Hành trình đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Quốc Trịnh
Nguyễn Quốc Trịnh sinh năm 1950. Khi vừa nhận giấy báo trúng tuyển đại học thì em có lệnh nhập ngũ, đi B cuối năm 1968, hy sinh tại chiến trường miền Trung Nam bộ tháng 6/1970 (15/5 AL). Đến nay, gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ của liệt sĩ.
Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Quốc Trịnh.
Từ sau ngày miền Nam được giải phóng, tôi đã liên hệ, hỏi thăm những người cùng nhập ngũ với em tôi để biết về nơi em hy sinh. Có thông tin là em hy sinh ở mặt trận Quảng Nam, thuộc quân số của công trường 8 (tức sư đoàn 8). Tôi đã liên hệ với Ban Chính sách và Ban Quân lực của Sư đoàn 8, cả 2 cơ quan đều trả lời là không có tên Nguyễn Quốc Trịnh trong danh sách của sư đoàn. Lại có thông tin là Trịnh được bổ xung quân cho bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi. Liên hệ với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, được trả lời: danh sách liệt sĩ của tất cả các nghĩa trang trong tỉnh không có tên đ/c Trịnh. Họ có trao đổi với tôi: có thể đ/c ấy nằm trong số những ngôi mộ đã được quy tập về nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, cũng có thể chưa tìm được phần mộ do chiến trường miền Trung những năm đó vô cùng khốc liệt, bộ đội hy sinh vừa chôn xong, bom địch ném trúng bay văng đi mất, hoặc nước lũ cuốn trôi…!!!
Từng là một quân nhân đã kinh qua cuộc chiến, tôi hiểu họ nói rất đúng, rất thực tế. Điều ao ước của bố, mẹ vợ tôi là sớm đưa được hài cốt của con trai về quê nhà, trước khi các Cụ qua đời. Để cho các Cụ được nguôi ngoai chút ít, chúng tôi đã xây một ngôi mộ tượng trưng (mộ gió), có bia đá in ảnh và khắc đủ thông tin về liệt sĩ, ở nghĩa trang gần nhà để ngày lễ, ngày rằm, mùng một các Cụ và anh em, con cháu ra thắp nén hương. Tôi đã hứa với các Cụ là sẽ nỗ lực tìm kiếm, để sớm đưa được hài cốt của em về. Vậy mà, các Cụ đã lần lượt ra đi về với tổ tiên, tôi vẫn chưa tìm thấy em ở đâu, tôi luôn day dứt về việc này!?
Khi bộ Quốc Phòng công khai kết quả giải mã các thông tin trên giấy báo tử. Tôi mang giấy báo tử của Trịnh đến phòng chính trị tỉnh đội Hà Nam, Ban Chính sách tỉnh đội đã giao cho tôi bản sao “trích lục hồ sơ quân nhân hy sinh”. Trong bản trích lục này ghi rất rõ: Trịnh hy sinh trong trường hợp “bị ta bắn nhầm” trên đường làm nhiệm vụ, nơi chôn cất ban đầu ở thôn Quang Nghiệm, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cầm tờ giấy trên tay, tôi đã rất hy vọng sớm đưa được em tôi về. Trước khi đi, tôi đã gửi thư tới tỉnh đội Bình Định, nhờ các anh giúp đỡ. Phòng Chính trị tỉnh đội có gửi cho tôi một văn bản để về làm việc với huyện đội Phù Mỹ. Gia đình tôi đã chuẩn bị chu đáo cho việc đưa hài cốt liệt sĩ Trịnh về quê.
Tại cơ quan huyện đội Phù Mỹ, sau khi xem công văn của Tỉnh đội Bình Định và nghe tôi trình bày. Đ/C chính trị viên huyện đội cho rà soát ngay danh sách liệt sĩ hiện có trong các nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Cán bộ phụ trách chính sách báo cáo không có tên Nguyễn Quốc Trịnh! Lãnh đạo huyện đội thu xếp cho tôi nghỉ lại tại phòng khách, sáng hôm sau cử một đ/c trung úy (trợ lý chính trị) đi cùng tôi về xã Mỹ Châu để làm việc. Tại UBND xã, sau khi nghe tôi trình bày, đ/c Chủ tịch xã nói: “Thời điểm liệt sĩ Trịnh hy sinh thì cháu mới được vài tuổi, các đ/c khác ở xã cũng vậy, nên thực tình chúng cháu không biết rõ sự việc!”.
Tôi gọi điện liên hệ lại với tỉnh đội Quảng Ngãi, các đ/c cho biết: Theo hồ sơ lưu, có bác Hai Tâm lúc đó là cán bộ tiểu đoàn, chắc bác ấy biết sự việc này, bác Hai Tâm hiện nay cùng với gia đình ở tại thành phố Đà Nẵng. Tôi trở lại Đà Nẵng tìm tới nhà anh Hai Tâm. Tới đây, bác gái cho biết: “ông ấy có công việc đi Pleicu từ sáng hôm qua, theo kế hoach thì năm ngày nữa mới về”. Tôi nhờ bác gái gọi điện báo cho bác Hai Tâm biết: có chú Lộc CCB ở Hà Nội vào tìm phần mộ của người em là liệt sĩ Nguyễn Quốc Trịnh, quê ở Nam Hà. Anh Hai Tâm nghe rồi nói rất to trong máy: “Bà biểu chú Lộc ở chơi, chiều nay tôi về liền”.
Khoảng 3h chiều, anh Hai Tâm đã về đến nhà.
- Em chào anh Hai Tâm
- Chào chú Ba Lộc
Hai người lính già, một người từ Hà Nội vào, một người vừa từ Pleicu về, ôm chầm lấy nhau. Lần đầu gặp mặt nhưng cùng đau đáu nỗi đau về người em, người đồng đội hy sinh đã mấy chục năm rồi mà gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ, vì thế nên dễ đồng cảm với nhau, chân thành, giản dị, nước mắt cùng lăn trên gò má.
Anh Hai Tâm nói: “Thằng Trịnh nó ngon lắm chú ba à. Nó khỏe mạnh, nhanh nhẹn tháo vát, sống rất có trách nhiệm và tình cảm lắm. Nó là trung đội phó trinh sát. Hôm đó, nó cùng 4 chiến sĩ đi trinh sát căn cứ của địch, phải mặc quần áo lính ngụy để ngụy trang. Khi trở về, trời còn tối, đi qua khu vườn hoang ở thôn Quang Nghiệm, xã Mỹ Châu bị du kích tưởng là thám báo ngụy nên đã nổ súng, Trịnh hy sinh còn hai cậu nữa bị thương”. Anh Hai Tâm lấy tay gạt nước mắt đang lăn trên má rồi nói tiếp: “Đ/c Trịnh hy sinh, du kích địa phương thực hiện việc khâm niệm, chôn cất và quản lý phần mộ. Những đ/c bị thương thì sơ cứu rồi khiêng về đơn vị điều trị. Chú về lại xã Mỹ Châu trao đổi kỹ về trường hợp này. Sáng mai anh phải đi tiếp lên Pleicu, vì cũng có việc đi tìm phần mộ liệt sĩ, gia đình từ Thái Bình vào đang chờ anh ở trên đó. Chú về Phù Mỹ, kết quả thế nào báo ngay cho anh biết nhé”.
Tôi rất xúc động trước tình cảm và trách nhiệm của anh Hai Tâm. Về lại ủy ban xã Mỹ Châu, tôi đề nghị các đ/c cho biết: vào năm 1970 ở thôn Quang Nghiệm có những ai là du kích, những người đó chắc biết rõ. Theo sổ sách thì có 5 người, 3 người đã chết, một người đang bị tai biến nằm bất động, còn một ông đang đi làm rẫy cách đây hơn 20 km. Tôi nhờ người lên đón được ông ấy về. Qua trao đổi, ông ấy cho biết: chính ông ấy và một du kích nữa được giao khiêng thi thể anh bộ đội bị du kích bắn nhầm về chôn gần vườn cây nhà ông, ông được giao trông nom phần mộ cho đến năm 1979, đội quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh đội về bốc đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của xã. Ông nói thêm: “Từ giữa năm 1973, căn cứ địch ở trên núi rút đi, vùng này coi như đã giải phóng, không còn lính ngụy nữa. Cuối năm 1973, đơn vị đã về làm bia ghi rõ họ tên, quê quán, đơn vị, ngày hy sinh. Bia làm bằng mảnh tôn cắm xuống từng đầu mộ liệt sĩ. Từ năm 1973 đến năm 1979 khu vực này nhiều năm mưa lũ, ngập lụt, rồi giông bão đã làm mất đi nhiều tấm bia bằng tôn đó. Tôi không nhớ tên liệt sĩ, nhưng nhớ rõ đấy là mộ đ/c bộ đội bị du kích bắn nhầm. Khi đội quy tập đến cất bốc chuyển vào nghĩa trang, tôi đã nói rõ như vậy. Rất tiếc, họ đã không lưu tâm đến việc này”!?
Tôi cùng trung úy trợ lý chính trị huyện đội Phú Mỹ và đ/c xã đội trưởng vào thắp hương trong nghĩa trang liệt sĩ xã Mỹ Châu. Tại nghĩa trang này có 502 ngôi mộ thì có tới 118 ngôi mộ chưa có tên. Đến thắp hương khu vực những ngôi mộ chưa có tên, cầm nắm hương trên tay, vừa đi tôi vừa lẩm nhẩm trong miệng: “Trịnh ơi, anh thay mặt gia đình vào tìm em để đưa em về quê hương, em nằm chỗ nào, em báo cho anh biết"! Tôi vừa nói đến đấy, tự nhiên nắm hương trên tay tôi bùng cháy, tôi thấy trong người chếnh choáng, loạng choạng, ngồi quỵ xuống, hai tay úp lên một phần mộ gần đó. Mọi người cùng đi bảo rằng, có lẽ đây là phần mộ của chú Trịnh. Chú đã thấu hiểu điều mong mỏi của bác nên đã báo cho bác biết!? Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng điều đó cũng không đủ căn cứ để chính quyền cho tôi được đào mộ lên lấy mẫu làm xét nghiệm ADN. Tôi thất vọng vô cùng, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn đau!
Em có tên trước khi đi đánh giặc/ Giờ nằm đây không quê quán, họ tên/ Anh muốn đưa em về tới quê hương/ Nhưng không được, em ơi không thể được!/ Đưa em về, biết mộ nào mà bốc/ Anh lặng người, thắp tiếp nén hương/ Đành phải chờ ngày được trả họ tên(*)/ Anh sẽ đến đưa em về quê Mẹ!
(*) Chính phủ đang thực hiên chương trình “Trả lại tên cho Anh” bằng hình thức lấy mẫu tại các mộ chưa xác định được danh tính trong các nghĩa trang liệt sĩ để làm xét nghiệm ADN, kết quả công khai theo từng Nghĩa trang một. Được như vậy thì rất tốt, nhưng khối lượng trong cả nước là quá lớn, tôi vẫn theo dõi sát sao, mong sớm đến khu vực có em tôi, để còn đủ sức khỏe vào đón em về bên cha mẹ, quê hương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.