Thí điểm mô hình kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật theo yêu cầu
Bà Châu Thị Minh Anh, Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em (Cục Trẻ em – Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Luật trẻ em năm 2016 quy định, "trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hoà nhập xã hội. Luật người khuyết tật năm 2010 quy định "Ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em"; "Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật"; "Với trẻ em sơ sinh kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, phục hồi chức năng phù hợp".
Hộ trợ trẻ khuyết tật được học tập
Hiện Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em trong đó có trẻ em khuyết tật. Về chăm sóc sức khỏe, trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế trong đó có trẻ em khuyết tật. Trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo; trẻ em ở vùng hải đảo, dân tộc sống ở vùng đặc biệt khó khăn được nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế, trẻ em thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% chi phí mua thẻ BHYT. Cùng với đó là chính sách tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Quyết định số 55a/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh.
Trẻ khuyết tật được quan tâm hỗ trợ phát triển giáo dục đặc biệt giáo dục mầm non, tiểu học. Về chính sách hỗ trợ giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt: Miễn /giảm học phí và hỗ trợ đồ dùng học tập cho trẻ em khuyết tật; hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cho trẻ khuyết tật. Nghị định 136/2013/NĐ- CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trong đó có trẻ em khuyết tật nặng, đặc biệt năng, trẻ KT thuộc hộ gia đình nghèo được hưởng thêm các khoản trợ cấp thường xuyên (Mức 270.000 đ/tháng theo hệ số). Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.
Hiện nay có một số dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật tại cộng đồng: Trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh, văn phòng tư vấn trẻ em cấp huyện, các điểm tham vấn cộng đồng, các điểm tham vấn trường học, các Trung tâm bảo trợ xã hội nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt trong đó có trẻ em khuyết tật, phòng khám tư vấn cho trẻ em, trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật. Tổng đài quốc gia 111 được hình thành và hoạt động 24/24 trong ngày đã hỗ trợ kỹ năng, tư vấn chính sách, tư vấn giới thiệu dịch vụ cho trẻ em.
Bà Minh Anh cho biết, một số địa phương có đội ngũ cộng tác viên về công tác xã hội nhằm hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc trẻ, theo dõi đánh giá nhu cầu của trẻ để hỗ trợ. Mạng lưới kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật được hình thành và thí điểm triển khai tại một số địa phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Trẻ em, hiện nay, kiến thức, kỹ năng về chăm sóc trẻ em khuyết tật của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em tại các gia đình còn hạn chế. Tỷ lệ trẻ em khuyết tật đươc tiếp cận với các dịch vụ xã hội còn thấp: Khoảng 35% trẻ em khuyết tật được phục hồi chức năng; 78% trẻ em khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế; Khoảng 41% trẻ em khuyết tật được đi học.
Việc tiếp cận các công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao còn rất hạn chế và chưa đánh giá được. Việc phát hiện sớm khuyết tật và can thiệp sớm chưa thực sự được phát triển, đặc biệt là các khuyết tật về thần kinh, tâm thần, các khuyết tật về gen. Chưa theo dõi, đánh giá được tình hình trẻ em khuyết tật tiếp cận với dịch vụ chăm sóc dinh dưỡng, tâm lý, bảo vệ khỏi xâm hại, bạo lực. Chưa thống kê, cập nhật, quản lý được toàn bộ trẻ em khuyết tật và đánh giá được nhu cầu của trẻ em khuyết tật tại cộng đồng. Việc tiếp cận dịch vụ của nhiều trẻ em khuyết tật thuộc hộ gia đình nghèo còn khó khăn do không đủ chi phí cho trẻ. Hiện nay, các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật tại gia đình và cộng đồng vẫn còn thiếu và phân tán; Thiếu các hướng dẫn về chăm sóc toàn diện cho trẻ em khuyết tật tại gia đình và cộng đồng.
Cũng theo bà Minh Anh, Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại gia đình, cộng đồng giai đoạn 2018-2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng để được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật. Một trong những nội dung của Đề án là thí điểm triển khai các mô hình: Kết nối dịch vụ hỗ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em theo nhu cầu; Mô hình phục hồi chức năng tại gia đình; Mô hình tư vấn phát hiện sớm trẻ em khuyết tật; Mô hình hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật tại gia đình; Mô hình chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật.
* Tiêu đề bài viết do Hòa Nhập đặt lại. Tiêu đề gốc: Kết nối dịch vụ để hỗ trẻ em khuyết tật
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.