"Khan hiếm" giáo viên mầm non sau đại dịch Covid-19
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non, với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, số trẻ em theo học tại các cơ sở tư thục là hơn 158.000, chiếm 30%. Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 với các cơ sở này là rất lớn.
Gần 1 năm tạm dừng hoạt động, nhiều trường mầm non rơi vào cảnh không còn “giáo viên cơ hữu”. Một số trường muốn giữ chân được giáo viên thì tìm cách lách luật khi kết nối với phụ huynh để triển khai các nhóm trông trẻ ở các khu dân cư. Tuy nhiên, khi Hà Nội có quyết định đón trẻ trở lại trường, việc tuyển giáo viên khó khăn hơn bao giờ hết.
Không riêng Hà Nội, tại TP.HCM hơn nửa năm phải đóng cửa do dịch Covid-19, nhiều trường mầm non lâm vào tình trạng thiếu hụt giáo viên trầm trọng. Phần vì một số giáo viên về quê tránh dịch, nay dù TP.HCM, Đồng Nai và các tỉnh đã chuyển qua trạng thái bình thường mới nhưng họ không trở lại làm việc. Trong khi đó nhiều giáo viên trong thời gian trường không mở cửa, không có thu nhập đã tìm việc làm khác để trang trải cuộc sống nay cũng không trở lại trường làm việc.
Chia sẻ trên báo Tin tức, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, người sáng lập Mầm non Việt Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, ngay khi Hà Nội có thông tin bậc tiểu học được trở lại trường, trường đã đăng thông tin tuyển giáo viên trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, đến khi có quyết định chính thức thì nhu cầu tìm giáo viên ngày càng cao. Điều các chủ trường đang gặp phải chính là việc khó thu hút giáo viên trở lại.
Còn cô Nguyễn Thị Thanh Mai (Chủ trường mầm non Ánh Sao, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Giáo viên của trường từng phải làm nhiều nghề khác nhau mưu sinh trong mùa dịch. Việc trải nghiệm công việc mới như bán hàng online, bán thực phẩm sạch, nhân viên kế toán, thu nhân… tạo mức thu nhập cao trung bình từ 8-10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, giáo viên cứng thu nhập cũng dừng ở mức 6-8 triệu đồng/tháng, nhưng thời gian làm vất vả, từ 7 giờ sáng đến 17-18 giờ chiều và nghề thì bấp bênh...”.
Đấy là một trong những nguyên do khiến giáo viên không mặn mà quay lại làm việc.
Theo Vietnamnet, bà Vũ Thị Ánh Thy, chủ trường mầm non Đam Ri ở Biên Hoà, Đồng Nai cho hay dù trong đợt dịch Covid-19 nhà trường đã hỗ trợ lương cơ bản để giữ chân đội ngũ nhưng một số giáo viên xin nghỉ để về quê tránh dịch, sau đó họ ở lại quê luôn nên trường thiếu hụt giáo viên. Hiện trường đang cần tuyển gấp 10 giáo viên mầm non, với mức thu nhập trung bình thấp nhất khoảng 7 triệu/tháng chưa kể các chế độ khác.
Để tuyển dụng, nhà trường đã đăng tải thông tin lên website, Facebook đồng thời nhờ người quen hoặc các giáo viên tìm kiếm hỗ trợ. Theo bà Thy, trường đã chuẩn bị đầy đủ các cơ sở vật chất, đội ngũ để đón học sinh trở lại vào ngày 14/2. Nếu trước đây trung bình 3 giáo viên/lớp thì với đội ngũ hiện tại sẽ 2 giáo viên/lớp. Bà Thy ước lượng học sinh quay lại trường chỉ đạt khoảng 50% nên trước mắt với đội ngũ này vẫn đảm bảo chất lượng giảng dạy nhưng về lâu dài sẽ cần phải bổ sung thêm đội ngũ.
TP.HCM cho trẻ mầm non trở lại trường từ ngày 14/2.
Bên cạnh giáo viên, trường mầm non cũng phải tìm người nấu ăn, phục vụ. Chị Thanh Trang cho biết, nếu không gọi được đầu bếp, trường phải huy động người trong gia đình để nấu ăn cho trẻ trong thời gian đầu khởi động lại trường.
Đau đầu về nhân sự, các trường còn phải đối mặt với việc kiện toàn cơ sở vật chất. Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường mầm non cần thời gian rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, khu vui chơi nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Ngoài ra, các nhà trường cũng lau dọn, vệ sinh khử khuẩn phòng học, bàn ghế, đồ dùng học tập, lên các phương án đón trẻ đảm bảo an toàn phòng chống dịch để dạy học trực tiếp bền vững.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.