Hội thảo tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại Đồng Bằng Sông Cửu Long
2016-07-18 15:14:54
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Với mong muốn góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, ngày 16/7/2016 tại thành phố Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND thành phố Cần Thơ và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tổ chức Hội thảo với chủ đề “tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập và phát triển mạng lưới các hiện diện thương mại BIDV khu vực ĐBSCL.
Tham dự Hội thảo có gần 200 đại biểu, diễn giả, doanh nghiệp và các chuyên gia trong nước và quốc tế. Hội nghị vinh dự có sự tham dự của Ông Sơn Minh Thắng - UV TW Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Đại diện các cơ quan của Đảng, cơ quan trực thuộc các Bộ, Ngành (Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, NHNN, Ban KTTW) và lãnh đạo các Tỉnh, Thành phố và sở ban ngành thuộc khu vực ĐBSCL.
Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là địa bàn rộng và đông dân cư thứ hai trong các vùng kinh tế của Việt Nam. Diện tích tự nhiên là 40.548,2 km2 chiếm 12,26% diện tích cả nước với tổng dân số năm 2015 khoảng 18 triệu người, chiếm 19,6% cả nước. Nằm ở hạ lưu châu thổ sông Mê Kông với khí hậu cận xích đạo ôn hòa, ĐBSCL có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn, đặc biệt đối với các sản phẩm đặc trưng như lúa gạo, thủy hải sản, cây ăn trái chất lượng cao.
Diện tích đất nông nghiệp của ĐBSCL lên tới 3,8 triệu ha chiếm 27,2% diện tích đất nông nghiệp cả nước trong đó diện tích trồng lúa chiếm 52%. Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước trong đó chiếm hơn 50% giá trị sản lượng lúa, 70% giá trị sản lượng trái cây, 90% giá trị gạo xuất khẩu và gần 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Với tiềm năng lợi thế sẵn có, ĐBSCL đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển nông nghiệp nước ta nhưng những thành tựu trong ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của Đồng Bằng Sông Cửu Long vẫn chưa thể hiện được vai trò, vị thế đi đầu của địa phương trọng điểm nông nghiệp của cả nước, tạo động lực cũng như tính lan tỏa cho phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.
Để tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp cần có chính sách tập trung cho các khu vực trọng điểm đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Vì vậy chương trình hội thảo đã tập trung vào những nội dung chính như:
Thứ nhất, đánh giá thực trạng kết quả triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, cụ thể các vấn đề đi từ định hướng chính sách, cơ chế nguồn vốn tín dụng đến quá trình triển khai tại cơ sở, địa phương và các đơn vị tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất ngành.
Thứ hai, kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp nông nghiệp triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực lúa gạo, cây ăn quả và thủy sản là những sản phẩm chủ lực tại ĐBSCL. Trong đó có thể chia sẻ các vấn đề trong nghiên cứu, ứng dụng giống cây trồng vật nuôi; vấn đề chế biến bảo quản sau thu hoạch, cơ giới hóa; những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai.
Thứ ba, tổ chức thảo luận tìm kiếm những giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp tại ĐBSCL trong tương lai. Nội dung thảo luận sẽ tập trung vào các vấn đề từ cơ bản như hoàn thiện chính sách, cơ chế vốn tín dụng cho đến các nội dung tăng cường ứng dụng KH&CN ngành nông nghiệp cụ thể như tăng cường liên kết chuỗi giá trị ngành trong nghiên cứu ứng dụng KH&CN, gắn kết giữa ứng dụng với nhu cầu thực tế trong sản xuất; đào tạo, chuyển đổi, xử lý lao động dôi dư trong quá trình giải phóng sức lao động nhờ ứng dụng KH&CN.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các chủ đề xung quanh thực trạng và giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có tham luận với chủ đề “Thực trạng và giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp”. Hội thảo cũng đã nghe báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ về Kết quả triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL; báo cáo của Vụ tín dụng các ngành kinh tế -NHNN về Kết quả cho vay các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam” cùng các bài tham luận của các diễn giả, doanh nghiệp trong và ngoài nước Chia sẻ về những kết quả thực tế về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, trong lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, rau quả…
Tại Hội thảo, BIDV đã ký kết tài trợ nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại địa bàn ĐBSCL với mức kinh phí 05 (năm) tỷ đồng. Với cam kết hỗ trợ này, BIDV sẽ tập trung hỗ trợ cho công tác nghiên cứu lai tạo giống mới, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tập trung cho các lĩnh vực thủy sản và cây ăn quả là những ngành hàng nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL.
BIDV mong muốn hội thảo sẽ xây dựng được một phần cơ sở, đặt nền móng cho việc nhận thức để giải quyết vấn đề, gợi ý và cung cấp cho Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền những luận cứ và giải pháp tốt nhất để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trong tương lai.
Năm 2016 đánh dấu mốc 59 năm thành lập và phát triển hệ thống BIDV, cũng là dấu mốc 40 năm hiện diện thương mại của BIDV tại khu vực ĐBSCL. Bốn mươi năm qua, với nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, hệ thống BIDV tại địa bàn đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từ 9 chi nhánh ban đầu, tới nay mạng lưới của BIDV liên tục mở rộng và phát triển với 28 Chi nhánh, 89 Phòng giao dịch, 141 máy ATM, 457 máy POS bao phủ khắp 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, với gần 2.700 cán bộ, hoạt động đa năng, triển khai các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. BIDV đã vươn lên trở thành NHTM đứng đầu tại địa bàn về mạng lưới (11%), về thị phần tín dụng (15%), về huy động vốn (12,5%), cụ thể, Huy động vốn tăng gấp 108 lần, đạt ~30 ngàn tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng gấp 70 lần, đạt ~45 ngàn tỷ đồng, cơ cấu huy động vốn và tín dụng chuyển dịch theo hướng an toàn, ổn định, chất lượng hoạt động dịch vụ ngày càng được cải thiện, tăng gấp 354 lần, đạt ~200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng chênh lệch thu chi của các chi nhánh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Diệu Thúy