Hà Nội: Xét tuyển viên chức đối với các giáo viên có hợp đồng 5 năm trở lên
2019-07-09 21:18:55
0 Bình luận
Chiều nay, 9.7, tại phiên chất vấn của HĐND TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã thông tin rõ hơn về các điều kiện tuyển dụng đặc biệt vào viên chức, đối với một số giáo viên hợp đồng “đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ”
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên chất vấn chiều 9.7 |
Như Thanh Niên đã đưa tin hôm 6.7, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định sẽ tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với một số giáo viên hợp đồng “đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ” nhưng chưa nói rõ giáo viên phải đáp ứng các điều kiện nào.
Chiều nay, 9.7, tại phiên chất vấn của HĐND TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã thông tin rõ hơn về các điều kiện này.
Cụ thể, ông Chung cho biết, sau khi Bộ Nội vụ có văn bản trả lời Hà Nội có thể thực hiện xét tuyển theo thẩm quyền, thành phố quyết định sẽ xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên có hợp đồng lâu năm với một số điều kiện cụ thể như sau:
Thứ nhất là giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây. Thứ hai là có kiểm tra đảm bảo sức khỏe. Thứ ba là có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.
“Tôi báo cáo để HĐND thành phố cũng thực hiện giám sát. Tới đây, UBND thành phố sẽ thành lập hội đồng xét tuyển. Sau khi xét tuyển hết (số giáo viên hợp đồng lâu năm) thì sẽ thi tuyển với số còn lại”, ông Chung nói.
Trước đó, trao đổi với Thanh Niên vào ngày 9.4, ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết phương án xử lý đối với việc hơn 2.700 giáo viên hợp đồng lâu năm nhưng sợ thi trượt viên chức (vì phải thi ngoại ngữ, tin học), tiêu biểu là việc 256 giáo viên huyện Sóc Sơn kêu cứu.
Theo ông Chung, thành phố đã có rà soát và số này chủ yếu rơi vào giáo viên mầm non và tiểu học.
Nguyên nhân chính là trong tiêu chuẩn và tiêu chí thi tuyển có thi ngoại ngữ, tin học, vốn là thách thức rất khó vượt qua với nhiều người rất ít có cơ hội tiếp xúc với 2 bộ môn này, dù là các giáo viên giỏi nghề.
Rất nhiều giáo viên và chính quyền các quận, huyện đều có kiến nghị được tuyển đặc cách, hoặc được miễn thi vòng 1 (là vòng trắc nghiệm ngoại ngữ và kiến thức chung trên máy) mà chỉ thi vòng 2 là vòng chuyên môn nghiệp vụ, nhưng theo quy định tại Nghị định 161/2018 của Chính phủ, các giáo viên này đều không nằm trong diện đặc cách.
“Chúng tôi đã giao các quận, huyện rà soát và trên cở thực tiễn, UBND thành phố sẽ họp, báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ và Ban Chỉ đạo thành phố để đưa ra phương án tối ưu nhất, trên tinh thần tất cả giáo viên đã có kinh nghiệm, đã giảng dạy tốt, rất có thể chúng tôi sẽ đưa ra phương án vừa xét tuyển, vừa thi tuyển để họ đảm bảo cuộc sống và công việc”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Ngoài ra, theo ông Chung, trong đợt thi tuyển lần này, Hà Nội cũng phải đảm bảo “giải quyết được tất cả tồn đọng liên quan đến giáo viên hợp đồng trong gần 20 năm vừa qua” cũng như giải quyết dứt điểm việc thiếu giáo viên mầm non do chính sách đưa tất cả các cơ sở giáo dục mầm non từ tư thục vào công lập.
“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra sự ổn định, tâm lý yên tâm cho giáo viên trên toàn thành phố, để họ yên tâm giảng dạy cho học sinh”, ông Chung nhấn mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Thanhnien