Hàn Quốc đầu tư 203 triệu USD phát triển nông trại thông minh
Một trang trại thông minh tại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap |
Khoản ngân sách này tăng hơn 50% so với năm 2019 và dự kiến sẽ được Quốc hội Hàn Quốc thông qua trong năm nay.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc khẳng định đất nước cần sử dụng các công nghệ mũi nhọn trong các trang trại địa phương một cách kịp thời nếu không muốn tụt lại phía sau các đối thủ toàn cầu khác trong lĩnh vực này.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết công nghệ trang trại thông minh tập trung vào kiểm soát tự động môi trường nuôi trồng các loại cây và con dựa trên cơ sở dữ liệu tùy biến.
Theo kế hoạch, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch cung cấp cho các chủ trang trại địa phương những mảnh vườn thử nghiệm để kiểm tra các công nghệ nông trại thông minh mới, bao gồm cả cho thuê các trang trại thông minh.
Khoản ngân sách trên cũng sẽ được sử dụng để tài trợ các khóa đào tạo cho các chủ nông trại trẻ, đặc biệt là để đối phó với vấn đề dân số già hóa trong khu vực nông thôn.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc sẽ chuẩn bị các chương trình tư vấn để giúp các chủ trang trại chăn nuôi hiện đại hóa các cơ sở của mình và sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin liên lạc và máy vắt sữa tự động.
Các dự án khác bao gồm phát triển các máy kéo tự lái và các robot khác nhau phục vụ riêng cho nông nghiệp.
Hàn Quốc đang nỗ lực tăng khả năng cạnh tranh về giá cả các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh các nước khác kêu gọi giảm bớt rào cản thương mại trong lĩnh vực này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố việc các nước Hàn Quốc, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ được xem là những nước đang phát triển là không công bằng vì các nước này đã là thành viên của cả Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Hàn Quốc duy trì quy chế nước đang phát triển kể từ năm 1995 chủ yếu để bảo vệ ngành công nghiệp dễ bị tổn thương của mình.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.