Hải Phòng: Nơi làng quê đổi mới
Từ chuẩn “nông thôn mới”
Xã Kênh Giang nằm ở phía Bắc và cách trung tâm huyện Thủy Nguyên khoảng 8km. Tổng diện tích đất tự nhiên 724.50 ha. Xã có 12 thôn; 3 làng văn hóa; 3.342 hộ; 10.679 khẩu.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được Đảng ủy, chính quyền xã triển khai và thực hiện đồng bộ ở các cấp với các tiêu chí xây dựng NTM theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Theo đó, địa phương đã tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật phù hợp từng bước hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển theo từng giai đoạn; tạo môi trường đầu tư và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, tạo công ăn việc làm, dịch chuyển nhanh và bền vững cơ cấu lao động trong sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Năm 2017, Kênh Giang về đích “nông thôn mới”.
Hầu hết, những trục đường chính đều được nhựa hóa
Các chỉ tiêu về nông nghiệp tăng dần theo năm. Trong đó, chú trọng, tổ chức, hướng dẫn cho nhân dân áp dụng giống lúa mới nâng cao năng suất. Năm 2022, năng suất đạt 135tạ/ ha; Bên cạnh đó, xây dựng các khu đồng tập trung trồng cây chuối, bình quân mỗi năm đạt 25 - 35 triệu đồng/sào và đạt tiêu chuẩn VietGaps; HTX triển khai dự án sản xuất nông nghệp công nghệ cao với sản phẩm dưa Kim hoàng hậu và dưa Bạch Ngọc đạt tiêu chuẩn OCCOP (4 sao) với sản lượng 12 tấn/0,35 ha, giá trị 600 triệu đồng; Những khu đồng sâu, trũng cấy lúa hàng năm hiệu quả không cao, nay đã được nhân dân đã làm ao nuôi cá, bình quân đạt 2,5 tạ /sào/năm; Hiện tại, toàn xã có 57,06ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng tôm, cá ước đạt 480 tấn.
Cùng với xu thế phát triển “công nghiệp hóa”, các khu công nghiệp và công ty sản xuất, hộ kinh doanh cá thể ngày càng nhiều. Cơ cấu kinh tế đang được chuyển dịch dần sang lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Các lao động trẻ, có tay nghề đang có xu hướng đi làm ở các khu, cụm công nghiệp. Trên địa bàn xã có một số nhà máy nhà máy sản xuất đã thu hút được 40% lao động, thu nhập bình quân 6 -10 triệu đồng/ người/tháng.
Theo thống kê, chỉ số thu nhập bình quân đến hết năm 2022 ước đạt 71,47 triệu đồng/người/năm. So với trước khi bắt tay xây dựng NTM (2011) tăng gần 49,9 triệu đồng/ người/năm; Hàng năm tỷ lệ hộ nghèo đã giảm rõ rệt: đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn 0,78%. Nhân dân phấn khởi khi đời sống ngày càng được nâng cao, quang cảnh làng quê thay đổi theo xu hướng hiện đại.
Đến làng quê hiện đại
Sau thành công từ “nông thôn mới”, xã Kênh Giang bắt tay vào xây dựng Nghị quyết thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng “nông thôn mới kiểu mẫu”. Để bắt tay vào công việc, xã nhanh chóng kiện toàn ban chỉ đạo, vận động nhân dân chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện chương trình và đạt được những tiêu chí cơ bản.
Đường làng luôn phong quang, sạch đẹp
Phấn khởi nhất là từ trên những trục đường chính đến từng ngõ xóm đều đạt chuẩn với 83% (4,95 km/5,98 km) đường trục chính từ đường huyện đến trung tâm xã và đường liên xã, có rãnh thoát nước, điện chiếu sáng khu dân cư, biển báo chỉ dẫn giao thông, gờ giảm tốc, cây xanh; 81% (4,48 km/5,55 km) đường trục chính từ trung tâm xã đến trung tâm các thôn và đường liên thôn; 100% (4,68km/4,68km) đường trục chính thôn có mặt đường nhựa asphal; 100% (18,37km/18,37km) đường ngõ, xóm sạch, có điện chiếu sáng...
Xã có 02 mô hình thôn thông minh (dưa Kim hoàng hậu, dưa Bạch Ngọc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap),tự động hóa các công đoạn tưới tiêu; Mô hình camera an ninh với 12/12 thôn được lắp đặt. Thông qua mô hình này, địa bàn thôn không còn có hiện tượng trộm cắp vặt và vứt rác bừa bãi, người dân có ý thức hơn về an ninh, bảo vệ môi trường.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh được tập trung đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu của người dân; Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; Chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân được nâng cao; Dân chủ ở cơ sở được nâng cao, các công trình xây dựng NTM do xã lựa chọn, người dân thực sự tham gia với vai trò là chủ thể của chương trình nên các công trình đầu tư đều có ý nghĩa thiết thực, bảo đảm chất lượng.
Kênh Giang hôm nay đã thật sự “thay da, đổi thịt”, làng quê sáng, xanh, sạch, đẹp từ ngoài vào trong; tình làng, nghĩa xóm được giữ gìn, bền chặt hơn; tình hình an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững; nhân dân ngày càng tin tưởng vào vai trò của Đảng bộ và chính quyền. Ai cũng phấn khởi, vui tươi trong mùa xuân hứa hẹn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.