Lần đầu tiên ra mắt câu lạc bộ hát xẩm của người khiếm thị
Ra mắt CLB Hát Xẩm Tâm Việt (Ảnh: Nguồn langngheviet.com)
Tại buổi lễ ra mắt có sự tham gia của lãnh đạo Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù thành phố Hà Nội, một số Chiếu xẩm, câu lạc bộ, hội, nhóm trong cả nước như: chiếu xẩm Hải Phòng, chiếu xẩm Hà Thị Cầu...
Hát xẩm là loại hình âm nhạc vô cùng đặc sắc bởi ở đó là cả một thế giới nội tâm, chứa đựng tâm tư, tình cảm của con người đối với quê hương, đất nước, ca ngợi công cha nghĩa mẹ, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình anh em, bạn bè... Các bài hát xẩm thường đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống. Đặc biệt, các nghệ nhân hát xẩm thường chọn thơ văn có tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm để thể hiện trong các làn điệu xẩm.
Thời phong kiến, hát xẩm là tiếng nói phản kháng lên án những bất công cường quyền, áp bức, bênh vực thân phận bất hạnh nghèo khổ bị chà đạp. Các nghệ nhân hát xẩm còn thường xuyên cập nhật những vấn đề mang tính thời sự, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời…
Bên cạnh giá trị nghệ thuật, hát xẩm còn là loại hình âm nhạc dân gian mang đậm tính nhân văn, thẩm mỹ và giáo dục về đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp trong xã hội. Với lối kể sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn, hát xẩm là một loại hình âm nhạc có một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta. Không chỉ phục vụ cho đám đông ngoài xã hội, người nghệ sỹ xẩm còn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu như trong những dịp hội hè, cưới xin, ma chay, giỗ kỵ. Thậm chí, nhiều khi chỉ đơn giản là “nhờ bác xẩm đánh tiếng giùm” với cô nàng thôn nữ đang đứng bên đàng... Tuy nhiên, những thay đổi trong lịch sử đã khiến hát xẩm dần vắng bóng trong đời sống.
Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh phát biểu tại buổi ra mắt CLB (Ảnh: Nguồn VOV)
Việc ra mắt Câu lạc bộ hát xẩm Tâm Việt (Chiếu xẩm Tâm Việt) là một dấu mốc, ghi nhận sự quay lại của nghề hát xẩm trong đời sống sinh hoạt của người khiếm thị. Với sự giúp đỡ và hướng dẫn tận tình của Nghệ nhân Đào Bạch Linh, cùng nỗ lực cố gắng của các thành viên, CLB đã được thành lập, hoạt động thường xuyên và ngày càng phát triển.
Tại buổi ra mắt Câu lạc bộ Nghệ nhân Đào Bạch Linh chia sẻ: "Hát Xẩm ra đời từ khá lâu đời, trong quá trình phát triển hoạt động hát Xẩm, tôi cũng nhận thức là hát Xẩm bắt nguồn từ người khiếm thị, trong giai đoạn tôi hoạt động tôi không thấy người khiếm thị nào hát Xẩm, đó là điều rất lạ.
Sau đó, tôi bắt đầu đưa hát Xẩm tới những người khiếm thị từ những năm 2011, đến hôm nay câu lạc bộ hát Xẩm lần đầu tiên được thành lập kể từ khi phục hồi hát Xẩm đến nay. Đó là điều rất đáng mừng và tôi hy vọng sắp tới sẽ có nhiều nhóm, hội, câu lạc bộ nữa của người khiếm thị được thành lập. Một là góp phần trở thành một nghề kiếm sống, hai là người khiếm thị sẽ là đối tượng chính để gìn giữ, bảo tồn phát huy cũng như cùng chung tay vì cộng đồng những người yêu hát xẩm, để Xẩm được trở lại mạnh nhất”.
Trình diễn tiết mục "Ngãi mẹ sinh thành" - CLB hát xẩm Tâm Việt (Ảnh: Nguồn VOV)
Đầu năm 2022, hát Xẩm được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Từ thành công đó, Câu lạc bộ hát Xẩm Tâm Việt đã và đang có nhiều hoạt động đào tạo, biểu diễn, góp phần cùng cộng đồng bảo tồn, quảng bá và phát huy để hát Xẩm sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.