Hồ Thầu ở Hà Giang, mảnh đất đẹp như cổ hứa hẹn vùng đất giàu tiềm năng du lịch
Thiên nhiên ban tặng cho nơi đây phong cảnh tuyệt đẹp với núi non trùng điệp, biển mây bồng bềnh, những cánh rừng nguyên sinh, thảm thực vật phong phú, cùng với con người và nền văn hóa đậm đà bản sắc... Tất cả hòa quyện tạo nên nét quyến rũ đặc trưng cho mảnh đất Hồ Thầu.
Bungalows nghỉ dưỡng phục vụ du khách của HTX Du lịch Hồ Thầu Ecovilla, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: YÊN HOA)
Hồ Thầu nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ quanh năm cùng phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Đây cũng là cung đường du khách đi qua để chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi, là ngọn núi cao thứ hai của Hà Giang, thuộc dãy Tây Côn Lĩnh, nằm trên cánh cung Tây Bắc.
Nếu là người yêu thích những cung đường khám phá, mạo hiểm của vùng núi cao thì chắc hẳn du khách không nên bỏ qua vùng đất này.
Đi qua Hồ Thầu, trên hành trình chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi, du khách sẽ được ngắm nhìn từ trên cao những thửa ruộng bậc thang kỳ vỹ, tham quan đồi chè Shan tuyết cổ thụ, khám phá rừng nguyên sinh với những cây hàng trăm năm tuổi phủ kín rêu xanh cùng những loài hoa rừng rực rỡ sắc màu.
“Biển mây” trên đỉnh Chiêu Lầu Thi, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: C.T.V)
Cùng với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những thửa ruộng bậc thang uốn quanh các sườn núi cheo leo, Hồ Thầu còn hấp dẫn du khách bởi nét văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Với hầu hết dân số là người Dao đỏ, những năm qua, bà con vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc với những lễ hội, trò chơi dân gian độc đáo, như Lễ hội Bàn Vương, Lễ Cấp sắc, trò Nhảy lửa, bói Lồng gà, múa bắt Rùa…
Những cây chè Shan Tuyết cổ thụ
Ngoài ra, du khách còn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất cùng người dân bản địa với các hoạt động như hái chè Shan tuyết, thu hoạch dược liệu, bắt cá chép ruộng, cấy lúa, nấu ăn…
Xác định đây là một điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương, thời gian qua, huyện Hoàng Su Phì đã đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ trung tâm huyện vào đến xã; bê – tông hóa các trục đường liên thôn.
Đặc biệt, xây dựng tuyến đường đua xe đạp, thiết lập các tuyến đi bộ dã ngoại từ đỉnh núi Chiêu Lầu Thi đến các khu rừng nguyên sinh nhằm phát triển loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm. Hỗ trợ các hộ vay vốn để cải tạo, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, mua sắm các trang thiết bị để phát triển homestay phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của du khách.
Chú trọng xây dựng, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch từ các sản vật của địa phương. Đồng thời, bảo tồn và phát huy các nét văn hóa truyền thống gắn với xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tân Phong để làm tiền đề cho du lịch văn hóa - lễ hội. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ cho du lịch như cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, điểm dừng chân…
Từ cuối năm 2018, Công ty Du lịch Hà Giang Trẻ đã tiến hành khảo sát, mở các tour du lịch khám phá cảnh đẹp và văn hóa dân tộc Dao dưới chân núi Chiêu Lầu Thi; khách hàng của công ty đến từ các thành phố lớn, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh với số lượng tham gia từ 60 - 90 người một chuyến. Chính quyền địa phương cũng thành lập HTX Du lịch Hồ Thầu Ecovilla với 7 thành viên; bungalows gồm 10 phòng nghỉ tại thôn Tân Phong của HTX hiện đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng, phục vụ hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng của du khách.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều hộ gia đình chủ động chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, đầu tư mua sắm vật dụng để làm dịch vụ homestay.
Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thầu, Phượng Chàn Nu cho biết: Được thiên nhiên ban tặng cảnh quan tươi đẹp cùng với lợi thế nằm trên cung đường khám phá đỉnh núi Chiêu Lầu Thi, cấp ủy, chính quyền xã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay, xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các gia đình nhân rộng loại hình du lịch cộng đồng; tích cực chỉnh trang, vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Chú trọng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc gắn với đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trình diễn lễ hội như Lễ cúng Bàn Vương, Lễ Cấp sắc, Nhảy lửa…tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Đồng thời, chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như sản phẩm thêu dệt thổ cẩm, dược liệu, thịt gác bếp, chè Shan tuyết, các nông sản của địa phương để phục vụ khách du lịch.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.