Lễ hội áo dài Việt trong lịch sử Thủ đô nghìn năm văn hiến
2016-10-07 13:37:18
0 Bình luận
Hàng chục bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế sẽ mang đến những sắc màu độc đáo, thể hiện chiều dài lịch sử phát triển của Thủ đô nghìn năm văn hiến thông qua thời trang.
Hai trong số những thiết kế trong bộ sưu tập áo dài của Ngọc Hân sẽ giới tại lễ hội. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Với tinh thần chủ đạo đó, Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 sẽ quy tụ hàng trăm nghệ sỹ, nghệ nhân, nhà thiết kế… trên cả nước.
Theo ban tổ chức sự kiện, Festival này bao gồm chuỗi các hoạt động triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm, trang trí mỹ thuật, nghệ thuật sắp đặt và các chuyên đề về áo dài tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, số 19C, phố Hoàng Diệu, Hà Nội, từ ngày 14-16/10 tới.
Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 với chủ đề “Tinh hoa áo dài Việt Nam” là hoạt động khơi gợi giá trị truyền thống, gắn kết du lịch với tôn vinh truyền thống dân tộc.
Trong ba ngày diễn ra chương trình, người dân Thủ đô, khách du lịch trong nước và quốc tế sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội, trải nghiệm không gian nghệ thuật thiết kế cũng như cảm nhận nét tinh tế, trau truốt trong mỗi công đoạn làm nên một tác phẩm áo dài hoàn chỉnh.
Không gian lễ hội được ban tổ chức thể hiện thông qua các hoạt động trưng bày bộ sưu tập trang phục áo dài xưa độc đáo, trưng bày nguyên vật liệu, khung dệt, vải của làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng lụa Hội An (Quảng Nam), dệt lanh của người H’Mông (Hà Giang), dệt Zèng của người Tà Ôi (A Lưới, Thừa Thiên Huế).
Hơn 30 gian hàng thiết kế bằng tre, nứa… sẽ tái hiện quá trình hình thành và phát triển của tà áo dài Việt Nam trong lịch sử.
Các hoạt động trong khuôn khổ Festival này nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, kỷ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954-10/10/2016) và 86 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2016)./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Mai Mai/vietnamplus.vn