Lão nông U60 làm giàu từ quả thanh trà, thu nhập trên chục triệu đồng
Ông Huỳnh Văn Cập (57 tuổi), Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX thanh trà ngọt Đông Thành, TX.Bình Minh, Vĩnh Long) là người khởi xướng cho mô hình này. Xuất thân là nhân viên kế toán, 15 năm trước ông vừa đi làm vừa canh tác hơn 17 công vườn nhà, chủ yếu trồng bưởi và thanh trà… Nhận thấy tiềm năng của cây thanh trà, đặc biệt là thanh trà ngọt nên quyết tâm ‘lên rừng, xuống núi’ sưu tầm thanh trà ngọt ở khắp nơi về trồng thử nghiệm. Với đam mê và quyết tâm tìm một giống cây đặc hữu mang lại kinh tế cao của quê hương nên ông nghỉ hẳn ở nhà nghiên cứu về cây thanh trà ngọt.
Ông Cập cho biết, cây thanh trà có nhiều loại, khoảng 3 năm năm mới cho trái nên mất rất nhiều thời gian để chọn được giống thanh trà ngọt như ngày nay. Tìm được giống tốt ông bắt đầu chiết cành nhân giống trồng hết 40 công vườn nhà. Mất nhiều năm tìm tòi, mua giống về nghiên cứu đến năm 2012, ông Cập mới phát hiện ra một giống thanh trà ngọt phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Giống thanh trà ngọt do ông Năm Cập sản xuất có nguồn gốc trên vùng núi Hà Tiên, được người dân ở đây gọi là ‘xoài rừng’. Giống này sau 3 năm bắt đầu cho khoảng 5 kg trái chiến, mỗi năm sau sản lượng tăng dần và đến khoảng 9 năm là có thể mỗi cây cho từ 50 - 70 kg trái. Đặc biệt, mỗi năm cho một vụ đều đặn chứ không bỏ vụ như các giống thanh trà ngọt khác. Trái to hơn, hạt nhỏ, cơm dày và thơm hơn các giống khác.
Sau khi nhân giống thành công, ông bắt đầu chia sẻ với người dân trong vùng trồng, có thể thay thế cho những vườn bưởi cằn cỗi kém hiệu quả ở địa phương. Ông đã đăng ký và được Sở NN-PTNT Vĩnh Long chứng nhận vườn cây đầu dòng và cây giống thanh trà ngọt đầu dòng với sản lượng 90.000 cây giống/năm.
“Giống thanh trà ngọt này dễ trồng nhưng chiết cành rất khó, đòi hỏi nhiều kỹ thuật vì tỷ lệ đạt thấp, chỉ 40-50% sống. Ngược lại, lúc trồng thì dễ sống và dễ chăm sóc. Trung bình mỗi công trồng được từ 10 -12 cây, với cây khoảng 9 năm tuổi cho thu hoạch từ 50 - 70 kg. Với giá hiện tại 120.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí, trung bình mỗi công trồng thanh trà Năm Cập cho lợi nhuận hơn 70 triệu đồng. Giá nó luôn ổn định, bởi hiện tại loại ngọt này có rất ít, có trái bao nhiêu là bán sạch”, ông Cập phấn khởi nói
Sau khi thành công nhân rộng giống thanh trà ngọt năng suất cao này, ông Cập đang hướng đến đưa trái thanh trà Năm Cập vào siêu thị và hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài. Bởi trái thanh trà chính có màu vàng cam rất đẹp, mùi thơm, vị ngọt và có nhiều chất dinh dưỡng. Ông Cập đã gửi mẫu trái thanh trà ngọt của mình đến Viện Cây ăn quả miền Nam để phân tích. Kết quả tỷ lệ đồng đều trái đạt 98%, trung bình mỗi quả nặng 55 gram, tỷ lệ thịt đạt đến trên 70% và hàm lượng vitamin C của quả đạt gần 25 gram/100 ml…
Để đưa trái thanh trà ngọt Năm Cập ‘bay’ xa hơn, ông Cập đã thành lập HTX thanh trà ngọt Đông Thành - Bình Minh với 12 thành viên. Hiện ông đang sản xuất giống thanh trà ngọt Năm Cập bán ra thị trường với giá 130.000 đồng/cây. Nhằm mở rộng diện tích giống thanh trà ngọt năng suất cao này.
Hiện toàn xã Đông Thành có khoảng 17 ha trồng thanh trà, trong đó có khoảng 5 ha trồng chuyên thanh trà ngọt. Hiện tại đang vào mùa thanh trà, thanh trà chua chỉ dao động từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Quả thanh trà ngọt Năm Cập, đang có giá 120.000 đồng/kg, nhưng đang được rất nhiều thương lái đặt hàng, chỉ cần ông báo có quả chín họ sẽ đến tận vườn thu mua.
Cây thanh trà giống được người dân bán với giá 50.000 đồng/cây. Ngoài ra, những cây thanh trà trưởng thành và cổ thụ được người dân ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…mua về trồng trong các khu du lịch, biệt thự với giá hàng chục triệu đồng/cây.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.