Kích cầu du lịch
Liên kết hợp tác kích cầu
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6, mặc dù hoạt động du lịch nội địa đã bắt đầu sôi động trở lại, song doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng ước tính đạt 10,3 ngàn tỷ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch đều có doanh thu lữ hành 6 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, như Khánh Hòa giảm 73,5%; TPHCM giảm 71,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 66,2%; Quảng Ninh giảm 60,8%; Cần Thơ giảm 55,8%; Quảng Bình giảm 52,3%; Thanh Hóa giảm 47,1%; Hà Nội giảm 44,2%; Đà Nẵng giảm 44%; Hải Phòng giảm 28,9%...
Theo nhận định của các chuyên gia, du lịch nội địa tuy đã mở cửa trở lại nhưng vẫn chưa thực sự sôi động bởi thời điểm tháng sáu, học sinh và sinh viên chưa nghỉ hè. Bên cạnh đó, việc tạm dừng tiếp nhận khách du lịch quốc tế để phòng chống dịch Covid-19 đã khiến cho doanh thu lữ hành sụt giảm nghiêm trọng.
Cũng theo số liệu thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng sáu ước tính đạt 8,8 ngàn lượt người, giảm 61,3% so với tháng trước và giảm 99,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.744,5 ngàn lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 3.040,5 ngàn lượt người, chiếm 81,2% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 54,3%; bằng đường bộ đạt 559,6 ngàn lượt người, giảm 66,8%; bằng đường biển đạt 144,3 ngàn lượt người, tăng 3,7%. Khách đến từ châu Á đạt 2.729,6 ngàn lượt người, giảm 58,4% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 666,1 ngàn lượt người, giảm 42%; khách đến từ châu Mỹ đạt 234,4 ngàn lượt người, giảm 54,8%; khách đến từ châu Úc đạt 102,3 ngàn lượt người, giảm 54,4%; khách đến từ châu Phi đạt 12,1 ngàn lượt người, giảm 46,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Du khách nước ngoài tham quan Bến Dược - Củ Chi (TPHCM)
Các doanh nghiệp lữ hành cũng kỳ vọng, khi tình hình dịch Covid-19 trên thế giới được cải thiện, việc mở cửa trở lại một số tuyến hàng không quốc tế sẽ đem tới nhiều số liệu tích cực với ngành công nghiệp không khói.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, sau 6 tháng triển khai thực hiện thỏa thuận liên kết hợp tác, dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã đạt được những kết quả bước đầu. Tiêu biểu như, chỉ khoảng 2 tháng không bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh đã có trên 50.000 lượt khách du lịch đăng ký mua tour tại 5 doanh nghiệp lữ hành lớn của TP.HCM để đi du lịch đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Hình thành những sản phẩm du lịch mới, với 3 tuyến du lịch mới được xây dựng kết nối TP.HCM với các địa phương ĐBSCL gồm: Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biên và Non nước hữu tình. Ngoài ra, hiện TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đã hình thành cơ chế thông tin, liên lạc để giải quyết các công việc trong thực hiện thỏa thuận, liên kết phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các hoạt động kích cầu du lịch được đẩy mạnh, các chương trình đào tạo về quản lý khách sạn nhỏ và homestay được phối hợp thực hiện hiệu quả...
Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh hợp tác, khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch. Từ đó, tạo thương hiệu thúc đẩy du lịch TP.HCM và vùng ĐBSCL phát triển hơn nữa. Tiềm năng phát triển du lịch của khu vực ĐBSCL là rất lớn, với hệ thống tài nguyên du lịch tương đối phong phú và đa dạng, có nét đặc thù riêng như: du lịch biển đảo, du lịch sinh thái sông nước đô thị, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa, chợ nổi, du lịch tâm linh... Tuy nhiên, việc phát triển du lịch của ĐBSCL chưa phát huy tiềm năng và lợi thế như: không gian du lịch vùng bị gián đoạn, nhiều địa phương làm du lịch còn tự phát, thiếu chuyên nghiệp và tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch giống nhau, dễ gây nhàm chán. Liên kết vùng giữa TP.HCM và ĐBSCL cần được thực hiện một cách cụ thể, quyết liệt của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, ĐBSCL cần quan tâm xây dựng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của vùng.
Giải pháp hỗ trợ mạnh hơn
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngành này đặt mục tiêu sau 2 tháng sẽ khôi phục du lịch nội địa để sau đó bàn đến chuyện đưa khách quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy, sản phẩm trong chương trình được xây dựng hướng tới hấp dẫn du khách theo 2 dạng: giá giảm nhưng dịch vụ không thay đổi và giá không thay đổi nhưng tặng thêm dịch vụ. Đây là giai đoạn kích cầu, vì thế doanh nghiệp phải chấp nhận hi sinh, nhận thiệt thòi về mình nhiều hơn. Hiện nay, mức giá đưa ra đã rất có lợi cho du khách nhưng chương trình kích cầu không thể kéo dài mãi mà sẽ tùy tình hình để thay đổi.
Vườn nhãn trong Khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh - Phong Điền - TP. Cần Thơ
Trên thực tế, nếu các doanh nghiệp giảm giá 25% hay giảm sâu hơn nữa mà không có khách thì cũng không giải quyết được bài toán tổng thể. Trong khi đó, việc bị ảnh hưởng sau dịch bệnh đang khiến doanh nghiệp khó khăn mọi bề nên để tăng chất lượng dịch vụ là điều khó. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành Du lịch đang rất cần các giải pháp kích cầu bằng chính sách của Nhà nước để phát triển du lịch nội địa.
Tổng cục Du lịch Việt Nam dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, khách du lịch nội địa sẽ chiếm tới 95% tổng lượng khách trong năm 2020. Vì vậy, phải làm sao để kích cầu du lịch nội địa, để du lịch nội địa bù đắp được cho việc sụt giảm nghiêm trọng lượng khách quốc tế. Theo đó, cần giảm sâu hơn nữa các loại thuế, phí dịch vụ đi kèm để kích thích du lịch trong bối cảnh hiện nay. Đơn cử như trong lĩnh vực hàng không, vừa qua Bộ Tài chính đã đề xuất phương án giảm 30% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay. Với phương án này, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu máy bay sẽ giảm 900 đồng/lít, từ mức 3.000 đồng xuống còn 2.100 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm này so với mặt bằng chung của các nước khác vẫn còn thấp và theo đánh giá là chưa hỗ trợ thực sự mạnh mẽ cho ngành hàng không.
Hiện nay, các doanh nghiệp hàng không đang đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động. Sự ngưng trệ của ngành này đã kéo theo tác động tiêu cực của các ngành kinh tế mũi nhọn, như thương mại, dịch vụ, du lịch… bởi vai trò quan trọng của ngành Hàng không trong việc cung ứng các dịch vụ trung gian liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hành khách và hàng hóa.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng, mức giảm hiện nay thực ra vẫn thấp so với một số nước trong khu vực. Một số nước trên thế giới đã sử dụng công cụ thuế, trong đó có thuế đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trước dịch Covid-19 như Trung Quốc thực hiện miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay; Úc miễn thuế tiêu thụ nhiên liệu hàng không, phí dịch vụ hàng không nội địa và an ninh hàng không; Ấn Độ tạm thời dừng hầu hết các loại thuế trong ngành hàng không; Thái Lan giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu trong 7 tháng cho các đường bay nội địa.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng còn rất nhiều giải pháp khác mà Nhà nước có thể sử dụng để chung tay cùng tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch. Bởi đây là ngành tạo nhiều việc làm, tạo tác động lan tỏa cho nhiều ngành kinh tế khác. Cần thực hiện việc giãn thời gian nộp thuế, miễn thuế cho các doanh nghiệp du lịch đề nghị được áp dụng cho doanh thu quý III và quý IV/2020, vì trong 2 quý đầu năm các DN cơ bản không có doanh thu.
Về giá điện của các cơ sở lưu trú du lịch, đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành Điện lực áp dụng tính theo giá điện sản xuất thay cho tính giá điện dịch vụ như hiện nay, đồng thời thời gian thay đổi cách tính giá điện như vậy sẽ tính cho hết năm 2020, thay vì chỉ trong các tháng 4, 5, 6 như quy định hiện hành. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương thống nhất chủ trương mở cửa các điểm tham quan du lịch và dịch vụ, có chính sách hỗ trợ khách du lịch như miễn, giảm vé tham quan…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.