Hàng chục nghìn tỉ đồng bảo đảm hàng hóa dịp Tết

2016-01-11 12:55:56
Đến nay, các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước đã hoàn thành việc dự trữ hàng hóa cơ bản để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2016.



Theo nhận định của Bộ Công Thương, nhu cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng cao hơn 15-20% so với những năm trước.

Chính vì thế, Bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa cho dịp Tết, trong đó chú trọng yếu tố bình ổn giá. Đến nay, các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước đã hoàn thành việc dự trữ hàng hóa cơ bản để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.  

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyến đán trên địa bàn Thủ đô đạt trên 21.610 tỉ đồng.

Để đảm bảo cung cầu hàng hoá, ổn định thị trường, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thương mại đã tập trung các mặt hàng bình ổn thị trường và các nhóm hàng phục vụ Tết với tổng giá trị ước tính 12.780 tỉ đồng.

Các DN sản xuất bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, sữa... dự trữ lượng hàng hóa khoảng 6.748 tỉ đồng.

Các làng nghề sản xuất kinh doanh các nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như chế biến nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo, dệt may, chè, miến dong, bột sắn… với tổng giá trị trên 2.081 tỉ đồng.

Hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị đã dự trữ khoảng 2.700 tỉ đồng các loại hàng thiết yếu.
  

Ngoài ra, các DN sẽ tổ chức dự trữ và bán ra các mặt hàng thiết yếu tại 1.164 điểm bán hàng; tổ chức 12 phiên chợ Việt, 9 Tuần hàng Việt, 210 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.

Thị trường Tết tại TPHCM sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản của các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, giá cả hợp lý.

Các nguồn cung ứng hàng hóa chủ yếu từ 3 nguồn chính, đó là các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường chiếm từ 30-40% thị phần; 3 chợ đầu mối mặt hàng rau-củ-quả, thủy hải sản chiếm 60-70%; các DN khác chiếm 10-20% thị phần.

Tính đến nay, tổng giá trị hàng hóa các DN trên địa bàn Thành phố chuẩn bị sản xuất, dự trữ và cung ứng trong 2 tháng Tết là 16.208,8 tỉ đồng, tăng 462 tỉ đồng so với Tết Ất Mùi 2015; trong đó tổng giá trị hàng bình ổn thị trường là 6.863,9 tỉ đồng, tăng 40% so cùng kỳ.

Tổng số điểm bán của 4 chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM là 9.205 điểm bán, tăng 238 điểm so với đầu năm. Ngoài ra, các DN tổ chức 339 chuyến bán hàng lưu động trong 2 tháng trước Tết.

Tại 3 chợ đầu mối, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng về chợ lên đến 14.000-15.000 tấn/ngày, tăng khoảng 80% so với ngày thường.

TP. Đà Nẵng đã chuẩn bị phương án và kế hoạch bình ổn giá nhằm đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm thiết yếu.

Trong đó, các mặt hàng thiết yếu như thịt các loại, mì ăn liền, đồ hộp, dầu ăn, mì chính, hạt dưa, bánh kẹo các loại... đạt gần 192 tỉ đồng; dự trữ 1.000 tấn gạo, trị giá 12 tỉ đồng; tổ chức bán thịt heo bình ổn giá trong thời gian 6 ngày (từ 24-26 tháng Chạp), tại 13 điểm, tập trung chủ yếu tại các chợ gần các khu dân cư.

Ngoài ra, thương nhân kinh doanh ở 8 chợ loại một tại Thành phố cũng chuẩn bị lượng hàng phục vụ Tết ước khoảng 500 tỉ đồng.

Năm nay, Sở Công Thương Đà Nẵng cũng tổ chức 2 xe bán hàng lưu động phục vụ tại các điểm nóng, khu đông dân cư. Đặc biệt, sẽ tổ chức các hoạt động bán hàng phục vụ đồng bào miền núi và công nhân tại các khu công nghiệp.

Theo đánh giá các sở, ngành chức năng TP. Cần Thơ, với khả năng đảm bảo nguồn hàng dồi dào phục vụ Tết, giá cả nhiều mặt hàng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 sẽ được bình ổn.

Năm nay, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương Cần Thơ phối hợp tổ chức những điểm bán hàng có kiểm soát nguồn gốc, nhất là các loại rau củ quả, cá, thịt.

Theo báo cáo của các DN, kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm.

Hiện tại, lượng hàng hóa của 25 DN có quy mô lớn trên địa bàn (trong đó có 6 DN tham gia bình ổn phục vụ Tết) đã thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa với tổng trị giá khoảng 2.573 tỉ đồng.

Các DN cũng cam kết ổn định giá trong dịp Tết với nhiều mặt hàng thiết yếu, đồng thời có các chương trình khuyến mãi giảm giá, tặng quà.  

Theo đại diện Sở Công Thương Bình Dương, hầu hết các DN đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20% so với năm trước.

Dự kiến, kế hoạch tổ chức bán hàng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới tại siêu thị và các chuyến hàng về nông thôn sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, giá cả tăng ảo.