Họ khuyết tật và họ làm được, còn bạn thì sao?
Trung tâm Dạy nghề Từ thiện và Đào tạo việc làm cho Thanh Thiếu
Niên khuyết tật “Vì Ngày Mai” trú đóng tại Phố Viên, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc
Từ Liêm, thành phố Hà Nội được thành lập vào tháng 3 năm 2002, với mục đích hướng nghiệp, dạy nghề truyền thống và tạo việc
làm cho Thanh Thiếu niên khuyết tật. Hiện, Trung tâm có hơn 50 học viên khuyết tật, gồm các dạng tật khác nhau: Khiếm
thị, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ thể nhẹ, khuyết tật vận động… Các học
viên, hầu hết đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận phía Bắc. Đến với Trung tâm,
các em được học các nghề: may, thêu, thủ công mỹ nghệ, hoa lụa và
làm các sản phẩm lưu niệm từ giấy xoắn ....
Cô
Lê Minh Hiền – Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: “Trung tâm mở ra nhiều ngành nghề
cho người khuyết tật học là để góp phần mang lại hạnh
phúc nhỏ nhoi cho những người bị thiệt thòi do: nhiễm chất độc da cam, di chứng
chiến tranh, khuyết tật vận động, trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn… Quan trọng hơn cả là giúp họ vượt qua được mặc cảm, tự ti của bản
thân, sống hòa nhập cộng đồng".
Bản thân người khuyết tật đã thiệt thòi, khó khăn vì vậy việc
tham gia học và học tốt một nghề là nỗ lực không nhỏ. Từ đôi
tay khéo léo và nhẫn nại ấy, những con thú nhồi bông, tấm thiệp, hộp đựng bút,
quà lưu niệm, bức tranh, hay cả 12 con giáp… làm từ vải vụn, giấy xoắn thành
hình và khiến không ít người thích thú.
Sản phẩm làm từ giấy xoắn
Cái tài tình của "nghệ nhân" khuyết tật là cách chọn
màu, phối màu. Nâng một con giáp trên tay, ngắm nghía nó, bạn có thể nhận thấy người
tạo ra nó phải tỉ mỉ, kiên trì lắm mới có thể làm ra được những sản phẩm này. Và,
có lẽ, những người bình thường không đủ kiên nhẫn để có thể làm được.
Đối với các học viên nơi đây, đó là niềm vui nhỏ chứa đựng ước mơ vượt lên số phận tật
nguyền và làm động lực tiếp sức, cùng các bạn đồng cảnh cố gắng
mỗi ngày.
Các con giáp làm từ giấy xoắn
Chiếc cốc làm giấy xoắn bằng đôi bàn tay người khuyết tật
Ngắm
nhìn những con thú bằng vải vụn nhiều màu sắc, chúng ta đâu biết rằng để hoàn
thành một sản phẩm như thế thì người lao động khuyết tật phải trải qua bao
nhiêu công đoạn. Nếu như không đến đây, được tận mắt chứng kiến từ bước cắt vải
theo khuân, sau đó chuyển sang cho thợ may, rồi đến công đoạn nhồi bông và khâu
chân các con vật. Tất cả đều phải rất tỉ mỉ và đòi hỏi phải có năng khiếu thì mới
có thể làm được.
Những con thú làm bằng vải vụn
Đôi chân các em có thể không di
chuyển được, tai có thể không nghe thấy, thậm chí cả những em bị thiểu năng trí
tuệ, … Không phân biệt quê quán, tuổi tác, các em vẫn hăng say, hòa mình vào
công việc, những câu chuyện, những tiếng cười giòn giã như để xua tan đi những
mệt mỏi, những khó khăn của đời thường.
Em
Nguyễn Thị Thương - một học viên Trung tâm đến từ Thái Bình tâm sự: “Em mới vào
Trung tâm không được bao lâu, em tìm đến trung tâm là do một người bạn đã từng
học nghề ở đây giới thiệu. Công việc ở đây rất thoải mái, bạn bè sống rất vui vẻ
và hòa đồng. Hàng ngày, sau giờ học bọn em còn được giao lưu văn nghệ, chia sẻ
với nhau những vui buồn trong cuộc sống. Được ở đây, em thấy cuộc sống của mình
có ý nghĩa hơn…”.
Học nghề và có việc làm, có thu nhập, đóng góp
cho gia đình và xã hội là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của NKT. NKT không
nên có tâm lý chờ đợi mà cần chủ động liên hệ với các cơ quan, chính quyền các
cấp, cơ sở dạy nghề để nắm thông tin về các chương trình, đề án hỗ trợ NKT đang
thực hiện để chủ động đề xuất việc hỗ trợ cho NKT; Thành lập các tổ, nhóm sản
xuất, kinh doanh dịch vụ của NKT để cùng hỗ trợ nhau trong việc học nghề, làm
việc.
Chúng tôi rời khỏi Trung tâm khi trời đã xế chiều. Hình ảnh các em học viên chăm chỉ, say sưa làm việc cứ đeo bám suy nghĩ chúng tôi. Câu hỏi cứ ẩn hiện: Họ khuyết tật họ làm được những điều như vậy. Những người bình thường thì sao???
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.