Đấu thầu gây thất thoát ngân sách, nhiều lãnh đạo bị khởi tố: Thực trạng và giải pháp?
Nhiều Giám đốc Sở GD&ĐT bị khởi tố vì thông thầu
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên - ông Nguyễn Văn Kiên bị khởi tố. Trường hợp ông Nguyễn Văn Kiên không phải là Giám đốc Sở GD&ĐT tạo đầu tiên bị bắt trong năm nay do thông thầu.
Theo đó, ngày 23/9, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với các bị can đối với Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên và 5 cán bộ có liên quan về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Kiên cùng 3 cán bộ dưới quyền và 2 giám đốc doanh nghiệp.
Căn cứ kết quả điều tra, xác minh và hồ sơ tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT xác định, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên (nhà thầu) và Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE, Công ty TNHH tư vấn xây dựng T&C, Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu để cho Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên trúng 2 gói thầu cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Ngày 16/7/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Bà Phạm Thị Hằng khi còn Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của nhiều gối thầu có trị giá nhiều chục tỷ đồng.
Sau khi các trang thiết bị này được trang bị cho các trường học thì chỉ trong một thời gian ngắn đã hư hỏng. Gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Trước đó, vào cuối tháng 6/2021, thông tin phát đi từ bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an (C03) đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-CSKT-P9 về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan, theo quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Được biết, loạt sai phạm diễn ra trong quá trình thực hiện các Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học.
Bà Vũ Liên Oanh, cựu Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, cùng cựu Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Ngô Vui và 13 người bị điều tra sai phạm đấu thầu trang thiết bị giáo dục.
Luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) từng trả lời báo chí liên quan đến vụ việc này cho biết: “Những hành vi vi phạm quy định về đấu thầu thì tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Như vậy, trong những vụ án nêu trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các bị can đã vi phạm quy định nào của luật đấu thầu; hậu quả của hành vi vi phạm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước là bao nhiêu... làm cơ sở để tòa án xem xét, quyết định về tội danh và hình phạt.
Trường hợp phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 - 20 năm. Với những người chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực, vai trò quan trọng, hưởng lợi lớn, không thành khẩn khai báo… thì có thể sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc, mức cao nhất có thể tới 20 năm tù”.
Gói thầu ở Sở GD&ĐT Quảng Ninh có dấu hiệu nâng giá hàng chục tỷ đồng
Mới đây, Báo chí có phản ánh, gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum có dấu hiệu dấu hiệu nâng khống giá trị cao hơn thị trường gấp nhiều lần, gây thất thoát nguồn ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng, cụ thể: Gói thầu trên có giá dự toán: 25.934.000.000 đồng, giá trúng thầu: 25.813.050.000 đồng. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH MTV Sách thiết bị Trường học Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Sao Mai (Liên danh SAO MAI-TBGD HÀ NỘI) theo quyết định số 1694/QĐ-SGDĐT. Liên danh này là đơn vị duy nhất tham gia dự thầu và trúng thầu. Tuy nhiên một số thiết bị, hàng hóa lại có giá cao hơn hẳn với thị trường hoặc các gói thầu tương tự khác.
Với dữ liệu và hồ sơ đối chiếu, chỉ so sánh 8 loại hàng hóa thiết bị trong tổng số 27 danh mục thiết bị của Gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum làm Chủ đầu tư, số tiền chênh lệch lên đến hơn 10 tỷ đồng so với những gói thầu tương tự (về chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật) của các đơn vị khác. Như vậy, công tác lập dự toán, xây dựng đơn giá, thẩm định nhà thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum tiềm ẩn nhiều nguy cơ và gây ra thất thoát ngân sách công với số tiền rất lớn.
Theo Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, nhiều gói thầu tiền tỷ do Sở GD&ĐT Lạng Sơn làm chủ đầu tư có tỷ lệ tiết kiệm ngân sách ít ỏi. Tuy nhiên, nhiều thiết bị lại có dấu hiệu đội giá so với giá bán trên thị trường và cao hơn nhiều so với giá mua của một số đơn vị công lập khác. Tại gói thầu 03: Mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng khu nội trú cho các trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” làm chủ đầu tư có tình trạng “đội giá” so với giá duyệt mua của các đơn vị công lập khác.
Đơn cử như bộ sa bàn giáo dục giao thông, xuất xứ Việt Nam được Sở GD&ĐT Lạng Sơn duyệt mua với giá 970.200 đồng/cái. Trong khi đó giá bán sản phẩm này do Công ty CP sách và thiết bị giáo dục Miền Nam niêm yết chỉ 262.000 đồng/cái. Với số lượng 904 bộ sa bàn cần mua, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao lên tới hơn nửa tỷ đồng, chỉ tính riêng ở hạng mục này.
Còn trong Gói thầu: "Cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường tiểu học công lập" do sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh làm chủ đầu tư có dấu hiệu đội giá nhiều sản phẩm, nguy cơ thất thoát hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước. Cụ thể, gói thầu “Cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường tiểu học công lập”, thuộc dự toán Mua sắm thiết bị tối thiểu lớp 1 cho các trường tiểu học công lập; Mua hóa chất phục vụ công tác dạy và học cho các trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm 2020 có giá dự toán gói thầu là 42.708.205.000 đồng (Bốn mươi hai tỷ, bảy trăm lẻ tám triệu, hai trăm lẻ năm nghìn đồng). Ngày 13/1/2021, bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh ký Quyết định số 44/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với giá trúng thầu là 42.469.191.000 đồng (Bốn mươi hai tỷ, bốn trăm sáu mươi chín triệu, một trăm chín mươi mốt nghìn đồng), nhà thầu trúng là liên danh Tràng An - Đông Bắc - Việt Nhật - Nguyên Anh. Số tiền tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước sau đấu thầu là 239.014.000 đồng, đạt tỉ lệ 0,55%.
Quyết định số 44/QĐ-SGDĐT ngày 13/1/2021 của sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh.
Đáng nói, khi nghiên cứu hồ sơ và tiến hành phân tích đơn giá các thiết bị trong gói thầu cũng như đối chiếu yêu cầu kỹ thuật lại có hiện tượng giá thành một số thiết bị có dấu hiệu đội giá lên cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Mô tả sản phẩm tại Mục 2 Chương V - Yêu cầu về kỹ thuật của E-HSMT.
Đơn cử, bộ thiết bị dạy phép tính sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh mua với giá 187.000 đồng tuy nhiên với cùng thông số yêu cầu kỹ thuật như vậy, một đơn vị cung cấp thiết bị trường học có uy tín 20 năm cung cấp thiết bị trường học ở Hà Nội báo giá chỉ 39.000 đồng/bộ, chênh lệch 148.000 đồng/bộ. Với số lượng mua sắm tại gói thầu là 24.161 bộ thì chỉ tính riêng sản phẩm này, chênh lệch giá mua sắm của sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã cao hơn giá thị trường là 3.575.828.000 đồng.
Ảnh chụp một phần bảng báo giá của đơn vị cung cấp, cột thứ hai từ bên phải ảnh thể hiện đơn giá trên 1 bộ thiết bị dạy phép tính.
Bộ sa bàn giáo dục giao thông, sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh mua sắm có dấu hiệu cao gấp 5 lần thị trường với giá dự thầu là 1.414.500 đồng. Bởi, theo khảo sát của phóng viên trên thị trường với cùng thông số kỹ thuật, sản phẩm có giá 285.000 đồng, chênh lệch trên 1 sản phẩm là 1.129.500 đồng. Với số lượng mua sắm 4.236 bộ, số tiền chênh lệch lên đến 4.784.562.000 đồng.
Mô tả chi tiết tại Mục 2 Chương V Yêu cầu về kỹ thuật của E-HSMT.
Báo giá kèm yêu cầu kỹ thuật giống sản phẩm mà sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh mua.
Một sản phẩm khác tại gói thầu này cũng có dấu hiệu đội giá rất cao so với giá thị trường, đó là giá vẽ (3 chân hoặc chữ A). Với số lượng mua sắm 5.409 cái, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh có thể đã mua đắt hơn so với giá thị trường khoảng 2.699.091.000 đồng. Bởi giá dự thầu của sản phẩm là 729.000 đồng còn giá trong gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 của trường Tiểu học Bùi Văn Ngữ (Thành phố Hồ Chí Minh) thì giá vẽ (3 chân hoặc chữ A) chỉ có giá 210.000 đồng tổng chênh cho riêng sản phẩm này lên tới 2.807.271.000 đồng
Bộ thiết bị dạy hình phẳng và hình khối sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh mua với giá 200.000 đồng trong khi giá thị trường là 73.000 đồng. Chênh lệch trên tổng số lượng 24.035 bộ tại gói thầu có thể lên đến 3.052.445.000 đồng.
Hai sản phẩm có giá thấp hơn nhiều so với giá dự thầu tại gói thầu Cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường tiểu học công lập.
Mô tả chi tiết tại Mục 2 Chương V Yêu cầu về kỹ thuật của E-HSMT của bộ thiết bị dạy hình phẳng và hình khối
Một sản phẩm khác cũng đáng chú ý khi sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh có thể đã mua cao gấp hơn 6 lần thị trường, đó là Triangle (Tam giác chuông). Theo khảo sát thì giá thị trường là 55.000 đồng còn giá dự thầu là 370.000 đồng. So sánh với gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 của trường Tiểu học Bùi Văn Ngữ (Thành phố Hồ Chí Minh) thì Triangle (Tam giác chuông) giá trúng thầu chỉ 68.000 đồng.
Bảng so sánh giá thể hiện mức chênh lệch “khủng” giữa đơn giá dự thầu và giá thị trường hoặc với gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 của trường Tiểu học Bùi Văn Ngữ (Thành phố Hồ Chí Minh)
Chỉ rà soát ngẫu nhiên 7/51 sản phẩm tại gói thầu nhưng mức chênh lệch cao hơn giá thị trường đã có thể lên đến 14.712.328.000 đồng (Mười bốn tỷ, bảy trăm mười hai triệu ba trăm hai tám nghìn đồng). Đây là một con số chênh lệch đáng suy ngẫm. Với 44 sản phẩm còn lại, liệu chênh lệch sẽ tới mức nào?
Hai lỗ hổng lớn trong công tác đấu thầu
Trong tất cả các vụ án liên quan đến mua sắm nói trên, dù bằng hình thức chỉ định thầu, đấu thầu hay mua sắm trực tiếp… chúng ta đều thấy có 1 điểm chung là: giá của các thiết bị đôn lên rất cao so với thực tế giá thị trường. Chính điều này đã làm tăng chi phí các gói thầu mua sắm thiết bị, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và phụ huynh học sinh…
Theo Luật sư Hà Huy Phong, việc “thổi giá” so với giá trị thực là có sự câu kết chặt chẽ giữa cán bộ của các bên mời thầu và “nhiều doanh nghiệp” khác nhau, trong đó đặc biệt là với các doanh nghiệp thẩm định giá.
Vấn đề đặt ra là vì sao trong các vụ án này, các đối tượng lại có thể dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng để “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực thiết bị?
Đọc lại nội dung Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 cho thấy pháp luật đã trao quyền cho DN có chức năng thẩm định giá quá lớn: Được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá…
Tuy nhiên, lại quá dễ dãi khi không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định; hoặc hỗ trợ tạo điều kiện cho thẩm định viên hoạt động độc lập về chuyên môn, không chịu sự chi phối hay sức ép bất cứ từ bên nào ? Muốn định giá cao thì thẩm định viên tô hồng tài sản, thay đổi số liệu để định giá cao tài sản đó, còn nếu muốn định giá thấp thì phớt lờ các lợi thế của tài sản như: thương hiệu, giấy phép… ? Chỉ đến khi vụ việc bị cáo giác, Thanh tra, Kiểm toán nhà nước vào cuộc thì dư luận, cơ quan chủ quản mới biết số liệu, kết quả thẩm định giá là… “khống”.
Bên cạnh đó, quy định về đấu thầu cũng có nhiều bất cập dẫn đến hình thức “chỉ định thầu” bị lợi dụng triệt để trong các vụ mua sắm thiết bị. Theo đó, có thể thấy hình thức chỉ định thầu là một trong 06 hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2013. Do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến.
Giải pháp khắc phục hiện tượng này
Từ những vụ án trên cho thấy công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng. Hai kẽ hở lớn nhất, đó là: Quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, cho phép chỉ định thầu trong một số trường hợp như: Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách… hay chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; và quy định thẩm định viên được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá… (Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012) nhưng lại không có cơ chế hậu kiểm hoặc chịu giám sát, kiểm tra của bất kỳ cơ quan nào. Khiến chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu.
Vì vậy để ngăn chặn hành vi “thổi giá” nâng khống thiết bị xảy ra trong tương lai cần sớm bịt lại các kẽ hở về chỉ định thầu và thẩm định giá. Theo đó, cần phải cân nhắc những nội dung bất cập trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013.
Cùng với đó, xem xét sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật làm hạn chế sự lạm quyền của thẩm định viên và các tổ chức hoạt động về thẩm định giá theo hướng muốn “lách” cũng không có “cửa”; bổ sung quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm… Đặc biệt xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có hành vi thông đồng, nâng khống, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.