Liệt giường vì bạo bệnh, người phụ nữ khuyết tật ở Phú Thọ vươn lên sống mạnh mẽ
Chị Hằng (tên đầy đủ là Khổng Thị Hằng) sinh ra và lớn lên trong một xã nhỏ thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Từ nhỏ, chị không may bị bệnh thông liên thất, gây khó thở khi ăn uống, chậm phát triển thể chất. So với các bạn cùng tuổi, đây là khó khăn lớn khiến việc học của chị bị gián đoạn, tuổi thơ chỉ quanh quẩn thuốc men và giường bệnh.
Bệnh tật là rào cản lớn trong cuộc sống
Theo chia sẻ, gia đình chị chưa ai có tiền sử bị như vậy. Chị kém may mắn hơn và sức khoẻ rất yếu. Những tưởng bệnh tình chỉ dừng lại ở đó, nhưng đến năm 15 tuổi, chị lại gặp chứng áp se não. Đây là sự tích tụ mủ trong nhu mô não. Các triệu chứng có thể bao gồm đau đầu, mệt mỏi, sốt và dấu hiệu thần kinh khu trú. Để chữa khỏi bệnh, cần điều trị là bằng kháng sinh, hoặc phẫu thuật dẫn lưu.
Các khối u chèn lên các dây thần kinh vận động khiến chị Hằng bị liệt nửa người. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều trải qua trên giường bệnh và cần sự trợ giúp của gia đình.
Chị Hằng và đam mê làm các sản phẩm bằng len.
Chị từng trải qua ca phẫu thuật nhưng bệnh tình không thuyên giảm, các cơn đau vẫn không ngừng hành hạ cơ thể chị. Gia đình thương con, đi tìm thầy thuốc khắp nơi và đưa chị đến nhiều bệnh viện chỉ với mong muốn chị khoẻ mạnh.
Chị Hằng kể: “Tôi đã nghĩ, mình chỉ sống được một vài năm sau khi biểu hiện bệnh thôi. Tôi từng rất tuyệt vọng. May mắn thay, tôi gặp thầy giỏi và hợp thuốc nên điều trị một thời gian dài, bệnh tiến triển tốt hơn”.
“Nếu như trước kia, tôi không thể làm bất cứ việc gì thì hiện tại, tôi đã ngồi được, tay tự cầm đũa ăn cơm và chân có thể đi vài bước chậm. Việc vệ sinh cá nhân cũng vậy, tôi cố gắng làm được, không phụ thuộc quá vào người khác nữa. Dẫu vậy, chân tôi cũng đi tập tễnh và lực tay rất yếu.” - chị Hằng chia sẻ thêm.
Với sức khoẻ kém cùng nhiều bệnh nền trong người, chị Hằng luôn cảm thấy tủi thân và bất lực. Vào những ngày cấy lúa hay những vụ lúa chín, chị không thể phụ giúp, chỉ có thể ở yên một chỗ nhìn bố mẹ già ướt mồ hôi. Hay những việc tưởng chừng đơn giản như quét nhà, lau dọn, chị cũng phải gồng mình cố gắng và làm chậm hơn. Chị bảo, dù có làm chậm cũng phải làm, vì không muốn làm người vô dụng.
Đam mê giúp chị Hằng vượt qua nghịch cảnh
Nói về đam mê của mình, chị Hằng cũng thẳng thắn chia sẻ: “Vì là người khuyết tật nên tôi chỉ mong muốn có thật nhiều sức khoẻ. Trước đó, sức khỏe không cho phép nên tôi không có đam mê gì cả, mãi về sau, tôi đam mê đan móc len. Bởi đây là việc làm khiến tôi thoải mái, tạo ra thu nhập nhỏ phù hợp với sức khoẻ.”
Mũ rộng vành là sản phẩm khó làm, được nhiều sự yêu thích của mọi người.
Chỉ vài lần xem được tin tức trên mạng, thấy nhiều thú cưng, mũ, đồ chơi làm bằng len sợi, chị đam mê và mong muốn sẽ tạo những sản phẩm như vậy. Ban đầu, chi phí không có, chị xin len thừa, len vụn về làm thử, nhưng không ra sản phẩm mong muốn. Chị tìm hiểu cách đan len trên YouTube, học hỏi kinh nghiệm từ người khác và sự hướng dẫn nhiệt tình của các hội viên trong nhóm đan len, sản phẩm chị làm ngày càng nét hơn, bắt mắt hơn.
Với những con thú nhồi bông nhiều kích cỡ cùng những sản phẩm làm từ len, chị đã có những đơn đặt hàng nhỏ đầu tiên. Cảm giác làm ra tiền bằng công sức của mình khiến chị rất vui, là động lực to lớn để chị nhiệt huyết với đam mê. Hơn nữa, đan len cũng làm chị suy nghĩ tích cực, sức khoẻ ổn định, không cảm thấy tự ti như trước nữa.
Một số sản phẩm khác do chị Hằng làm.
Để hoà nhập cộng đồng và có nhiều động lực trong cuộc sống, chị Hằng tích cực tham gia các hội nhóm dành cho người khuyết tật trên mạng xã hội. Các buổi gặp mặt, chia sẻ của câu lạc bộ khuyết tật Phú Thọ, các hội nhóm luôn là môi trường phù hợp để chị nâng cao nhận thức, học hỏi kinh nghiệm. Được gặp gỡ các hoàn cảnh khác nhau, được động viên về tinh thần chính là liều thuốc bổ ích khiến chị vững tin vào cuộc sống.
Chị Hằng hy vọng bản thân sẽ có thật nhiều sức khoẻ, tinh thần lạc quan để làm việc, giúp đỡ bố mẹ. Mong muốn gia đình luôn khoẻ, đồng hành cùng chị trên đường đời đầy chông gai. Bên cạnh đó, chị cũng mong được sự quan tâm của cộng đồng, có nhiều chính sách thiết thực giúp đỡ những hoàn cảnh khuyết tật như chị vượt qua khó khăn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.