các cửa hàng thuốc Đông y trên phố Lãn Ông ngày nay vẫn buôn bán tấp nập, không bị phai nhạt nghề truyền thống như ở nhiều phố khác trong khu Phố Cổ, với gần 50 cơ sở kinh doanh thuốc Nam và các phòng chẩn trị Y học cổ truyền (YHCT). Năm 2014 - 2015, UBND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đã có dự án trùng tu, chỉnh trang phố Lãn Ông trở thành tuyến phố chuyên doanh Đông Nam dược Lãn Ông, nhằm bảo tồn và phát huy một phố nghề truyền thống trong khu Phố cổ.
Phố Lãn Ông không chỉ chuyên doanh thuốc Đông Nam dược mà còn là nơi giới thiệu Y học cổ truyền và các sản phẩm Đông Nam dược truyền thống, từng bước góp phần vào việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân, kế thừa những tinh hoa y học cổ truyền cha ông để lại, là nơi thu hút đông đảo nhân dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ của địa phương.
Chia sẻ của chuyên gia Đông y tại sự kiện
Đến với Phố Lãn Ông người dân và du khách có thể dễ nhận ra với các biển hiệu bằng gỗ, bằng đồng cổ kính ghi tên các nhà thuốc đã tồn tại hàng trăm năm. Nghề thuốc Đông y ở phố Lãn Ông không chỉ nổi tiếng với các kỹ thuật nghề, các phương pháp điều trị đa dạng mà giá trị của nghề còn được thể hiện qua các Y huấn mà những bậc tiền nhân để lại, như Hải Thượng Lãn Ông với tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người”, tinh thần “học tập suốt đời” cùng Y huấn về 8 điều nên làm của một vị lương y là “Nhân – Đức – Lượng – Khiêm – Minh – Trí – Thành – Cần” hay “Nam dược trị Nam nhân” của Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Qua thực tế có thể thấy Phố nghề Lãn Ông hiện nay đã và đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho người dân Thủ đô và du khách trong và quốc tế, góp phần vào quảng bá hình ảnh nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phố nghề nói riêng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và nói chung của thành phố Hà Nội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.