Không có chuyện tăng trưởng phụ thuộc vào dầu thô
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong phát biểu của mình, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách đánh giá cao những điểm sáng trong chỉ đạo điều hành, quyết liệt chấn chỉnh lập kỷ cương, quyết tâm cao của Chính phủ nhằm đạt những chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát.
Đại biểu cũng đồng tình với nhận định trong báo cáo của Chính phủ là tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô, năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016.
Tuy nhiên, đề cập đến "khoảng lặng tăng trưởng kinh tế", đại biểu cũng cho rằng, tăng trưởng đang phải "bù đắp từ khai thác thêm dầu". Theo đó, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.
Phân tích thêm, ông cho biết, theo tính toán một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3% tăng trưởng GDP, nên nếu không có yếu tố này, GDP chỉ đạt 6,4-6,6%.
"Như vậy, tăng trưởng vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu. Đây là khoảng lặng trong tăng trưởng 2017 cần nhìn nhận", ông Hàm nói.
Phát biểu sau đó, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) - thành viên của Uỷ ban Tài chính ngân sách – lại bày tỏ không đồng tình với ý kiến trên. Dẫn chứng từ báo cáo của Chính phủ, ông nêu rõ, năm 2016 khai thác dầu thô là 15,2 triệu tấn. Kế hoạch năm 2017 khai thác 13,28 triệu tấn, nhưng thực hiện 13,55 triệu tấn.
Như vậy, khai thác dầu thô năm 2017 tăng gần 200.000 tấn, trong khi năm 2016 khai thác "hụt" 1,6 triệu tấn so với kế hoạch.
"Một triệu tấn dầu thô góp 0,25% vào tăng trưởng, nên năm 2016 tăng trưởng âm về dầu thô", ông Chiểu kết luận và dẫn tiếp số liệu về khai thác than: Năm 2016 khai thác hơn 38,7 triệu tấn than, kế hoạch năm nay hơn 40 triệu tấn nhưng thực tế chỉ khai thác hơn 38 triệu tấn.
“So với kế hoạch chúng ta đào hụt hơn gần 2 triệu tấn than”, ông Chiểu nói và cho rằng so với 2016, công nghiệp khai thác dầu, than và sản xuất xi măng đều tăng trưởng âm.
“Đây là số liệu Chính phủ gửi cho đại biểu. Trong khi đó đại biểu nói chúng ta khai thác vượt 1,2 triệu tấn... Không hiểu số liệu đó lấy từ đâu ra?” đại biểu hỏi và khẳng định: “Chúng ta đánh giá Chính phủ như vậy là không thỏa đáng”.
Ngay sau đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm giơ biển tranh luận. Ông cho rằng, trong bài phát biểu, ông thống nhất với báo cáo của Chính phủ về việc đang giảm tăng trưởng dựa vào dầu thô.
Tuy nhiên, đại biểu Hàm cho rằng, báo cáo Chính phủ thêm chỉ tiêu như quy đổi ra giá từng tỷ trọng của các yếu tố tăng trưởng để dễ so sánh, dễ hình dung.
Về số liệu đại biểu Chiểu nói "không biết lấy từ đâu ra", ông Hàm dẫn lại báo cáo số 193 của Chính phủ ngày 16/5 đề cập, thực hiện cả năm sản lượng dầu thanh toán đạt 13,57 triệu tấn và tăng 1,29 triệu tấn. Nghĩa là đã khai thác và thanh toán vượt 1,29 triệu tấn, thực ra thanh toán này mới ảnh hưởng GDP.
“Đây là số liệu của Chính phủ, tôi đánh giá cao Chính phủ vì chúng ta đã thoát dần tăng trưởng phụ thuộc dầu thô vì đây là của để dành. Song bức tranh tăng trưởng cần nhìn nhận thực chất, tăng trưởng dầu thô là khai thác tài nguyên, không phải xuất phát từ sản xuất kinh doanh”, đại biểu Hàm nói.
Tiếp sau đó, đại biểu Trần Quang Dũng (Quảng Nam) cũng bày tỏ không đồng tình với nhận định "tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào dầu thô". Ông minh chứng bằng con số thu ngân sách Nhà nước năm 2017, mức 1,28 triệu tỷ đồng, thu dầu thô trên 49.000 tỷ đồng, chiếm 3,8%.
"Số đóng góp của dầu thô trong tổng ngân sách chỉ 3,8% là không lớn. Như vậy, phát biểu của đại biểu Hàm dễ gây hiểu nhầm tăng trưởng 2017 chủ yếu từ dầu thô. Dầu thô có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nhưng không phải tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào dầu thô", ông Dũng phản biện.
Theo đại biểu, thực tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào thu nội địa - tăng hơn 41.000 tỉ đồng, chiếm hơn 54% thu NSNN năm 2017.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.