Hiệu quả từ mô hình phát hiện sớm và can thiệp toàn diện sớm ở trẻ khuyết tật
Mô hình ECDDI nằm trong dự án “Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật”, dự án tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi và gia đình của trẻ tại Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai bằng mô hình can thiệp toàn diện về phát hiện sớm và can thiệp sớm cùng với các dịch vụ xã hội, giáo dục và phát triển, và hoà nhập xã hội.
USAID đang hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi.
Phát hiện sớm và can thiệp sớm được biết đến là các dịch vụ góp phần làm giảm tỷ lệ và mức độ khuyết tật ở trẻ em từ 0 đến 6 tuổi. Từ việc phát hiện sớm, sau đó sẽ sàng lọc và đánh giá xác định các rào cản về học tập, phát triển và tham gia đóng vai trò quan trọng trong thành công của các can thiệp về sau. Các chương trình can thiệp sớm được xây dựng để hỗ trợ trẻ được xác định có khuyết tật bao gồm các dịch vụ và hỗ trợ để đảm bảo và tăng cường sự phát triển cá nhân và khả năng bền bỉ của trẻ, nâng cao năng lực cho gia đình và thúc đẩy hòa nhập xác hội. Các dịch vụ này gồm có chăm sóc y tế, phục hồi chức năng và can thiệp giáo dục đặc biệt tại nhà và tại cộng đồng cũng như chuyển tuyến tới các dịch vụ trị liệu và can thiệp chuyên sâu hơn.
Đồng thời, Dự án cũng thường xuyên tập huấn cho các cán bộ nguồn ở các ngành y tế, giáo dục và lao động xã hội về các công cụ sàng lọc, đánh giá khuyết tật, giáo dục đặc biệt, phục hồi chức năng và quản lý trường hợp. Ngoài ra, Dự án cũng đào tạo các thành viên trong gia đình trẻ để tập phục hồi chức năng và can thiệp giáo dục cho trẻ tại nhà. Nâng cao năng lực của các nhóm chủ chốt này sẽ giúp trẻ khuyết tật có được những hỗ trợ bền vững.
Dự kiến, đến hết năm 2022, Dự án sẽ có hơn 5.000 bác sĩ, kỹ thuật viên, cán bộ y tế, giáo viên mầm non và cha mẹ trẻ khuyết tật triển khai mô hình ECDDI. Trên 170.000 trẻ sẽ được sàng lọc và ước tính trên 7.500 trẻ sẽ được đánh giá và phân loại khuyết tật. Khoảng 2.400 trẻ khuyết tật trí tuệ ở mức độ nhẹ và nặng, và/hoặc khuyết tật vận động sẽ được can thiệp và khoảng 500 trẻ sẽ được chuyển tuyến đến các trung tâm chuyên sâu để can thiệp sớm và phẫu thuật. Dự án hướng tới xây dựng một hệ thống mô hình ECDDI bền vững tại các tỉnh và có được sự ủng hộ từ các nhà hoạch định chính sách để triển khai mô hình ECDDI tại các địa phương khác.
Trong hơn 30 năm qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 126 triệu đô la cho các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam. USAID Việt Nam hiện đang tập trung hỗ trợ cung cấp các dịch vụ cho người khuyết tật nặng ở những khu vực bị phun rải nặng chất da cam. Dự án này là một phần trong những nỗ lực của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm khắc phục hậu quả từ cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Hoạt động này đóng góp vào nỗ lực của cả hai quốc gia trong việc vượt lên quá khứ, xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ song phương, đồng thời tạo thuận lợi cho quan hệ hợp tác an ninh không ngừng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và củng cố mối quan hệ bền chặt nhằm đạt được những mục tiêu phát triển trong tương lai.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.