Lễ hội chùa Thầy là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia
Về tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Trung tướng Khuất Việt Dũng, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền…
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn khẳng định, chương trình là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của huyện, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Bằng công nhận lễ hội truyền thống chùa Thầy là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Kim Nhuệ(Hà Nội Mới)
Ngay sau lễ đón danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là chương trình nghệ thuật đặc sắc, gồm nhiều tiết mục. Sau cùng là màn trình diễn Drone light các biểu tượng ảnh đặc trưng của quê hương Quốc Oai, về bản đồ huyện Quốc Oai; hình ảnh thủy đình với núi non đẹp lung linh; các hình ảnh đặc trưng của các di sản văn hóa ở Quốc Oai.
Một số hình ảnh màn trình diễn Drone light
Trong thời gian diễn ra lễ hội chùa Thầy, người dân và du khách còn được thưởng thức các nghi lễ truyền thống đặc sắc, như: lễ tế khai hội, lễ mộc dục, lễ phục nghinh bài vị, lễ cúng yên vị khai hội và rước lễ của các thôn trong xã Sài Sơn lên chùa Cả.
Cũng dịp này, Ủy ban Nhân dân huyện Quốc Oai còn tổ chức Tuần lễ Văn hóa Du lịch, Xúc tiến thương mại huyện Quốc Oai năm 2024. Tại khu vực chùa Thầy, Ban tổ chức bố trí 150 gian hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, ẩm thực, sản phẩm làng nghề, OCOP để khách thập phương đến tham quan, mua hàng.
Ban tổ chức lễ hội còn phối hợp với Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, vui chơi trải nghiệm, các trò chơi dân gian đánh đu, đấu vật, thưởng thức ẩm thực, xem trình diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”…
Các hoạt động này nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của huyện Quốc Oai. Đồng thời, từng bước khai thác tiềm năng và giá trị văn hóa nghệ thuật của quần thể Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Thầy theo hướng phát triển du lịch văn hóa lịch sử; tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch huyện Quốc Oai là điểm đến “An toàn-thân thiện-chất lượng-hấp dẫn.”
Chùa Thầy (tức chùa Cả) có tên chữ là Thiên Phúc Tự. Theo các tài liệu ghi lại, ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ (gọi là Hương Hải am), xây dựng từ trước thời Lý. Đến khi Lý Nhân Tông (1072-1127) lên ngôi Vua đã cho xây dựng lại.
Quần thể di tích và danh thắng chùa Thầy nổi tiếng với nhiều điểm tham quan, nhưng giá trị kiến trúc nổi bật nhất nằm ở 3 tòa của chùa Thầy với những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII.
Chùa Thầy là nơi gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có những đóng góp to lớn cho nhân dân, là ông tổ của bộ môn múa rối nước. Ông đã tu hành ở đây rồi hóa thánh tại một hang đá trên núi Thầy có tên gọi là hang Thánh Hóa.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.