Lao động nghèo, sinh viên 'thắt lưng buộc bụng' trước đà tăng giá:
Đó là những người như chị Nguyễn Thị Thu (SN 1983, công nhân một công ty may tại Khu công nghiệp Vsip, Nghệ An). Chị vửa làm công nhân hơn 2 tháng nay. Tháng đầu vừa làm, vừa học, lương chị được 3,6 triệu đồng thì mất 1 triệu đồng tiền thuê trọ, 200 nghìn tiền điện nước, vị chi còn 2,4 triệu đồng.
Để tiết kiệm 50- 60.000 đồng tiền cơm bụi, chị tự túc nấu ăn. Tuần một lần, chị về quê mang rau củ nhà trồng lo bữa cơm tươm tất. Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua chị mắc Covid-19, đi làm chưa được bao lâu nên đồng lương bị cắt giảm. Đứng trước kỳ tăng giá mọi mặt hàng, chị Thu thêm phần hoang mang.
"Xăng tăng, rau củ tăng, xà phòng, dầu ăn, giá gas cũng tăng. Dù mỗi thứ tăng một chút nhưng với công nhân như chúng tôi, cộng lại các khoản chi phí cũng là vấn đề đáng lo, mua mớ rau, con cá cũng phải đắn đo. Tháng 3 này nghỉ mất 11 ngày, sợ lương không đủ mà chi tiêu", chị Thu buồn rầu.
Tương tự, vợ chồng anh Lê Ngọc Đạt, chị Phạm Thị Thương ở Nghệ An cũng chât vật không kém. Trước đây, hai vợ chồng thu nhập tầm 13-14 triệu đồng. Nhưng một năm qua chị Thương nghỉ việc ở nhà trông con, nội trợ, cơm nước để chăm con nhỏ nên kinh tế phụ thuộc chồng.
"Em cũng muốn đi làm đỡ đần anh ấy nhưng từ năm ngoái đến giờ do dịch Covid-19 nên không có cơ sở trông giữ trẻ nào mở nên đành phải ở nhà ôm con. 3 người trông chờ vào lương anh Đạt nên phải giật gấu vá vai mới đủ. Con nhỏ đang tuổi ăn dặm cũng phải đảm bảo dinh dưỡng, với lại chồng em công việc nặng nhọc, tăng ca tăng kíp, không thể ăn uống qua loa được, mà nay cầm 100 nghìn ra chợ không biết mua gì luôn", Thương kể.
Là sinh viên xa nhà, phải thuê trọ, vật giá tăng cũng ảnh hưởng không ít đến những người trẻ này. "Ngày thường em chỉ ăn 2 bữa thôi, hôm nào làm ca sáng mới ăn 3 bữa, còn không sẽ ngủ đến gần trưa, gộp bữa sáng và trưa làm một.
Em đi làm xa, vừa về nhà mượn bố mẹ chiếc xe máy lên để tiện di chuyển nhưng không may đúng dịp xăng tăng cao nên khá tốn kém. Việc ăn uống cũng khá đơn giản, tranh thủ thời gian rảnh thì đi chợ mua đồ để sẵn đó, đến bữa lại nấu. Giá thực phẩm tăng cao nên em chỉ mua ít ít đủ ăn", Hữu Phúc (22 tuổi) một sinh viên đang trong thời gian chờ tốt nghiệp ở TPHCM nói.
Ứng phó trước tình hình vật giá leo thang, người lao động khá đau đầu với bài toán chi tiêu.
Một người đàn ông than thở, trước đây mỗi tuần anh chi 50.000-60.000 đồng cho việc đổ xăng. Tuy nhiên, từ khi giá xăng tăng, mỗi tuần anh phải chi trả gấp đôi số tiền đó. Anh buộc dùng bếp gas thay cho bếp điện, chuyển nhà trọ chi phí thấp hơn, hạn chế mở đèn, mua thức ăn tại các khu chợ tự phát... để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Tằn tiện lắm nhưng cũng chỉ dư 1-2 triệu gửi về quê cho gia đình.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.