Hơn 1.500 trẻ mồ côi do Covid-19 ở TP.HCM sẽ được chăm sóc ra sao?
Ảnh minh họa.
Hiện TPHCM đang tiếp tục tổng hợp danh sách trẻ em mồ côi cha, mẹ vì dịch COVID-19 để kịp thời ban hành chính sách chăm lo lâu dài trong thời gian tới. Tùy theo điều kiện thực tế và nguyện vọng của các em cũng như người thân, Thành phố sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ trước mắt và lâu dài cho từng nhóm. Trong đó ưu tiên phương án nuôi dưỡng trẻ trong cộng đồng, tạo điều kiện cho các em tiếp cận giáo dục đến hết 18 tuổi.
UBND TPHCM đã có văn bản gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho trẻ mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19. Theo đó, toàn bộ hoạt động hỗ trợ của tổ chức, cá nhân chăm lo cho nhóm đối tượng này phải thông qua sự quản lý và điều phối của UBND phường, xã, thị trấn để đảm bảo tính chu đáo, kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch và đúng pháp luật.
Các địa phương được giao xây dựng kế hoạch tổ chức quản lý, chăm sóc chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho các em, đồng thời chủ trì vận động các tổ chức, cá nhân có tâm nguyện tham gia tùy khả năng.
Sở LĐTB&XH TPHCM mới đây đã đề nghị các quận, huyện, TP. Thủ Đức, Ban Tôn giáo Thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tham mưu chính sách chăm lo cho trẻ mồ côi vì COVID-19.
Theo đó, việc nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng trẻ đến khi hoàn thành chương trình phổ thông trung học, đại học, cao đẳng hoặc trao học bổng hằng năm, học bổng dài hạn… đang là những giải pháp chính được tham mưu nhằm kịp thời hỗ trợ cho trẻ em thuộc trường hợp này.
Các mô hình hỗ trợ trẻ em mồ côi do COVID-19 tại TPHCM hiện nay không thiếu, nhưng theo một số chuyên gia, hoạt động này cần có sự đồng bộ, thấu hiểu, đúng đối tượng thì mới đạt hiệu quả. Muốn vậy, cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát toàn diện, nắm rõ hoàn cảnh từng trường hợp để có phương án hỗ trợ phù hợp, tránh “cào bằng” hoặc nơi quá nhiều, nơi lại thiếu thốn.
Trước mắt, nhóm trẻ này cần được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất về nơi ăn, chỗ ở cũng như nhu cầu về tinh thần, tình cảm. Về lâu dài, việc học tập, nuôi dưỡng các em cần được tính toán kỹ để tránh những ảnh hưởng tiêu cực không đáng có.
Theo ông Trần Công Bình, chuyên gia quan hệ đối tác thuộc UNICEF tại Việt Nam, sự giúp đỡ kịp thời của cơ quan Nhà nước trong trường hợp này là rất cần thiết. Để bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp, chúng ta cần sự trợ giúp kịp thời, đáp ứng những nhu cầu cơ bản và các vấn đề các em gặp phải. Bên cạnh đó, cũng cần có kế hoạch lâu dài để bảo đảm mọi trẻ em đều được chăm sóc, không bị bỏ lại phía sau.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.