Hà Nội: Đề xuất nhiều giải pháp giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Hội thảo khoa học đề ra nhiều giải pháp dành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Tại hội thảo, PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan (Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam) cho biết, theo nguyên tắc thiết kế, vỉa hè là tuyến đường đi bộ. Tuy nhiên, do kinh tế vỉa hè phát triển, ngày càng lấn át diện tích vỉa hè cho người đi bộ.
Bà Lan cho rằng, đây không chỉ là vấn nạn riêng của TPHCM mà còn là nỗi bức xúc của các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ...
Nói về nguyên nhân vỉa hè bị lấn chiếm, bà Lan cho rằng, đây là sự thiếu ý thức của người dân. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán vẫn liên tục tái diễn dù lực lượng chức năng có thường xuyên nhắc nhở, xử phạt. Điều này một phần là do ý thức của người dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh ở mặt đường.
Theo bà Lan, những người bán hàng rong và hàng quán "cóc" cũng là thành phần chiếm lòng đường, vỉa hè khiến việc đi lại rất khó khăn. Lực lượng chức năng và công an đến dẹp xong lại đâu vào đó.
Bên cạnh đó, việc phương tiện cá nhân tăng mỗi ngày, những bến bãi đỗ xe, gửi xe trong thành phố lại đang thiếu trầm trọng, nhất là khu dân cư đông đúc. Điều này dẫn đến tình trạng vỉa hè thành chỗ để xe máy, ôtô.
Để quản lý tốt vỉa hè thành phố, theo bà Lan, cần đảm bảo cho các tuyến đi bộ hợp lý. Do đó thành phố cần thiết có một hệ thống chế tài đủ mạnh và phù hợp với điều kiện thực tế.
Mục tiêu cơ bản là đảm bảo tuyến đi bộ thông suốt qua các con đường vỉa hè, nhưng không có nghĩa là dành toàn bộ vỉa hè cho người đi bộ.
Tiếp đến, cần xác định rõ các đối tượng được sử dụng vỉa hè cho các mục tiêu khác, ứng với điều kiện của từng tuyến vỉa hè như độ rộng của vỉa hè, các công trình trực tiếp với vỉa hè.
Bà Lan cũng cho biết, thành phố, quận và phường cần xác định rõ các phạm vi vỉa hè có thể cho phép các hoạt động ngoài đi bộ. Cần làm rõ trách nhiệm của người quản lý khu vực, tăng cường camera kiểm soát các tuyến vỉa hè.
"Cần tạo cơ chế cho dân, hỗ trợ chỗ để xe máy đối với các đường phố nhiều cửa hàng mua bán dịch vụ. Các cửa hàng kinh doanh phải đăng ký chỗ để xe cho khách. Ngoài ra, với các quy định đã ban hành, thực hiện cần có kiểm tra, giám sát và đánh giá thường xuyên" - bà Lan đề xuất.
Tại hội thảo, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) nhấn mạnh, việc cần phải xác định rõ cấp của tuyến đường và thống nhất vai trò giao thông là công tác đầu tiên của việc thực hiện thiết kế đô thị.
Bà Thuận cho rằng: “Trong thực tế, chưa có sự thống nhất ở cách đặt tên và hoạt động được phép diễn ra trên tuyến đường/phố đảm bảo theo đúng chức năng”.
Cụ thể, đặt là “đường” đối với những đường có quy mô lớn về độ dài, chiều rộng, nằm trên các tuyến vành đai, đường liên tỉnh, đường trục chính trên địa bàn thành phố. Đặt là “phố” đối với những đường có quy mô nhỏ và hai bên có những công trình kiến trúc liên tiếp.
Cũng theo bà Thuận, việc xác định rõ cấp của tuyến đường và thống nhất vai trò giao thông cùng với chức năng cụ thể của đường phố là công tác đầu tiên. Từ đó, xác định chức năng hè phố và phân cấp ưu tiên để quản lý.
Để đáp ứng được nhu cầu của người đi bộ thì vỉa hè phải rộng tối thiểu là 1m. Một số khu vực gần trường học, khu phức hợp, khu văn hóa thể dục thể thao,… chiều rộng hè đường tối thiểu là 3m.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.