Hội Doanh nghiệp của TB-NKT Hà Nội và 5 doanh nghiệp tiêu biểu
Tới thăm 5 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội có ông Dương Minh Đỗ - Chủ tịch Hội doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội VAIDE; ông Nguyễn Bá Trung - Phó Trưởng ban Công tác xã hội Tạp chí điện tử Hòa nhập; ông Vũ Văn Bính - Chánh văn phòng Hội doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội cùng các cán bộ văn phòng Hội doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội.
Trong những ngày đầu tháng 11-2023, Hội doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội đã tới thăm hỏi và cấp lại Giấy chứng nhận hội viên cho tổng cộng 5 doanh nghiệp bao gồm: Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại cựu chiến binh, Công ty Cổ phần đồng đội Việt Nam, Cơ sở sản xuất xe lăn Nguyễn Trung, Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Sao Đỏ, Thế giới bật lửa.
Ông Dương Minh Đỗ - Chủ tịch Hội doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội VAIDE trao giấy chứng nhận hội viên mới cho Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại cựu chiến binh
Ông Dương Minh Đỗ - Chủ tịch Hội doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội VAIDE trao giấy chứng nhận hội viên mới cho Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Sao Đỏ
Ông Hoàng Đức Đồng sinh năm 1951 hiện nay đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại cựu chiến binh, Ủy viên BCH Hội Doanh nhân CCB Thủ đô. Được thành lập từ năm 2006, Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại CCB gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày đầu khi mới thành lập, mặt bằng sản xuất kinh doanh phải đi thuê, vốn sản xuất kinh doanh phải đi vay ngân hàng. Đứng trước những khó khăn ấy, giám đốc công ty và ban lãnh đạo cùng với toàn thể anh chị em thương, bệnh binh, cựu chiến binh trong công ty luôn đoàn kết chia sẻ, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; phát huy bản chất người lính luôn luôn kiên định vững vàng vượt qua mọi thử thách. Ông Hoàng Đức Đồng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm với phẩm chất “Bộ Đội Cụ Hồ” gương mẫu, động viên tận tình giúp đỡ các cơ sở sản xuất của Công ty không ngừng sáng tạo, đổi mới công nghệ để đạt được những sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Bảo đảm an sinh, an toàn xã hội, không để xảy ra cháy nổ mất an toàn trong lao động sản xuất. Sở lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đã cấp giấy Chứng nhận đây là cơ sở sản xuất kinh doanh của Anh em Thương binh và Người tần tật có tỷ lệ 89% (Có trên 30 Thương binh, Bệnh binh, Cựu chiến binh).
Trong suốt 17 năm hoạt động, ông Đồng cùng với công ty tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ Hội Cựu Chiến binh thành phố Hà Nội và Hội Doanh nhân CCB thủ đô Hà Nội đã đóng góp cho cộng đồng xã hội hàng trăm triệu đồng để tổ chức các chương trình thiện nguyện: Chương trình “Chắp cánh ước mơ, vượt sông hồ tìm chữ” của Đài truyền hình Việt nam do TW Hội khuyến học Việt Nam tổ chức. Chương trình “Vì một trái tim khỏe” của Công ty CP truyền thông báo văn nghệ ANC Media và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Chương trình: “Mắt sáng người cao tuổi” do Hội người cao tuổi Việt Nam, MTTQ Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tiếp đó Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại CCB cũng làm rất tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, đưa đón hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang quê nhà. Hàng năm Công ty tổ chức cho anh em và các gia đình thương bệnh binh đi an dưỡng, nghỉ mát. Công ty tới thăm hỏi và tặng nhiều suất quà cho các đối tượng chính sách cùng các nạn nhân chất độc màu da cam nhân dịp ngày Thương binh 27/7, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, ngày Tết Nguyên Đán,…; giúp đỡ thường xuyên cho các gia đình cựu chiến binh và hỗ trợ cho hai cháu có tiền học để tốt nghiệp lớp 12. Trao tặng hàng chục xe cho thương binh và người khuyết tật. Hưởng ứng phong trào đồng bào Miền Trung bị thiên tai lũ lụt do Hội Doanh nghiệp CCB thành phố Hà Nội phát động. Đóng góp tiền ủng hộ xây dựng Nhà tình nghĩa cho 01 đồng chí Thương binh trong chi hội Doanh nghiệp CCB ở địa bàn quận Đống Đa. Hàng năm Công ty cũng đều tổ chức Tư vấn khám bệnh cho anh em và gia đình thương binh nhân ngày 27/7.
Ông Dương Minh Đỗ - Chủ tịch Hội doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội VAIDE trao giấy chứng nhận hội viên mới cho Công ty Cổ phần đồng đội Việt Nam
Công ty Cổ phần đồng đội Việt Nam do ông Nguyễn Đức Thắng sinh năm 1948 làm giám đốc điều hành. Ông Nguyễn Đức Thắng là một cựu chiến bịnh, thương Binh, chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy tại “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc”. Ông Thắng sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại huyện Lập Thạch, tỉnh Phú Thọ. Ngày 31/05/1965 năm 17 tuổi, ông tình nguyện đi bộ đội khi vừa học hết lớp 9/10. Ông là một chiến sỹ trinh sát của bộ đội tên lửa (ĐKZB). Trong một chiến đấu không cân sức với bọn biệt kích Mỹ ông đã bị trọng thương và bị địch bắt. Trong thời gian bị cầm tù ông đã tham gia sinh hoạt Đảng lãnh đạo quần chúng đấu tranh với kẻ địch như dậy văn hoá cho bạn tù, đào hầm vượt ngục. Ra tù, ông được phong tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ cấp 1 cùng với Bằng khen của Quân đội với thành tích “Có thành tích xuất sắc đấu tranh trong nhà lao”.
Được trao trả năm 1973, sau thời gian an dưỡng ông được chuyển ngành về Thành đoàn thanh niên cộng sản thành phố Hà Nội làm công tác giáo dục thanh niên chậm tiến. Đến năm 1979, ông được Thành uỷ Hà Nội cử đi học trường Đại học kinh tế Quốc dân. Năm 1983 ông ra trường và được cử về làm Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch của Tổng đội thanh niên tình nguyện xây dựng kinh tế thủ đô. Ông đã để nhiều công sức vào công tác đào tạo, dậy nghề và giải quyết việc làm cho các thanh niên xung phong hết nghĩa vụ và lao động dôi dư của đơn vị.
Với 40 năm công tác ông đã về hưu khi đơn vị ông cổ phần hoá vào năm 2005 và thành lập Công ty Cổ phần đồng đội Việt Nam vào đúng ngày 27/07/2007 với mong muốn khắc sâu những hy sịnh của đồng đội và những vết thương không bao giờ bù đắp được. Đó là vết thương tinh thần của hội chứng chiến tranh. Từ đó đến nay, ông vẫn khắc khoải xây dựng được chuỗi “Trung tâm” đón tiếp đồng đội Việt nam bên cạnh các di tích lịch sử nhà tù đế quốc để đón tiếp các đồng đội đến nghỉ dưỡng như một bảo tàng sống với các “nhân chứng sống” để các thế hệ sau kể cả khách Du lịch luôn nhớ đến thế hệ đi trược trong công cuộc đấu tranh kháng chiến trường kỳ, lãnh đạo thần thánh của Đảng để xây dựng, thống nhất đất nước của các dân tộc Việt Nam.
Ông Dương Minh Đỗ - Chủ tịch Hội doanh nghiệp của TB và NKT thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội VAIDE trao giấy chứng nhận hội viên mới cho Cơ sở sản xuất xe lăn Nguyễn Trung
Ông Nguyễn Trung là giám đốc của Cơ sở sản xuất xe lăn Nguyễn Trung. Ông sinh ra tại Điện Bàn (Quảng Nam) nhưng theo gia đình tập kết ra Bắc và sinh sống tại Hà Nội từ nhỏ. Năm 2 tuổi, chứng bệnh bại liệt đã cướp đi khả năng vận động của ông. Kể từ đó, cuộc sống của ông Trung gắn liền với những chiếc xe lăn. Trong kí ức của mình, ông Trung vẫn còn nhớ rõ chiếc xe lắc tay gắn với tuổi thơ được cha mình đặt làm tại một xưởng máy trên phố Quỳnh Lôi. Đó cũng là chiếc xe đầu tiên gắn bó với ông. Năm 1997, ông tốt nghiệp khoa tiếng Nga, Đại học Ngoại Ngữ (nay là Đại học Hà Nội). Những năm sau tốt nghiệp thời buổi kinh tế khó khăn, tấm bằng đại học tiếng Nga không giúp ông xin được việc làm. Ông phải làm nhiều nghề để kiếm sống: sửa chữa máy khâu, máy đánh chữ, dịch sách tài liệu tiếng Nga (đã từng dịch cho Nhà Xuất bản Kim Đồng, Nhà Xuất bản Thanh Niên....). Ông bị bệnh bại liệt từ năm lên hai, được ba sắm cho chiếc xe lăn nhưng chiếc xe lăn nặng, hay bị hỏng khiến việc di chuyển rất khó khăn.
Năm 1996, Tổ chức phúc lợi xã hội Asahi Shymbun của Nhật Bản tổ chức một dự án với tên gọi "Người đi xe lăn sản xuất xe lăn" với mục đích tập huấn cho những người khuyết tật tại các nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Bangladesh về bảo dưỡng và sửa chữa xe lăn. Nhờ sự giúp đỡ của ông Araishi và Công ty Kỹ thuật Xanh, ông Trung được cử sang tham gia buổi tập huấn tại Bangkok - Thái Lan . Lớp học này đã tạo những nền tảng kiến thức căn bản về xe lăn giúp ông Trung bắt tay vào làm những chiếc xe lăn đầu tiên.
Năm 1997 chiếc xe lăn đầu tiên của ông được xuất xưởng sau bao thời gian mày mò nghiên cứu, thử nghiệm. Ông bảo, lúc đó chẳng mấy ai tin chiếc xe lăn đó là do ông làm được, chỉ khi thấy ông di chuyển thuận tiện họ mới đến để xem, tận mục sở thị rồi họ mới bảo nhau đến đặt hàng. Khác với những chiếc xe lăn bình thường, xe lăn của ông Trung trở thành một thương hiệu riêng bởi tính tiện ích của nó. Những chiếc xe lăn được ông cẩn thận chế tạo theo đặc điểm của từng người để họ có thể dễ di chuyển dễ dàng. Xe được làm bằng những nguyên liệu dễ kiếm như ống inox, bánh xe đạp, vải dù, với tay lái nhẹ, dễ điều khiển, dễ sửa chữa khi hỏng. Tiếng lành đồn xa, chuyện về ông Trung ngồi xe lăn sản xuất xe lăn được nhiều người biết đến. Không chỉ làm mới, ông còn nhận sửa chữa xe lăn hỏng hóc cho rất nhiều người. Ông tâm niệm vừa làm vừa giúp người cùng cảnh ngộ nên ít tính đến chuyện lỗ lãi, quan trọng là người dùng cảm thấy thuận tiện, thoải mái.
Giờ dù đã hơn 70 tuổi, nhưng hàng ngày trong căn xưởng nhỏ của mình ít khi nào người đàn ông ấy ngơi tay, lúc nào mày mò tìm cách cải tạo xe lăn giá rẻ cho người khuyết tật. Đó là nghị lực vươn lên, "tàn nhưng không phế". Hơn ai hết ông cũng là người khuyết tật, mọi sinh hoạt đều gắn liền với chiếc xe lăn nên rất hiểu những khó khăn của những người không may mắn bị khuyết tật, không đi lại được. Tính tới thời điểm này, xưởng sản xuất của ông đã cho ra thị trường được gần 500 chiếc xe lăn, giúp ích cho nhiều người khuyết tật ở khắp mọi nơi. Trong đó, không ít người do đường sá xa xôi, sức khỏe không cho phép đến tận nơi, chỉ cần chụp ảnh hoặc gọi điện miêu tả là ông có thể làm đúng theo yêu cầu. Không chỉ nhận được đơn hàng đơn lẻ, ông còn nhận được những đơn hàng số lượng lớn của Hội bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồ côi Hà Nội, các công ty và một số tổ chức nước ngoài. Nói về ước mơ sắp tới của mình, ông Trung mong muốn mở rộng quy mô xưởng để nhận thêm đơn hàng, tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật có cùng cảnh ngộ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.