Hà Nội: Tình trạng người khuyết tật, trẻ em, người già lang thang ăn xin có nhiều chuyển biến tích cực
Theo Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTBXH Hà Nội) Dương Tuyết Nhung thì mỗi năm Hà Nội tiếp nhận 600 - 700 lượt người lang thang ăn xin về tập trung, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV. Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập, thời gian gần đây, trên các đường phố Hà Nội và các địa điểm tham quan du lịch, đã hầu như không còn cảnh NKT, trẻ em, người già lê la đi ăn xin, như trước. Chỉ vài tháng trước đây, không khó để bắt gặp NKT, trẻ em, người cao tuổi, tràn ra lòng đường chặn xe người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy khi họ dừng đèn đỏ tại các điểm giao thông trên các con phố, bến xe ở Hà Nội, hay lẽo đẽo bám theo du khách tại các điểm tham quan du lịch để xin tiền. Điển hình như khu vực Ngã Tư Sở, Khuất Duy Tiến, bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa, quanh Hồ Gươm, khu vực Quốc Tử Giám…. Điều gây bất bình trong xã hội là những NKT, trẻ em, người già có hoàn cảnh khó khăn bị các đối tượng vô nhân tính, dụ dỗ, lôi kéo từ các địa phương lên Hà Nội, hình thành các đường dây bảo kê, chăn dắt. Những người yếu thế này hàng ngày phải lang thang ăn xin từ sáng sớm đến tối khuya để xin tiền. Mỗi ngày họ nhận được từ các nhà hảo tâm từ vài trăm đến vài triệu đồng. Số tiền kiếm được họ phải mang về nộp hết cho bọn “chủ chăn”. Mỗi tháng bọn “chủ chăn” trả cho mỗi người ăn xin nộp đủ “chỉ tiêu” từ 1 đến 3 triệu đồng. Những ai không kiếm đủ nộp đủ “chỉ tiêu”, chúng bắt nhịn đói, hành hạ, đánh đập, phạt tiền...
Ảnh minh họa – Nguồn Internet.
NKT, trẻ em, người cao tuổi lang thang trên các đường phố, điểm thăm quan, du lịch tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và gây phản cảm, khó chịu cho các du khách, làm xấu hình ảnh của Hà Nội và người Việt Nam trong con mắt người nước ngoài khi sang du lịch, thăm quan tại Việt Nam, gây mất trật tự an ninh xã hội, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, quyền con người.
Nhận thấy những bất cập đó, ngày 21/8/2020, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà đã ký, ban hành văn bản số 3284/LĐTBXH-TE gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng NKT, trẻ em, người cao tuổi bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn.
Nội dung công văn nêu rõ:
“1. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, hành động của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, không để tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn.
2. Tổ chức việc tiếp nhận các tin báo, tố giác và chuyển các trường hợp trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn không có nơi cư trú ổn định vào các khu cách ly phòng dịch COVID-19, sau đó phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn kiểm tra, làm rõ tình hình sức khỏe của đối tượng, bảo đảm chắc chắn không nhiễm SARS-CoV-2 thì chuyển về cơ sở trợ giúp xã hội. Trường hợp đối tượng nhiễm SARS-CoV-2 thì phối hợp ngay với cơ sở y tế tại địa phương để thực hiện các biện pháp cách ly và điều trị theo quy định. Xác minh nhân thân, hoàn cảnh của đối tượng để đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi đối tượng cư trú để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội phù hợp; yêu cầu gia đình, người thân có cam kết không để tái diễn tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn trên đường phố, nơi công cộng.
3. Giao cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an và các cơ quan chức năng tiến hành ngay việc kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ, môi giới, ép buộc, trục lợi trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ trẻ em, bảo đảm quyền của các đối tượng yếu thế và pháp luật về trợ giúp xã hội. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để tái diễn tình trạng người lang thang xin ăn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi. Kịp thời xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Theo nội dung văn bản của Bộ LĐTBXH gửi UBND các tỉnh, thành phố, Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã giao Sở LĐTBXH phối hợp với các Đội Trật tự xã hội lưu động (thuộc cácTrung tâm Bảo trợ xã hội) đưa người ăn xin về trung tâm, phối hợp, cung cấp tài liệu cho Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) để đấu tranh với các nhóm bảo kê, lợi dụng người lang thang ăn xin để trục lợi.
Đồng thời chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện người lang thang ăn xin, đưa họ trở về với gia đình; tăng cường công tác giáo dục trong cộng đồng, chú trọng tạo công ăn việc làm để người lang thang có thu nhập, không tái phạm...
Đối với những người lang thang xin tiền, các đơn vị tổ chức tập trung đối tượng theo Quyết định 6053/QĐ-UBND ngày 29/8/2017 của UBND thành phố về tập trung người lang thang, sau đó kết nối với các địa phương - nơi người lang thang đăng ký hộ khẩu thường trú để đưa họ về nơi cư trú.
Cụ thể, để thực hiện công tác tập trung người lang thang, Sở LĐTBXH triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đơn cử, Đội Trật tự xã hội tại xã, phường, thị trấn khi kiểm tra, phát hiện, tập trung đưa người lang thang đến địa điểm lưu trú tạm thời, lập biển bản và thông báo cho Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) đến tiếp nhận đối tượng theo địa bàn. Cụ thể, các xã, phường, thị trấn thuộc quận, huyện: Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Đông Anh, Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm thông báo đến Trung tâm BTXH I.
Các xã, phường, thị trấn thuộc quận, huyện: Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Quốc Oai thông báo đến Trung tâm BTXH II.
Các xã, phường, thị trấn thuộc huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây thông báo đến Trung tâm BTXH IV.
Thông báo bằng văn bản đến các địa phương có nhiều người lang thang xin ăn về chủ trương giải quyết tình trạng người lang thang của TP. Hà Nội để hạn chế số người lang thang lên thành phố hành nghề xin ăn.
Một người già ăn xin trước cửa phủ Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Reuters. - Nguồn: Internet.
Một số trường hợp đặc biệt sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc tạm thời tại Trung tâm Bảo trợ xã hội I, II và IV, thuộc Sở LĐTBXH Hà Nội. Trước khi bàn giao về trung tâm BTXH, các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, sàng lọc đối với những người lang thang có biểu hiện nghi ngờ nhiễm Covid-19, liên quan đến các ổ dịch...
Sau khi nhận bàn giao, Trung tâm BTXH I, II và IV phải thực hiện cách ly ít nhất 14 ngày với những trường hợp mới tiếp nhận; đồng thời, có phương án phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả cho đối tượng đã sống tại trung tâm.
Nhờ những chỉ đạo và xử lý quyết liệt, đồng bộ của lãnh đạo thành phố nên từ đầu năm đến nay, tình trạng NKT, trẻ em, người già lang thang ăn xin trên địa bàn Hà Nội đã hầu như không còn, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.