Hiểm hoạ khôn lường khi trẻ "nghiện" mạng xã hội và sự vào cuộc của phụ huynh
Mới đây, câu chuyện một bé gái lớp 1 ở Hà Nội "nghiện" Tiktok, bỏ bê việc học, buộc phụ huynh phải đưa đến bệnh viện tâm thần, đang gây chú ý với dư luận. Theo gia đình, ban đầu bé gái chỉ xem Tiktok và nhờ bố mẹ quay lại các video bắt chước theo "thần tượng" trên mạng.
Gia đình bé gái cho biết, thấy con bắt chước theo các bài hát trên mạng giống và nhiều người xem, bé cũng rất hứng thú nên chỉ xem đây là một động giải trí sau giờ học cho bé, không hề cấm cản.
Tuy nhiên, sau một thời gian, bé gái xuất hiện tình trạng bỏ bê học hành, hầu như thời gian rảnh chỉ dán mắt vào Tiktok, thậm chí là tự quay các video để đăng tải mà không cần gia đình trợ giúp. Khi gia đình nhắc nhở, cháu bé lại tự khóa mình trong phòng.
Đây là một trong nhiều trường hợp trẻ em, học sinh có dấu hiệu "nghiện" Tiktok, mà TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) tiếp nhận điều trị trong thời gian vừa qua.
TS hướng dẫn cha mẹ bé, ban đầu không nên cấm con một cách đột ngột, mà cần lấy việc “được vào mạng xem” làm phần thưởng. Ví dụ, nếu học tập tốt, được điểm cao, hoàn thành bài tốt… thì bé sẽ được chơi trong một thời gian nhất định. Sau khi “kéo” con ra khỏi việc chơi mạng thường xuyên, dần dần sẽ áp dụng lộ trình chấm dứt hoàn toàn, không thể mãi coi đó là một phần thưởng thường xuyên.
Theo TS Thu, nghiện Tiktok nói riêng và nghiện mạng xã hội nói chung khiến con người bị cuốn vào "thế giới ảo" dẫn đến việc hạn chế những kỹ năng khác.
Ở người trưởng thành, việc nghiện game, nghiện mạng xã hội có thể dẫn đến tình trạng bỏ bê công việc, quên ăn quên ngủ. Còn với trẻ em, dấu hiệu dễ nhận thấy là trẻ bỏ bê học hành, thiếu tập trung.
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, việc trẻ nghiện mạng xã hội sớm có thể ảnh hưởng đến nhận thức, cũng như sự phát triển tâm sinh lý, dẫn đến những hậu quả lâu dài về sau.
Nhiều vị phụ huynh khi thấy con nghiện mạng xã hội ngay lập tức áp dụng các "biện pháp mạnh" như cấm hẳn con dùng thiết bị điện tử, quát mắng, thậm chí là đòn roi.
Tuy nhiên, theo TS Thu đây là cách làm "lợi bất cập hại".
Với trẻ em, các biện pháp cần thực hiện mềm mỏng. Cũng giống như cai nghiện game, phụ huynh cần cho trẻ giảm thời gian vào mạng xã hội dần dần sau đó mới chấm dứt hoàn toàn.
"Các vị phụ huynh có thể lấy việc được vào mạng xã hội như phần thưởng cho trẻ. Ví dụ con học tập tốt, đạt điểm cao, làm việc nhà sẽ được chơi trong một thời gian phù hợp. Sau đó, gia đình nên có lộ trình giảm dần thời gian chơi cho trẻ, không thể mãi xem đó là một phần thưởng", TS Thu lưu ý.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng thành của bố mẹ trong quá trình cai nghiện mạng xã hội cho trẻ. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn với trẻ, tạo cho con một lối sống, lịch sinh hoạt lành mạnh, tiếp cận hợp lý với mạng xã hội.
"Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần quyết đoán trong quá trình cai nghiện mạng xã hội cho trẻ, không nuông chiều, mặc kệ con. Nếu để trẻ tái nghiện, lần sau "cai" sẽ khó khăn hơn nhiều", TS Thu nhấn mạnh.
Những nội dung trên mạng xã hội dễ tác động đến tâm lý, nhận thức của trẻ. Quá lạm dụng sẽ dẫn đến các nguy cơ như: Trở thành nạn nhân của những kẻ xấu, bị dụ dỗ; Tiếp xúc với thông tin hông phù hợp lứa tuổi, có thể gây hại đến thể chất lẫn tinh thần như nội dung bạo lực, suy nghĩ lệch lạc hoặc kích động tự tử, tự làm hại bản thân; Nạn nhân bị bắt nạt trên mạng xã hội; Nguy cơ rối loạn tâm thần và hành vi, rối loạn cảm xúc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.